TTCK: Bắt đầu cuộc chơi của "ông lớn"?

Ngoài việc VN Index tăng điểm, cổ phiếu (CP) tăng giá, nhà đầu tư (NĐT) thu được lợi nhuận, việc thanh khoản được duy trì ở mức cao cũng là một nét nổi trội trên thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian gần đây. Điều này bắt nguồn từ sự tham gia tích cực của các quỹ đầu tư ngoại. Các NĐT tổ chức bước đầu đang thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường, thu hút những dòng tiền mới.

Ngoài việc VN Index tăng điểm, cổ phiếu (CP) tăng giá, nhà đầu tư (NĐT) thu được lợi nhuận, việc thanh khoản được duy trì ở mức cao cũng là một nét nổi trội trên thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian gần đây. Điều này bắt nguồn từ sự tham gia tích cực của các quỹ đầu tư ngoại. Các NĐT tổ chức bước đầu đang thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường, thu hút những dòng tiền mới.

Quỹ “hàng hiệu” yếu thế

Cuối tháng 2, Dragon Capital công bố sáp nhập 2 quỹ quỹ con VDeF A và VDeF B của Quỹ trái phiếu Việt Nam (VDeF). Toàn bộ trái phiếu trong danh mục đầu tư A sẽ được chuyển sang danh mục đầu tư B nhằm tạo ra danh mục tổng hợp có giá trị tài sản ròng 38,5 triệu USD.

Đầu tháng 3, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố bổ nhiệm ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, làm thành viên HĐQT của công ty. Ngay trong phiên giao dịch ngày 3-3, từ mức 586 điểm, VN Index giảm 13 điểm xuống 573 điểm. Trao đổi với đại diện một quỹ đầu tư chuẩn bị tham gia TTCK Việt Nam, vị này cho biết đang kỳ vọng thị trường sẽ điều chỉnh và đi ngang để có cơ hội giải ngân.

Sự ổn định tỷ giá 2 năm gần đây đã góp phần kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại. Điểm sáng đáng lưu ý là các nhà điều hành chính sách đang dần tạo lòng tin người dân và doanh nghiệp khi các phát biểu, cam kết đã đi đôi với thực hiện. Bởi chính những cam kết mang tính định hướng chính sách dài hạn rất quan trọng và cần thiết để người dân, doanh nghiệp và NĐT lập kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Thăng Long,
Trưởng phòng Phân tích
CTCK BIDV-BSC

Diễn biến trên cho thấy, trên sàn chứng khoán, nói đến giao dịch của khối ngoại, NĐT chú ý đến các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) hoặc quỹ mạo hiểm mới xuất hiện trong vài năm gần đây. Điều này cho thấy sự tương phản về thông tin cũng như tầm ảnh hưởng của các quỹ đầu tư rất rõ ràng.

Các quỹ ngoại thuộc hàng “cổ thụ” trên TTCK Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital đang hoạt động một cách thầm lặng. Không nhiều thông tin liên quan đến việc gọi vốn, rót vốn của các đơn vị này trong những năm gần đây, trong khi các hoạt động khác cũng chỉ ở mức bình thường.

Năm 2012, ông Andy Ho trở thành Chủ tịch HĐQT của Khang Điền (KDH), nhưng chỉ gần 1 năm sau đã rời chiếc ghế này. Vậy nên, có ý kiến cho rằng việc ông này tham gia HĐQT của PNJ cũng không có gì đáng chú ý, bởi PNJ vốn dĩ đã hoạt động rất tốt dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cao Thị Ngọc Dung. Trong một chừng mực nhất định, về mặt tiền bạc các quỹ “cổ thụ” có vẻ đang lép vế so với các quỹ mới.

Không thể phủ nhận những thành quả một số quỹ đầu tư đạt được sau 10-20 năm tham gia TTCK Việt Nam. Nhưng chính các quỹ này cũng gặp những thách thức của mình liên quan đến hiệu quả đầu tư. Một điều tréo ngoe là các quỹ vào sau có nhiều tiền, nhưng lại không thể mua những CP “hàng xịn”, hoặc nếu mua phải trả giá rất cao.

Ngược lại, việc nắm giữ những CP như VNM (Vinamilk), Dược Hậu Giang (DHG), REE, FPT… lại là lợi thế rất lớn của những quỹ ngoại có nhiều kinh nghiệm. Quỹ có tiền thiếu “hàng”, quỹ có “hàng” lại chưa có nhiều tiền, nên mấu chốt ở đây chính là niềm tin. Chính vì vậy các ETF đang tung hoành trên thị trường hay một số quỹ chuẩn bị tham gia TTCK đều hoạt động dưới hình thức quỹ mở để NĐT có thể góp và rút vốn dễ dàng.

Làn sóng thành lập quỹ mở

Tham gia TTCK Việt Nam từ năm 2009, các ETF VNM và FTSE VN đang ngày càng có ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của khối ngoại nói riêng và thị trường nói chung. Nếu so với các quỹ đã đầu tư vào thị trường Việt Nam ở giai đoạn đầu như Dragon Capital và VinaCapital, tổng tài sản khoảng 670 triệu USD của 2 quỹ ETF khá khiêm tốn. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng đến thị trường lại rất lớn do tính năng động, tăng giảm quy mô quỹ, tính chất CP đầu tư và ảnh hưởng của các kỳ rà soát danh mục.

Tuy nhiên, quỹ mở cũng có những điểm hạn chế nhất định, khi tài sản đầu tư phải có tính thanh khoản cao, ít rủi ro, nên mức độ lợi nhuận đem về cũng hạn chế hơn các quỹ đóng mua vào nắm giữ dài hạn. Nhưng đặt trong bối cảnh niềm tin của NĐT lung lay bởi bỏ tiền vào quỹ đóng không biết quỹ đầu tư như thế nào, thậm chí thua lỗ, không bán được chứng chỉ quỹ, hoặc phải bán giá thấp, thì thà lãi ít còn hơn.

Một vài quỹ mở từ nước ngoài khi mới tham gia có thể đưa ra mục tiêu gọi vốn 50-100 triệu USD hay hơn nữa, nhưng số tiền thực tế có khi chỉ 10-20 triệu USD. Những khoản tiền này đóng góp từ những NĐT ruột, có mối quan hệ từ lâu với các nhà quản lý quỹ và sẽ có tác dụng chào hàng để gọi thêm vốn về sau. 10-20 triệu USD nếu sinh lời tốt có thể gọi thêm được 100-200 triệu USD. Niềm tin phải được tạo dựng từ điều nhỏ nhất, không chỉ tuyên bố kiểu “đao to búa lớn”.

Năm 2013, doanh nghiệp lớn, đầu ngành đạt được kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng mạnh nhờ chiếm lĩnh thêm thị phần do doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn. Xác định thị trường CP tiếp tục tăng trưởng và là kênh đầu tư hấp dẫn, định hướng năm 2014 của các quỹ sẽ sử dụng chiến lược đầu tư năng động để điều chỉnh cơ cấu tài sản linh hoạt, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ thị trường. Tài sản của quỹ sẽ là “tài sản thanh khoản” trên thị trường.

Ông Phạm Quang Thanh,
Giám đốc đầu tư Quỹ năng động Bảo Việt (BVFED)

Sau làn sóng thành lập quỹ mở trong năm 2013, có thể kéo dài sang đến năm 2014, TTCK Việt Nam lại chứng kiến làn sóng các tập đoàn bảo hiểm tham gia ngành quản lý quỹ. Sau Bảo Việt, Manulife, Prudential, những tập đoàn bảo hiểm tham gia ngành quản lý quỹ từ rất sớm, gần đây người ta thấy Dai-ichi Life, Ace Life cũng được cấp giấy phép thành lập công ty quản lý quỹ.

Ngoài ra, AIA hay PVI Sun Life cũng có thể là những cái tên sẽ tham gia cuộc chơi này. Nhiều khả năng, các công ty quản lý quỹ từ các tập đoàn bảo hiểm sẽ cạnh tranh quyết liệt trong các sản phẩm quỹ hưu trí hoặc quỹ mở.

Lợi thế lớn nhất từ các công ty quản lý quỹ có gốc bảo hiểm là nguồn tiền dồi dào từ tập đoàn mẹ, thêm đó hệ thống phân phối, khách hàng lớn và trường phái đầu tư thận trọng, bảo vệ tiền tương đối tốt.

Thương vụ Mekong Capital lãi lớn khi đầu tư vào Thế giới di động, hay BankInvest đã mua cổ phần của Masan (MSN) từ khi chưa lên sàn là những điển hình về thành công của loại hình đầu tư vốn vào các công ty tư nhân.

Nhưng khả năng tiếp tục có những thương vụ như vậy trong thời gian tới sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ CP dưới sàn (OTC) trong thời điểm hiện tại đang rẻ hơn trên sàn, nhưng với những CP tốt định giá cao hơn trên sàn. So với cách đây 7-10 năm, doanh nghiệp bây giờ không ham quỹ ngoại nữa và chính quỹ ngoại cũng ngại doanh nghiệp.

Một số quỹ khi mới đầu tư công bố mục đích chiến lược, nhưng khi doanh nghiệp gặp khó khăn đã bỏ chạy. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp sau khi bán được cổ phần cho quỹ ngoại cũng buông luôn cho đối tác. Trong khi đó, những công ty tư nhân kinh doanh hiệu quả đang được nhiều quỹ nhòm ngó và họ có nhiều sự lựa chọn từ đối tác.

Tiền không phải là vấn đề tiên quyết để lựa chọn, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về công nghệ, quản trị để tạo nên sức mạnh. Trong trường hợp cần tiền họ bán ra CP với giá cao, không chấp nhận bán giá thấp, vì còn một cửa khác là tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với giá rẻ. Vì thế, đầu tư PE không còn dễ ăn như trước. Cuộc chơi sẽ chỉ dành cho những quỹ có tên tuổi và chứng minh được hiệu quả trong quá khứ.

Tác động lan tỏa

Nói về đầu tư trái phiếu, nhất là trái phiếu chính phủ (TPCP), đây là cuộc chơi của các ngân hàng với số tiền tính bằng ngàn tỷ đồng. Giá trị giao dịch 1 lô TPCP dao động từ khoảng 30-50 tỷ đồng, nên nếu các quỹ mở có vài chục tỷ đồng e rằng không dễ đầu tư, chưa kể đây lại là tài sản an toàn nên suất sinh lợi không thể cao như đầu tư CP.

Những lý do trên cùng việc NĐT bây giờ chú trọng hiệu quả, khả năng thu hồi vốn nhanh, sẽ dẫn đến việc dòng vốn phải hướng đến TTCK. Đầu tư vào CP niêm yết trên TTCK sẽ nhanh chóng tính toán được lãi/lỗ, hiệu quả một cách chính xác nhất. Nhiều khả năng, những quỹ ngoại tập trung vào TTCK sẽ có nhiều hoạt động nổi bật trong năm nay, kéo theo đó nhiều quỹ khác có thể xuất hiện.

Chẳng hạn, 1 công ty quản lý quỹ vận hành quỹ mở đại chúng hoạt động hiệu quả có thể tiến đến thành lập thêm quỹ thành viên (số lượng thành viên có giới hạn). Ngoài hoạt động từ các quỹ chính, có 2 yếu tố có thể tác động đến dòng vốn của NĐT tổ chức theo hướng đa dạng hóa và ngày càng dồi dào hơn.

NĐT nhỏ lẻ thường đón sóng đầu tư từ các quỹ ETF. Ảnh: LONG THANH

NĐT nhỏ lẻ thường đón sóng đầu tư từ các quỹ ETF. Ảnh: LONG THANH

Mới đây, dự thảo về quỹ ETF đã được cơ quan quản lý đưa ra lấy ý kiến các thành viên của TTCK. Đến nay TTCK trong nước mới có ETF ngoại và trong thời gian tới nếu có thêm ETF nội sẽ có sự cạnh tranh, đồng thời thị trường được mở rộng hơn. Đây chính là cơ sở để thu hút thêm những quỹ ETF khác tham gia. Bên cạnh đó, hoạt động của các công ty chứng khoán (CTCK)  sẽ phục vụ NĐT tổ chức.

Ngoài những CTCK có tên tuổi, có lượng khách hàng tổ chức lớn, hiện nay đang có 3-5 CTCK tích cực nâng cao dịch vụ và thu hút NĐT tổ chức về với mình. Các CTCK này đang tích cực tuyển dụng vị trí chuyên viên phân tích cao cấp để củng cố đội ngũ phân tích, phục vụ khách hàng của mình. Điều này góp phần gia tăng hiệu quả các quỹ, thanh khoản thị trường được củng cố và đó là cơ sở để thu hút thêm các tổ chức khác tham gia.

Các tin khác