Kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2012 với những chỉ tiêu được kiểm soát khá tốt như lạm phát dưới 2 con số, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Đi kèm là hệ thống giải pháp giải quyết hàng tồn kho bất động sản đã được Chính phủ ban hành, đề án công ty mua bán nợ xấu hệ thống ngân hàng đang xin ý kiến Bộ Chính trị… chính điều này đã làm niềm tin của giới đầu tư chứng khoán phấn chấn. Liệu rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục kỳ vọng về điều này trong thời gian tới?
Bơm tiền chỉ mới là chính sách
Một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản Chính phủ vừa đưa ra là dành 20.000-40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý cho đối tượng mua nhà ở xã hội. Chính sách này là một hướng tốt cho cả người mua và chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trung gian của quá trình này chính là hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Theo đó, các NHTM nhân danh cho vay nhà ở xã hội thực hiện vay vốn lãi suất thấp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vậy liệu trong khi việc sử dụng nguồn vốn này có thể dùng cho những mục đích khác?
Đầu tháng 10-2012, NHNN đã ban hành dự thảo “Thông tư quy định hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. Theo đó, không cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác đầu tư vốn để cho vay, đầu tư chứng khoán, vàng và ngoại tệ, chỉ được ủy thác cho mục đích đầu tư trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Nếu dự thảo này được ban hành, các NHTM không thể tiếp tục bơm vốn vào thị trường và nền kinh tế dưới hình thức này, mà còn phải thu hồi các khoản ủy thác đầu tư trước đây. Đây chính là một đòn giáng mạnh cho TTCK không thua kém những văn bản trước đây như Chỉ thị 03, Thông tư 13… |
Vì thế, chính sách tái cấp vốn được thực hiện trên những hợp đồng cho vay mua nhà ở xã hội đang chờ sự phối hợp giữa NHNN và Bộ Xây dựng. Nghĩa là việc bơm tiền chưa được thực thi và những khó khăn cũng chưa được giải quyết.
Trong khi đó, năm 2012, đứng trước những khó khăn của con cá tra, Chính phủ đã có gói hỗ trợ bơm tiền lãi suất thấp lên đến 38.000 tỷ đồng được thực hiện thông qua NHNN.
Tuy nhiên, thực hư của lượng tín dụng này như thế nào hiện chưa có kết luận, khi đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng con số này không hiện thực, cần kiểm tra lại. Bởi nếu có được bơm ra số tiền trên, đối tượng thụ hưởng sẽ không được hưởng lợi, con cá tra sẽ tiếp tục điêu đứng.
Song song với giải pháp trên, Chính phủ dự kiến bơm tiếp 100.000-150.000 tỷ đồng để giải quyết nợ xấu, thông qua hệ thống NHTM dùng tiền này mua lại các công cụ nợ từ Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) dự kiến được thành lập; hoặc có thể bơm tiền cho hệ thống NHTM thông qua việc tái chiết khấu các chứng từ có giá (các khoản trái phiếu do VAMC phát hành) để cấn trừ khoản nợ mà các NHTM bán cho VAMC.
Dù là hình thức nào, nhưng đề án của công ty này chưa được triển khai do còn chờ ý kiến của Bộ Chính trị. Nghĩa là việc bơm tiền vào hệ thống NHTM chưa thể thực thi. Điểm đáng nói là việc bơm tiền chiết khấu các chứng từ có giá vẫn đang được thực hiện một cách thầm lặng từ NHNN mà không cần tuyên bố.
Vậy việc bơm tiền có phải là một nhân tố tạo ra sự hưng phấn, lạc quan cho nhà đầu tư trên TTCK khi cả năm 2012 thị trường ở trong xu hướng giảm điểm? Theo như 2 vấn đề chúng tôi nêu trên, việc bơm tiền chưa được thực hiện, thậm chí tính hiệu quả của quá trình này vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Vì thế, điều tạo nên sự hưng phấn của nhà đầu tư những ngày cuối năm 2012 và đầu năm 2013 chính là hoạt động của thông tin. Và ở đây là hiệu ứng thông tin về chính sách bơm tiền khi được dự kiến công bố.
Mong chờ VAMC
Tuần qua, nhà đầu tư tiếp tục lạc quan với chính sách xử lý nợ xấu bằng việc thành lập VAMC. Theo đó Chính phủ sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về tổ chức hoạt động của VAMC để xử lý nợ xấu trong tháng 1-2013, sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến.
Đứng trước kỳ vọng này, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng giá bất chấp cách thức hoạt động và hiệu quả của chính sách này. Nếu việc thực hiện chính sách này là khả thi, sẽ giúp hệ thống NHTM xử lý được các tài sản xấu trên bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, việc xử lý các tài sản xấu, mà cụ thể là tín dụng của hệ thống NHTM được thực hiện bằng nhiều cách chứ không chỉ riêng giải pháp VAMC. Phân tích sâu hơn, sẽ thấy hệ thống NHTM nước ta đang đối mặt với sự suy kiệt bảng cân đối kế toán do tình trạng nợ xấu không được phản ánh một cách đầy đủ. Tình trạng này càng được báo động khi nợ xấu toàn hệ thống gia tăng nhưng lợi nhuận của hệ thống NHTM càng lớn.
Mô hình quản lý dòng vốn từ NHNN đến NHTM và các tổ chức vay vốn. |
Điều này cho thấy, hệ thống NHTM đang không phản ánh những tổn thất thực sự vào kết quả kinh doanh để tạo ra bức tranh lợi nhuận cao, nhằm giúp các cổ đông thoái vốn thông qua chính sách cổ tức. Thật không công bằng khi những người chủ của hệ thống đang được thụ hưởng lợi ích, NHNN lại thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia.
Chính vì điều này, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng NHNN phải yêu cầu các NHTM tự xử lý nợ xấu. Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ hệ thống ngân hàng 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chuyển tải thông điệp “các ngân hàng phải dùng khoản tiền trích lập dự phòng rủi ro hoặc bán tài sản thế chấp để xử lý”. Trước đó ngày 27-11, Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Văn bản 7789 về việc trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Theo đó, yêu cầu chủ tịch HĐQT, HĐTV, tổng giám đốc các ngân hàng rà soát lại khả năng phát mại, giá trị của tài sản bảo đảm. Qua đó, các ngân hàng sớm xác định hợp lý giá trị và tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm, trích lập tối đa dự phòng rủi ro. Theo NHNN, biện pháp này nhằm tạo nguồn để xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ngay trong năm 2012.
Tuy nhiên, hệ thống NHTM vẫn có một kết quả kinh doanh khả quan và một mức nợ xấu thấp theo cách nhìn của chính các NHTM. Nếu điều này là hiện thực, liệu có cần thiết có một VAMC, khi chỉ đạo của NHNN trong việc tự xử lý nợ xấu không được thực hiện, hay chăng NHNN cần mạnh tay trong việc thực hiện chỉ đạo này trước khi bàn chuyện VAMC?
Giải pháp cho TTCK chỉ mới là kiến nghị
Không đứng ngoài cuộc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2013. Theo đó, nhiều giải pháp được đưa ra và thực thi. Đó là việc nới tỷ lệ margin lên 50/50 áp dụng từ 1-2-2013 và thực hiện mở rộng biên độ giao dịch trên 2 sàn từ 15-1, đã được Chủ tịch UBCKNN công bố.
Đây là giải pháp nhằm kích thích tính đầu cơ trên thị trường diễn ra giữa các nhà đầu tư chứ không phải là giải pháp giúp cho chính doanh nghiệp có cổ phiếu được nhà đầu tư mua bán cải thiện tình hình hoạt động.
Tính từ 15-3-2012 đến hết năm, NHNN đã phát hành khoảng 180.000 tỷ đồng và đã có 120.000 tỷ đồng tín phiếu được đáo hạn, hiện còn trên 57.000 tỷ đồng chưa đáo hạn. Cũng trong năm 2012, NHNN đã bơm ra trên 300.000 tỷ đồng để mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại tệ lên khoảng 24 tỷ USD… Đó là một số minh chứng của việc điều tiết tiền từ NHNN. |
Giải pháp này đi vào hiện thực sẽ góp phần gia tăng tính đầu cơ, bất ổn của thị trường càng gia tăng. Những giải pháp còn lại chỉ là những kiến nghị của cơ quan này lên cơ quan cấp cao hơn: không đưa chứng khoán vào nhóm phi sản xuất.
Đứng ở góc độ giao dịch trên thị trường, việc cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán là yêu cầu chính đáng và hiện nay nhiều ngân hàng tiến hành cấp tín dụng trong đầu tư chứng khoán thông qua các công ty chứng khoán.
Mức tín dụng cấp cho hoạt động này khá lớn, nếu nhìn trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán niêm yết. Cái khó của kiến nghị này nằm ở chỗ nếu đưa ra khỏi đối tượng phi sản xuất, các NHTM sẽ đẩy mạnh hoạt động cho vay cầm cố cổ phiếu trên những cổ phiếu không được niêm yết. Rủi ro sẽ thuộc về hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, khi nền kinh tế đang cần vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh với chi phí thấp, nguồn tín dụng ngân hàng nếu dành cho những hoạt động cho vay đầu cơ, thao túng các tài sản mang tính đầu cơ, sẽ đẩy dòng vốn bị chảy lệch khỏi nền kinh tế. Vì vậy, chính sách này khó kỳ vọng sớm được thực hiện.
Bên cạnh đó, room của nhà đầu tư nước ngoài được điều chỉnh vượt 49% nắm giữ cổ phần không có quyền biểu quyết ở một số ngành nghề kinh doanh. Cái khó của giải pháp này nằm ở cổ phần không có quyền biểu quyết.
Phải chăng loại cổ phần này chỉ được phát hành riêng lẻ cho những đối tác chiến lược nước ngoài, bởi bản thân các cổ phiếu giao dịch trên thị trường đều có quyền biểu quyết.
Nếu điều này được thực hiện, việc tranh mua bán cổ phiếu của những công ty này giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước có diễn ra không? Chắc chắn là không.
Trong Nghị quyết 01/NĐ-CP có yêu cầu các NHTM thoái dần vốn ra khỏi ngành, lĩnh vực phi tài chính hoặc lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro là điều kiện và là cơ hội cho hoạt động thoái vốn. Trong khi đó, hoạt động ủy thác đầu tư của hệ thống NHTM hiện nay khá lớn.
Hoạt động này được thực hiện gián tiếp nhằm mục đích đầu tư nắm giữ cổ phần lẫn nhau, hoặc đầu tư kinh doanh chứng khoán, cấp tín dụng cho các hoạt động bị giới hạn tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng. Hoạt động ủy thác đầu tư này đã làm méo mó hoạt động của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính.