TTCK (kỳ 1): Tương lai bất định

LTS: Thị trường chứng khoán (TTCK) là kênh huy động vốn không thể thiếu của nền kinh tế và thực tế TTCK Việt Nam đã phát huy khá tốt vai trò của nó. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011, TTCK nước ta gần như đang đứng trên bờ vực phá sản, trong khi đó các cơ quan quản lý vẫn chưa có giải pháp hỗ trợ để giải cứu thị trường. Làm thế nào để vực dậy TTCK hay để nó tự diễn biến theo hướng rã đám?

LTS: Thị trường chứng khoán (TTCK) là kênh huy động vốn không thể thiếu của nền kinh tế và thực tế TTCK Việt Nam đã phát huy khá tốt vai trò của nó. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011, TTCK nước ta gần như đang đứng trên bờ vực phá sản, trong khi đó các cơ quan quản lý vẫn chưa có giải pháp hỗ trợ để giải cứu thị trường. Làm thế nào để vực dậy TTCK hay để nó tự diễn biến theo hướng rã đám?

> Kéo nhà đầu tư quay lại thị trường

Đại gia cũng “ngấm đòn”

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, 6 tháng đầu năm khoảng 30% số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất. Chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp quý II giảm tới 21 điểm, xuống còn 88 điểm - mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được tiến hành khảo sát (quý III-2008 là 100 điểm). Những bất ổn của nền kinh tế, khó khăn của doanh nghiệp đã tác động mạnh mẽ đến TTCK.

Tính đến cuối tháng 7, trên cả 2 sàn chứng khoán đã có 438 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II, trong đó có 54 doanh nghiệp công bố lỗ với tổng số tiền lên đến 1.409 tỷ đồng, trong đó khối các công ty chứng khoán (CTCK) có nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhất.

Các doanh nghiệp có mức thua lỗ cao trong quý II còn có CTCP Đầu tư phát triển Sacom (SAM) lỗ 100 tỷ đồng; CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNE) lỗ 57 tỷ đồng; CTCP Viễn thông Thăng Long (TLC) lỗ 24,7 tỷ đồng; CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (GMD) lỗ 21,3 tỷ đồng… 

Những giải pháp cải cách chưa đủ sức kéo NĐT quay lại với TTCK. Ảnh: LÃ ANH
Những giải pháp cải cách chưa đủ sức kéo NĐT quay lại với TTCK. Ảnh: LÃ ANH

Điều đáng nói là hiện tượng doanh nghiệp niêm yết thua lỗ trong thời gian gần đây còn có sự xuất hiện của nhiều đại gia “chưa từng thua lỗ”, khiến nhà đầu tư (NĐT) đã thận trọng nay càng thêm lo ngại. Điển hình là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), trong báo cáo tài chính dù công bố doanh thu bán hàng không giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chi phí hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi vay) trong quý lên đến 238,6 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 98,5 tỷ đồng; lợi nhuận thuần trong kỳ âm 114,35 tỷ đồng.

Một đại gia khác cũng “ngã ngựa” trong quý vừa qua là CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC). Theo đó, trong quý II công ty mẹ chỉ đạt 9,8 tỷ đồng doanh thu thuần và 28,4 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong khi cùng kỳ năm ngoái KBC đạt 2,5 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng có 352 tỷ đồng doanh thu tài chính. Doanh thu thấp không đủ bù chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của KBC âm 45,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 227 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 96,2 tỷ đồng.

Xét về mặt bằng giá cổ phiếu, TTCK Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường có giá cổ phiếu rẻ nhất trong các thị trường mới nổi. Tính đến ngày 22-7 có 200/284 cổ phiếu tại HSX và 309/383 cổ phiếu niêm yết tại HNX có thị giá dưới giá trị sổ sách; 107/284 cổ phiếu niêm yết tại HSX và 214/383 cổ phiếu niêm yết tại HNX có giá dưới mệnh giá 10.000 đồng. So với các thị trường mới nổi như Nga, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… mức P/E của TTCK Việt Nam là 9,2 lần, thấp chỉ sau Nga (7,9 lần).

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết: “Tính từ đầu năm đến ngày 25-7, VN Index giảm 15,5%, HNX Index giảm 38,5%. Thanh khoản của thị trường cũng giảm mạnh với khối lượng giao dịch bình quân 25-30 triệu cổ phiếu/phiên trong quý I xuống còn 15-18 triệu cổ phiếu/phiên trong tháng 7. Thị trường OTC và UPCoM hầu như đóng băng. Mức vốn hóa của thị trường cuối tháng 6 đạt 686.000 tỷ đồng, giảm 40.000 tỷ đồng so với cuối năm 2010. Mức vốn hóa so với GDP giảm xuống 36% từ mức 39% cuối năm 2010”.

Nhà đầu tư thờ ơ

Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại để có bức tranh đúng về dư nợ tín dụng đối với TTCK. Trên cơ sở đó có các quy định phù hợp, vừa đáp ứng được yêu cầu chống lạm phát, vừa có lộ trình để các ngân hàng có thể điều chỉnh theo hướng tích cực. Cụ thể, không nên quy định một mức tiền cho vay hoạt động chứng khoán như nhau đối với các tổ chức tín dụng, mà cần phân loại và chỉ hạn chế đối với các tổ chức tín dụng không đạt các tiêu chí an toàn.

VŨ THỊ KIM LIÊN,
Phó Chủ tịch UBCKNN

Theo UBCKNN, các cấp hoạch định chính sách cần có cái nhìn công bằng hơn đối với TTCK. Thực tế phát triển 11 năm qua cho thấy TTCK đã trở thành một kênh phân phối và huy động vốn ngày càng hiệu quả cho doanh nghiệp, mà điển hình là các ngân hàng. Chỉ tính riêng trong năm 2010, hệ thống ngân hàng đã huy động được hơn 45.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ.

Không có TTCK, những doanh nghiệp như STB, ACB, SSI, HAG, VIC… không thể tăng trưởng quy mô nhanh chóng để trở thành doanh nghiệp tầm cỡ quốc gia và khu vực như hiện nay. Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc CTCK TPHCM, nói: “Nếu nói TTCK Việt Nam đang rẻ nhất khu vực châu Á với P/E là 8,5x nhưng tại sao NĐT, thậm chí NĐT nước ngoài vẫn không mặn mà, đua nhau bán ra. Nguyên nhân là TTCK nước ta vẫn chứa đựng quá nhiều rủi ro đối với NĐT”.

Thời gian gần đây, UBCKNN đã có nhiều giải pháp cải cách thị trường với các quy định mới có lợi cho NĐT, như bắt buộc doanh nghiệp phải niêm yết sau khi IPO, hay mới nhất là Thông tư 74 cho phép NĐT mở nhiều tài khoản và cùng mua bán 1 loại cổ phiếu trong 1 phiên. Tuy nhiên, những biện pháp này xem ra vẫn chưa đủ sức kéo NĐT quay lại với TTCK. Điều NĐT quan tâm nhất lúc này là quy định cho phép được bán ra ngay sau khi mua (tức là giao dịch T+0), thay vì 4 ngày sau mới được bán hàng như hiện nay.

Một nguyên nhân nữa dẫn tới sự èo uột của TTCK hiện nay là thiếu sự minh bạch và công khai, trong khi sản phẩm trên thị trường rất nghèo nàn. Ngay cả việc VN Index bị “méo mó” trong thời gian dài vẫn vẫn chưa thấy hướng xử lý. Cũng có chuyên gia đặt vấn đề: Để kéo TTCK ra khỏi tình cảnh hiện nay cần một cơ chế độc lập cho UBCKNN, cần nhất là thoát khỏi “cái bóng” của Bộ Tài chính.

Chuyên gia tài chính chứng khoán Huy Nam cho rằng trong tình cảnh khó khăn này, NĐT rất cần nghe thông điệp, biết động thái và thấy được sự chuyển động tích cực thể hiện mối quan tâm thực sự của giới hữu trách đến sức sống thị trường. Chí ít  đây cũng là sự xoa dịu và đồng cảm với NĐT, nhưng việc này vẫn chưa thấy cơ quan chức năng bày tỏ thái độ!

Giải pháp tái cấu trúc thị trường?

Theo các chuyên gia, các biện pháp miễn, giảm thuế đang được kiến nghị ra Quốc hội nhằm giúp vực dậy TTCK vẫn chưa cơ bản. Ở Trung Quốc những năm 90, khi TTCK phát triển, nước này khuyến khích đầu tư vào TTCK bằng cách đánh thuế 20% trên tiền lãi ngân hàng nhưng không đánh thuế cổ tức, còn Việt Nam làm ngược lại. Đầu tư chứng khoán là rủi ro, lời ăn lỗ chịu nhưng lại đánh thuế cổ tức là bất hợp lý.

Có một thực tế là dù đã cổ phần hóa nhưng phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, gây nhiều khó khăn cho NĐT nước ngoài trong tiếp cận và không thu hút được sự quan tâm của họ. Việc cơ quan quản lý có thể làm ngay là điều chỉnh, hoàn chỉnh nền tảng của TTCK và cơ cấu lại những đối tượng tham gia thị trường hiện nay (có quá nhiều CTCK, quản lý quỹ). Những bước này trước mắt không phải là hiệu quả nhất nhưng khi kinh tế vĩ mô ổn định, TTCK sẽ thu hút được các NĐT dài hạn.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital

“Tôi nghĩ không nên chỉ giảm thuế đến cuối năm 2011 mà nên bỏ hẳn. Chúng tôi đã có kiến nghị nhưng rất không may là khi Quốc hội thảo luận thuế thu nhập cá nhân, lại rơi đúng thời điểm TTCK đang nóng.

Thực tiễn đã cho thấy chúng ta cần có sự thay đổi” - một lãnh đạo UBCKNN trình bày quan điểm. Mặt khác, một trong những giải pháp chủ yếu để giữ ổn định TTCK là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, hiệu quả kinh doanh cao như MobiFone, VinaPhone… để tăng nguồn cung hàng hóa chất lượng cao nhằm thu hút vốn đầu tư của NĐT tổ chức nước ngoài, giảm thiểu hoặc bán hết cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp không thiết yếu và xử lý các vướng mắc như vấn đề thuê đất, chào bán cho NĐT nước ngoài…

Theo ông Hồ Quốc Tuấn, kinh tế gia CTCK Rồng Việt, tác động tiêu cực của kinh tế vĩ mô đến dòng vốn vào chứng khoán sẽ tạo áp lực buộc cơ quan quản lý phải điều chỉnh mô hình phát triển của TTCK. Cần đảm bảo dòng tiền vào thị trường  ổn định, phát triển bền vững hơn là phụ thuộc quá lớn vào sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức và dòng vốn ngoại như trước đây…

Hơn lúc nào, nay là thời điểm rất cần có sự nghiên cứu nghiêm túc và toàn diện  để đẩy mạnh phát triển TTCK nước nhà. Việc này cần được thực hiện bởi một đầu mối ở tầm cao, cao hơn UBCKNN nhưng không thể thiếu cơ quan này, nhằm tập hợp được các kiến nghị, giải pháp  vừa tâm huyết vừa chuyên sâu ứng cứu TTCK đang rơi tự do!

------------

Kỳ 2: Công ty chứng khoán – ai còn, ai mất?

Các tin khác