TTCK:Thanh khoản thấp là vấn đề đáng lo

(ĐTTCO)-Giới phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng, rủi ro giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn hiện hữu khi trước mắt là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết.
TTCK:Thanh khoản thấp là vấn đề đáng lo

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong tuần qua (từ 29/6-3/7) nhưng thanh khoản cũng sụt giảm theo cho thấy nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn.

Giới phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng, rủi ro giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn hiện hữu khi trước mắt là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết.

Thiếu vắng thông tin hỗ trợ

Ông Trần Xuân Bách, phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 có thể khiến cho lợi nhuận dự kiến của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng, qua đó có thể tạo ra ảnh hưởng không tích cực lên diễn biến giá cổ phiếu, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC nêu quan điểm, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc cao nhất tuần nhưng thanh khoản lại là vấn đề đáng quan ngại khi càng lúc càng giảm dần đều. Trong khoảng thời gian thị trường chưa có thông tin tích cực ủng hộ thì dòng tiền vẫn chưa mạnh dạn tham gia.

Vì vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế giao dịch nhiều để có thể tránh rủi ro không đáng có trong vùng trũng thông tin.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (6/7-10/7), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm và xa hơn là ngưỡng 805 điểm.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu nên quan sát thị trường trong tuần tới và có thể bán giảm tỷ trọng nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng 840 điểm. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt có thể giải ngân trở lại nếu VN-Index có nhịp giảm về gần ngưỡng 805 điểm.

Theo SHS, thị trường tiếp tục giảm điểm trong tuần qua với thanh khoản tiếp tục suy giảm. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 29/6-3/7), VN-Index giảm 4,37 điểm (0,5%) xuống 847,61 điểm; HNX-Index giảm 1,899 điểm (1,7%) xuống 111,55 điểm.

Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 4.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 10,1% xuống 23.954 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 17,3% xuống 1.456 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 25,9% xuống 2.102 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29,7% xuống 218 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm mạnh với VCB giảm 0,4%, CTG 1,1%, BID 2%, ACB 2,5%, TCB 2,7%, VPB 3,2%, SHB 8,6%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến tiêu cực với PVD và PVS đều giảm 2,3%, GAS 2,6%, POW 5,2%, PVC 6,4%. 

Cổ phiếu ngành hàng không đồng loạt giảm giá với VJC giảm 0,5%, HVN 1,5%, ACV và AST đều giảm 2%.

Ở chiều tích cực, cổ phiếu hàng tiêu dùng là trụ đỡ cho thị trường chung với các mã vốn hóa lớn tăng mạnh như MSN tăng 1,4%, trong khi SAB tăng tới 6,2%.

Bên cạnh đó, mã cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc họ Vingroup là VHM tăng 3%, tiếp tục tạo ra lực nâng lớn cho thị trường.

Theo nhóm phân tích của Công ty SHS, làn sóng thứ hai của dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng tại một số quốc gia trên thế giới với số ca mắc mới tăng vọt là yếu tố khiến tâm lý nhà đầu tư tỏ ra tiêu cực trong tuần qua.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, một số tin tức tích cực như PMI (Chỉ số quản lý thu mua - đây là một chỉ số thường thấy phổ biến về xu hướng kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) vượt ngưỡng 50 điểm trong tháng 6 và một số tổ chức quốc tế nâng dự báo về sự tăng trưởng của Việt Nam... đã giảm bớt nhận định tiêu cực.

Việc VN-Index ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp với thanh khoản có sự suy giảm rõ nét và xuống dưới mức trung bình 20 tuần cho thấy, sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư trước xu hướng không rõ ràng hiện tại. Khối ngoại cũng bán ròng trở lại với giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Trong khi thị trường chứng khoán trong nước đi xuống thì các thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn diễn biến tích cực, dù dịch COVID-19 tại những nước này vẫn diễn biến phức tạp với sự gia tăng các ca mắc mới.

Chứng khoán thế giới đi lên

Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong các phiên giao dịch của tuần qua và khép lại tuần giao dịch với kết quả tích cực, sau khi giới đầu tư đón nhận báo cáo việc làm khả quan trong tháng 6/2020.

Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ vẫn còn khó lường, song các số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy nền kinh tế số một thế giới đã có sự cải thiện từ đợt suy giảm tồi tệ nhất trong mùa xuân này.

Tính chung cả tuần này, Dow Jones tăng 3,3% và S&P 500 tiến 4%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất của hai chỉ số này kể từ ngày 5/6/2020.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng chứng kiến tuần giao dịch tốt nhất kể từ ngày 8/5/2020, với mức tăng 4,6%.

Phố Wall khép lại tuần giao dịch ngắn ngày để bước vào kỳ nghỉ Lễ độc lập (4/7) với không khí hứng khởi nhờ báo cáo việc làm tháng 6 và tiến triển trong hoạt động nghiên cứu vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo dữ liệu của Công ty ADP (hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ doanh nghiệp), tại Mỹ, các công ty tư nhân đã tuyển dụng 2,4 triệu lao động trong tháng 6/2020.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 6/2020 cũng đã tăng lên 52,6%, cho thấy sự tăng trưởng trở lại khi nhiều lĩnh vực phục hồi mạnh mẽ.

Bộ Lao động Mỹ cho hay, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 4,8 triệu việc làm mới trong tháng 6/2020 khi các doanh nghiệp trên toàn quốc bắt đầu hoạt động trở lại trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 11,1%.

Trước đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục là 14,7% trong tháng 4, khi COVID-19 tác động đến nền kinh tế Mỹ, sau đó giảm nhẹ xuống 13,3% trong tháng 5, khi các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ từng bước mở cửa trở lại.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp nhờ những nỗ lực mở cửa kinh tế trở lại đã cho thấy sự cải thiện của thị trường việc làm, nhưng với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, các nhà phân tích cho rằng, con đường phục hồi sẽ không dễ dàng.

Theo nhà quyền kinh tế trưởng của Wells Fargo Securities, Jay H. Bryson, thị trường việc làm vẫn cần một thời gian dài để có thể khôi phục 22 triệu việc làm đã mất trong tháng 3 và 4.

Những hy vọng về việc nghiên cứu và điều chế thành công vắcxin phòng COVID-19 đã gia tăng khi Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) và hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) tối ngày 2/7 (giờ địa phương) đã thông báo kết quả ban đầu khá tích cực của dự án nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19 chung giữa hai doanh nghiệp này.

Theo chuyên gia Neil Wilson của Markets.com, giới đầu tư phần lớn đều không quá lo ngại về số ca mắc COVID-19 mới đang gia tăng tại Mỹ và một số nước khác khi Pfizer và BioNTech thông báo kết quả tích cực nói trên.

Các tin khác