Vị thủ lĩnh bí ẩn
Phát biểu trên truyền hình ngày 28-7, ông Tchiani nói “đất nước cần thay đổi hướng đi để tránh sự sụp đổ dần dần và không thể tránh khỏi. Tôi yêu cầu các đối tác kỹ thuật và tài chính là bạn của Niger hiểu rõ tình hình cụ thể của đất nước chúng tôi để cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết nhằm giúp đất nước vượt qua những thách thức”.
Cuộc đảo chính của ông Tchiani đã nhận được sự ủng hộ của phần lớn quân đội. Trước đó 1 ngày, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Niger Abdou Sidikou Issa đã tuyên bố rằng ông ủng hộ âm mưu đảo chính: "Bộ chỉ huy quân sự đã quyết định tuân theo tuyên bố của Lực lượng Quốc phòng và An ninh nhằm tránh một cuộc đối đầu chết người giữa các lực lượng khác nhau".
Thực tế, người ta biết rất ít về người lãnh đạo tự xưng của cuộc đảo chính mới nhất ở Niger. Cơ quan Báo chí châu Phi (APA) mô tả ông Tchiani là "người đứng đầu bí ẩn của đội cận vệ tổng thống kể từ năm 2015". Theo APA, Tchiani là bạn tâm giao của cựu Tổng thống Mahamadou Issoufou, người tiền nhiệm của Tổng thống Mohamed Bazoum. Bản thân ông Bazoum đã phục vụ cùng với Tchiani vì ông từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao của Issoufou, và sau đó là Bộ trưởng Nội vụ.
Ông Bazoum được bầu làm Tổng thống trong cuộc bầu cử vòng hai vào tháng 2-2021 và tiếp quản Issoufou 2 tháng sau đó, trong quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình đầu tiên ở nước này kể từ năm 1960. Tchiani được cho là người có công trong việc định hướng binh lính sau nỗ lực đảo chính chỉ 2 ngày trước khi Bazoum tuyên thệ nhậm chức.
Trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Bazoum đã giữ Tchiani ở vị trí chiến lược khi ông trở thành Tổng thống. Nhưng theo các báo cáo, Bazoum gần đây cho biết ông đã lên kế hoạch tổ chức lại bộ máy an ninh của tổng thống, và muốn Tchiani ra khỏi chức vụ người đứng đầu đội cận vệ của tổng thống.
Tuy nhiên, trước khi ông Bazoum có thể thực hiện hành động này, lực lượng bảo vệ tổng thống đã quyết định bắt giữ ông, với lý do "tình hình an ninh tiếp tục xuống cấp, quản lý kinh tế và xã hội tồi tệ".
Abdourahamane Tchiani sinh năm 1960 (hoặc 1961), ông đến từ Vùng Tillabéri, khu vực tuyển quân chính của quân đội Nige ở phía Tây đất nước. Ông là thành viên cộng đồng người Hausa. Ông gia nhập quân đội năm 1984, học tại Trường Sĩ quan Tại ngũ Quốc gia ở Thiès, Sénégal.
Trước khi trở thành chỉ huy lực lượng bảo vệ tổng thống, ông đã lãnh đạo lực lượng ở các vùng Zinder, Agadez và Diffa, nơi ông chống buôn bán ma túy. Năm 1989, ông là sĩ quan đầu tiên đến địa điểm xảy ra vụ tai nạn chuyến bay 772 của UTA ở sa mạc Ténéré, nơi ông được tặng huân chương.
Ông cũng phục vụ trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại Bờ Biển Ngà, Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Ông cũng phục vụ trong Lực lượng đặc nhiệm chung đa quốc gia do Niger, Chad, Nigeria và Cameroon thành lập để chống Boko Haram.
Năm 2011, Tchiani đảm nhận quyền chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống và là đồng minh thân cận của Tổng thống lúc bấy giờ là Mahamadou Issoufou, người đã thăng chức ông lên cấp tướng vào năm 2018. Năm 2015, Tchiani bị buộc tội liên quan đến một âm mưu đảo chính chống lại Issoufou, nhưng phủ nhận cáo buộc trong tòa án.
Dư luận quốc tế
Bây giờ có vẻ như Tchiani có thể đứng sau trò chơi quyền lực mới nhất. Cuộc đảo chính vừa qua là vụ mới nhất trong một loạt cuộc đảo chính Niger phải đối mặt kể từ khi giành được độc lập khỏi Pháp 63 năm trước.
Một hàng xóm của Niger, Tổng thống Kenya William Ruto gọi việc quân đội tiếp quản đất nước ở Niger là "một bước thụt lùi nghiêm trọng" đối với châu Phi. Ông nói trong một thông điệp video: “Khát vọng của người dân Niger về nền dân chủ hợp hiến đã bị lật đổ bởi sự thay đổi chính phủ vi hiến”.
Liên minh châu Âu (EU) đe dọa cắt viện trợ cho Niamey sau điều mà họ cho là "một cuộc tấn công nghiêm trọng vào sự ổn định và dân chủ" ở Niger. Pháp cũng đưa ra tuyên bố rằng họ không công nhận những người lãnh đạo cuộc đảo chính. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết: “Bazoum được người dân Niger bầu chọn một cách dân chủ, mới là tổng thống duy nhất của Cộng hòa Niger.
Pháp không công nhận chính quyền của cuộc đảo chính do Tướng Abdourahamane Tchiani lãnh đạo". Pháp cũng cho biết nước này "tái khẳng định bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất những yêu cầu rõ ràng của cộng đồng quốc tế kêu gọi khôi phục ngay lập tức trật tự, hiến pháp và chính phủ dân sự được bầu cử dân chủ ở Niger".
Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã ra thời hạn 1 tuần cho những người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger kể từ ngày 30-7 để phục chức cho ông Bazoum, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế và sử dụng vũ lực. Tối hậu thư hết hạn vào ngày 6-8 và ECOWAS đã ra lệnh kích hoạt ngay lực lượng dự phòng vào ngày 10-8. ECOWAS trước đây đã can thiệp vào Gambia để khôi phục nền dân chủ sau cuộc khủng hoảng hiến pháp 2016-2017 của đất nước.
Tất cả quốc gia thành viên tích cực của ECOWAS, ngoại trừ Cape Verde, đã cam kết đóng góp quân đội từ lực lượng vũ trang của họ trong trường hợp có sự can thiệp quân sự do ECOWAS lãnh đạo chống lại chính quyền Niger, trong khi chính quyền quân sự của Burkina Faso và Mali đe dọa sẽ đứng về phía Niger, nếu cuộc can thiệp quân sự được tiến hành.
Trong khi đó, người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, Yevgeny Prigozhin (người đã qua đời trong một tai nạn máy bay gần đây), trước đó đã ca ngợi cuộc đảo chính quân sự ở Niger là một tin tốt, và đề nghị các chiến binh của ông phục vụ để lập lại trật tự.
Một tin nhắn thoại trên các kênh ứng dụng Telegram liên kết với Wagner nói: "Những gì đã xảy ra ở Niger không khác hơn cuộc đấu tranh của người dân Niger với những kẻ thực dân của họ. Với những kẻ thực dân đang cố gắng áp đặt các quy tắc sống lên họ, đồng thời giữ họ ở tình trạng như châu Phi hàng trăm năm trước".
Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, nhưng có trữ lượng uranium khổng lồ. Quốc gia này đã chứng kiến hàng loạt cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập từ Pháp vào năm 1960 và đang chìm trong bạo lực.