Năm đầu tiên thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), ngoài các ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ... phát huy được lợi thế thì thông qua Hiệp định, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế đối với 14 mặt hàng (trong đó có mặt hàng gạo).
Theo đánh giá, hiệp định còn tạo cơ hội tiếp tục gia tăng xuất khẩu cho Việt Nam vào thị trường UK trong năm 2022 - một thị trường có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD trong khi Việt Nam xuất khẩu chưa đầy 1% vào thị trường này.
Để hiểu rõ hơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có một số trao đổi với phóng viên về những cơ hội khi Việt Nam và Anh cùng ký kết và thực thi hiệp định.
Nhiều thành quả nổi bật
- Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết những thành tựu nổi bật cũng như lợi thế mà chúng ta đạt được sau môt năm Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Năm 2021 vừa qua là năm đầu tiên Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có hiệu lực. Nhờ Hiệp định này nên mặc dù doanh nghiệp hai nước gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn có sự tăng trưởng rất ấn tượng.
Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương đã đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ và cơ bản đã phục hồi được về mức kim ngạch trước khi có đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, cả hai bên đã tận dụng UKVFTA. Cụ thể là xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đã tăng 16% và xuất khẩu của Vương quốc Anh sang Việt Nam cũng tăng 24%, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cũng như máy móc, thiết bị rất lớn cho Việt Nam, qua đó cho thấy doanh nghiệp của cả hai bên đã tận dụng được Hiệp định này.
Tong năm vừa qua đầu tư từ Vương quốc Anh vào Việt Nam đã tăng tương đối khá, cho thấy doanh nghiệp của Vương quốc Anh cũng đã quan tâm hơn nhiều tới Việt Nam sau khi UKVFTA có hiệu lực.
Tất cả điều đó cho thấy là UKVFTA đã đóng góp một phần rất tích cực trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm vừa qua.
- Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về vai trò của UKVFTA trong việc giúp cho cả Việt Nam và Vương quốc Anh có thể phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Đóng góp to lớn nhất của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh là giúp cho quan hệ thương mại tự do song phương giữa hai nước không bị gián đoạn.
Chúng ta đều biết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã có Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) nhưng khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu thì nhiệm vụ rất quan trọng đối với cả hai bên là phải có một hiệp định để giữ cho quan hệ thương mại tự do giữa hai bên không bị gián đoạn. Điều này chúng ta đã làm được, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hậu đại dịch.
Hiệp định đã đưa ra rất nhiều biện pháp để có thể khuyến khích phát triển thương mại song phương. Đặc biệt, thuế nhập khẩu Vương quốc Anh sẽ được xoá bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi rất to lớn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Ngay trong năm đầu tiên UKVFTA có hiệu lực, nhiều sản phảm hàng hoá của Việt Nam đã tận dụng được đặc biệt là nông sản. Chúng ta chứng kiến mức độ tăng trưởng rất tốt và những mặt hàng như hạt tiêu, rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ… Đó là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và mức thuế giảm tương đối lớn...
Bên cạnh đó, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế một số lượng hàng hoá bổ sung vào Vương quốc Anh đối với 14 mặt hàng, trong đó có gạo.
Tiếp đến là 36 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ của Vương quốc Anh trong đó những sản phẩm nổi tiếng như cà phê Ban Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc… cũng sẽ mở ra cơ hội cho những sản phẩm này thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường này.
Nói chung, Hiệp định đã được đàm phán một cách tốt đẹp, thuế sẽ được giảm xuống mức tối đa và sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp nếu như các doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội đó.
Dư địa còn rất lớn
- Rõ ràng đây là tiền đề cho các doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những gì có thể tận dụng tốt hơn Hiệp định này trong thời gian tới?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để các bộ, ngành căn cứ vào đó thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, trong đó có việc hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội.
Nhưng về phía doanh nghiệp cũng nên chủ động, trước hết là chủ động nghiên cứu cả nội dung của UKVFTA; tìm xem đối với doanh nghiệp mình thì cơ hội sẽ xuất hiện ở đâu và sau đó cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật của Vương quốc Anh đối với hàng nhập khẩu.
Từ đó, doanh nghiệp tìm cách làm sao để việc sản xuất đáp ứng được yêu cầu của họ, thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu, hiện nay Vương quốc Anh đang rất tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do nhiều đối tác và trên thế giới, thậm chí phía Anh cũng sẽ đàm phán Hiệp định thương mại tự do với một số nước Asean.
Chính vì vậy, lợi thế cạnh tranh của chúng ta hiện nay đang có, Việt Nam đang được hưởng thuế ưu đãi khi đi vào thị trường Anh. Nhưng lợi thế đó sẽ sớm mất đi nếu như Anh cũng có hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng cửa sổ này, tận dụng cơ hội đang mở ra để có thể đẩy nhanh xuất khẩu của mình vào thị trường Anh và có chỗ đứng vững chắc.
Vương Quốc Anh một năm nhập khẩu 600-700 tỷ USD mà Việt Nam chiếm chưa đầy 1%. Do đó, dư địa cho các doanh nghiệp Việt còn rất lớn.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động nghiên cứu để có thể tận dụng cơ hội do Hiệp định thương mại tự do song phương đem lại và từ đó là tăng thị phần của mình vào thị trường Anh.
- Theo Thứ trưởng thì chúng ta cần làm gì để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để có được môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư từ Vương Quốc Anh?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trên thực tế được sinh ra từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Đây đều là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đề cập không chỉ vấn đề mở cửa thị trường, giảm thuế hay mở cửa thị trường dịch vụ, mà còn đưa ra những quy định rất chặt chẽ về mua sắm của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư cũng như cải thiện việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tức là đặt ra các quy tắc rất là mới cho nhiều lĩnh vực khác nữa ngoài thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ.
Chúng tôi kỳ vọng với những quy định mới đó, điều chỉnh cả những lĩnh vực như: Sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, như là đầu tư… sẽ giúp Việt Nam cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư thương mại trong nước, từ đó giúp cho lĩnh vực thương mại ngày càng trở nên minh bạch hơn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là từ Vương quốc Anh đến với Việt Nam.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.