Mở tài khoản trong vài phút
Dừng chân trong một quán cà phê ở trung tâm thương mại ngày cuối tuần, chị Thùy Linh (TPHCM) được nhân viên NHTMCP V. mời mở thẻ thanh toán với ưu đãi tặng phiếu mua hàng lên đến 10 triệu đồng.
Để mở thẻ, nhân viên NH đề nghị chị Linh điền thông tin và ký tên vào mẫu đăng ký, chụp ảnh căn cước công dân gửi lên hệ thống, đồng thời hướng dẫn tải ứng dụng NH số về điện thoại. Tiếp theo, NH lập tức gửi một loạt email thông báo thông tin mở tài khoản thanh toán, kích hoạt thẻ thanh toán, kích hoạt phương thức xác thực OTP. Chị Linh chỉ cần đăng nhập vào tài khoản và đổi mật khẩu, tài khoản thanh toán này lập tức có hiệu lực sử dụng, còn thẻ ATM được chuyển về tận nhà qua bưu điện chỉ vài ngày sau đó.
Đó là có nhân viên NH hướng dẫn, còn nếu không có một khách hàng cũng có thể chủ động mở tài khoản trực tuyến xác thực thông qua eKYC (định danh khách hàng điện tử, cho phép các NH định danh khách hàng 100% online mà không cần gặp mặt trực tiếp tại quầy giao dịch).
Chỉ cần tải ứng dụng NH số các chợ ứng dụng Appstore/Google Play, nhập số điện thoại, chụp ảnh giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu), xác thực khuôn mặt. Khách hàng hoàn tất đăng ký sẽ có ngay tài khoản để sử dụng trong vài phút với hạn mức giao dịch trực tuyến lên đến 100 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, chưa bao giờ người dân ở Việt Nam mở tài khoản NH dễ dàng như hiện nay. Đây là kết quả của sự chuyển đổi số nhanh và mạnh của một số NH. Tốc độ phát triển nhanh và mạnh được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu McKinsey đánh giá Việt Nam có mức độ ứng dụng NH số nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi. Kết quả này đến từ việc các NH đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số trong thời gian qua.
Với sự phát triển đó, thói quen giao dịch của người dân cũng đã thay đổi nhanh chóng. Trong 2 năm qua, nhiều NH cũng công bố có thêm hàng triệu khách hàng thông qua dịch vụ mở mới tài khoản trực tuyến và thanh toán qua di động cũng tăng mạnh. Các số liệu từ NHNN cho biết, nhiều NH tại Việt Nam có trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số. Nếu như 5 năm trước mỗi ngày có 50.000 giao dịch/ngày, hiện tại đã đạt 8 triệu giao dịch/ngày với giá trị bình quân 900.000 tỷ đồng/ngày.
Theo kết quả khảo sát tại 44 quốc gia do Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức) thực hiện, tính đến tháng 8-2022, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 với tỷ lệ 33,2% người dùng smartphone để thực hiện các giao dịch thanh toán.
Vị trí đứng đầu là Trung Quốc với tỷ lệ 40,4%, tương đương hơn 500 triệu người. Các quốc gia theo sau lần lượt là Hàn Quốc (27,5%), Anh (26,7%), Ấn Độ (26,6%), Mỹ (25,6%)…
Lo khâu bảo mật
Lo khâu bảo mật
Việc mở tài khoản trực tuyến nhanh chóng trước đây là lợi thế để nhà băng có thêm khách hàng. Nay cũng chính điều đó sẽ khiến NH mất khách hàng nhanh chóng nếu ứng dụng của NH đó không thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng trong quá trình sử dụng. Câu chuyện khách hàng rời đi cũng diễn ra khi các NH nâng cấp hệ thống khiến dịch vụ bị gián đoạn, giao dịch chuyển tiền bị ảnh hưởng.
Trong giai đoạn trước, việc lựa chọn NH thường theo sự thuận tiện và thói quen, còn hiện nay khách hàng đã có sự cân nhắc hơn trong việc lựa chọn NH trước sự phổ biến của số hóa và sự cạnh tranh của các nhà băng, và phí dịch vụ, quá trình trải nghiệm, lãi suất tiết kiệm là 3 yếu tố quyết định.
Hiện cuộc cạnh tranh giành khách hàng của các nhà băng ngày càng khốc liệt hơn. Vì đằng sau việc mở tài khoản thanh toán, NH có thể thu hút được một lượng tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp để giảm bớt chi phí huy động vốn, cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, cuộc chạy đua mở tài khoản không cần đến NH cũng tiềm ẩn rủi ro như một số người cố ý thay đổi hình ảnh trong căn cước công dân, giả thông tin cá nhân để mở tài khoản. Điều này sẽ dẫn đến tạo ra một số lượng tài khoản thanh toán ảo khó kiểm soát để thực hiện các giao dịch phi pháp.
Tại sự kiện Smart Banking 2022 mới đây, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ An ninh mạng VinCSS cũng chia sẻ, các NH đang chạy đua chuyển đổi số nhưng một số nơi chưa thật sự quan tâm đầu tư về bảo mật, tạo cơ hội cho tin tặc tấn công vào mắt xích yếu nhất là người dùng cuối.
Cũng theo ông Trác, công nghệ định danh và xác thực điện tử được phần lớn các NHTM tại Việt Nam sử dụng không đủ bảo vệ triệt để người dùng khỏi các kiểu tấn công phổ biến. Các công nghệ xác thực bằng mật khẩu và mã OTP hiện tại đã lỗi thời và cũng là điểm yếu mà tin tặc có thể tấn công.
Do đó, việc nâng cấp và áp dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến như xác thực mạnh không mật khẩu (sinh trắc học vân tay, khuôn mặt…) cũng cần được NH ưu tiên xem xét thay thế, khi mà các vụ lừa đảo thông qua tin nhắn mạo danh trong lĩnh vực tài chính ngày càng gia tăng.
Trên thực tế, từ trước đến nay các NHTM đều công bố dịch vụ NH số bảo vệ người dùng bằng các phương thức bảo mật hiện đại. Tuy nhiên giữa năm nay, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã phát hiện một nhóm tội phạm nước ngoài tấn công, xâm nhập vào hệ thống một số NH của Việt Nam để đánh cắp, chiếm đoạt tiền trong tài khoản hàng trăm tỷ đồng.
Thủ đoạn của tin tặc là rà soát các lỗ hổng bảo mật, tấn công leo thang đặc quyền truy cập trái phép vào hệ thống quản trị máy chủ NH. Trong trường hợp như vậy, người chịu thiệt trước hết chính là khách hàng.
Thế nên, trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay, không chỉ chạy đua quảng cáo dịch vụ mà nâng cao các biện pháp xác thực và khâu bảo mật cũng là một vấn đề quan trọng để giữ chân khách hàng mà NH phải rất chú trọng. Vì nếu xảy ra sơ sót, không chỉ một mà nhiều khách hàng cũng sẽ rời bỏ NH khi thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt với nhiều sự lựa chọn hấp dẫn.