Ứng phó xu hướng tăng giá dịp cuối năm như thế nào?

(ĐTTCO) - Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ mới đây, các bộ ngành cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5% có thể đạt được, thậm chí ở mức thấp hơn.
Cuối năm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thường tăng giá, nên cần có giải pháp đồng bộ để chủ động và ứng phó với tình trạng này.
Cuối năm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thường tăng giá, nên cần có giải pháp đồng bộ để chủ động và ứng phó với tình trạng này.

Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm vẫn cần các giải pháp điều hành đồng bộ và hiệu quả, đảm bảo nguồn cung thị trường. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước và tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Nhìn vào đánh giá và các chỉ số trên, chúng ta có thể thấy dù vấn đề kiểm soát lạm phát đã được bảo đảm, chỉ lo ngại đến yếu tố giảm phát, trong bối cảnh suy thoái kinh tế chưa được phục hồi. Nhưng trên thực tế, xu hướng tăng giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ vào dịp cuối năm đang diễn ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Do đó, cả ở tầm điều hành vĩ mô lẫn quản lý vi mô đều cần có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.

Ở khía cạnh khách quan, có nhiều yếu tố tác động đến giá cả. Trước hết là giá xăng dầu có xu hướng tăng, nếu các nước xuất khẩu không tăng mức cung, bởi trong bối cảnh xung đột ở một số khu vực, càng làm tình hình cung cấp dầu khí bị ảnh hưởng.

Trong khi nhiều nước bước vào mùa Đông, nhu cầu dùng nhiên liệu tăng cao, đẩy mức cầu tăng lên, khó có thể giữ ổn định giá xăng dầu. Thêm vào đó, trong dịp năm mới, nhiều quốc gia thúc đẩy tăng trưởng nên nhu cầu dùng năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng cũng tăng theo.

Trong nước, những tháng cuối năm vừa diễn ra Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia (được ấn định từ ngày 4-12-2023 đến 10-1-2024), hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại có thể được giảm giá tối đa lên đến 100%, sẽ thúc đẩy tiêu dùng tăng cao, vừa có đợt mua sắm lớn gắn với Tết Nguyên đán, cũng đều trực tiếp tác động đến giá cả thị trường.

Nhiều hoạt động mua sắm và các dịch vụ khác cũng tăng mạnh trong dịp này, chắc chắn sẽ làm thị trường sôi động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời sẽ làm giá cả nhiều mặt hàng tăng cao nếu cung không đủ đáp ứng.

Trong thời gian gần đây, xu hướng giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng và một số dịch vụ đã tăng dần. Ngay cả trong siêu thị, không ít mặt hàng phục vụ nhu cầu gia đình đã tăng 5-10% so với vài tháng trước, dù sức mua không thực sự tăng.

Ở bên ngoài, hàng hóa, dịch vụ cũng nhích dần, gắn với nhiều đợt tăng giá xăng dầu liên tục từ giữa năm, dù sau đó giá xăng có giảm nhưng các dịch vụ đã tăng vẫn không đổi. Thêm vào đó, tác động từ đợt tiêu dùng lớn vào đầu năm học cũng góp phần làm giá cả nói chung có xu hướng tăng cao.

Trong bối cảnh đó, từ nay đến đầu năm 2024 nếu không có những giải pháp ứng phó phù hợp với thị trường, tình hình giá cả có thể biến động phức tạp, tác động đến kinh tế vĩ mô, việc kiểm soát lạm phát và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế.

Ở những chính sách mang tầm quốc gia, cần quan tâm đến việc đáp ứng đủ với giá cả phù hợp các mặt hàng quan trọng, mang tính chiến lược, trong đó có xăng dầu, điện, phân bón, một số nguyên vật liệu, máy móc mang tính thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, các dịch vụ mang tính “xương sống” (đặc biệt là vận tải)…

Chẳng hạn, Chính phủ cần sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu hợp lý để góp phần hạn chế mức tăng giá quá cao; thực hiện việc giảm thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác để thúc đẩy tiêu dùng và tránh làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ khi áp lực đầu vào ngày càng lớn; cân nhắc việc áp dụng thu phí đối với một số tuyến cao tốc xây dựng bằng ngân sách nhà nước hay tăng mức thu phí đối với một số dự án cao tốc BOT…

Đồng thời, cần có giải pháp hỗ trợ phát triển một số ngành sản xuất thiết yếu gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh nguồn cầu tăng mạnh trong những tháng dịp Tết.

Trong đó, các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, may mặc, giày dép, nước giải khát… cần được hỗ trợ về vốn, giảm hoặc giãn thuế, xúc tiến thương mại… để vừa giải quyết lao động vừa tăng sản lượng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các dịch vụ vận tải, logistics, bán lẻ… cần được quan tâm nhiều hơn để giúp hàng hóa được lưu thông thuận lợi.

Bên cạnh đó, trong bối cạnh lạm phát ở một số nước có chiều hướng tăng, nhu cầu dự trữ USD và vàng ngày càng lớn (trên thực tế tỷ giá USD/VNĐ và giá vàng trong nước gần đây đã tăng mạnh), cần có giải pháp kiểm soát tỷ giá hối đoái với các ngoại tệ mạnh, đẩy mạnh xuất khẩu để tăng nguồn ngoại tệ, sử dụng nguồn vàng dự trữ một cách hợp lý…

Ngoài ra, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, điều hành cung tiền, lãi suất, cân bằng lượng tiền vào - ra, điều tiết giá cả thận trọng và phù hợp… Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát; xóa các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng…

Ở điều kiện của TPHCM, cần có những giải pháp đáp ứng đủ nguồn cung cho nhu cầu của TP. Trong đó, cần có sự phối hợp chủ động với các địa phương cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho TP để không bị gián đoạn nguồn cung.

Đồng thời, thực hiện bình ổn giá đối với những hàng hóa, dịch vụ quan trọng; trong đó có xem xét bổ sung những loại hàng hóa, dịch vụ vào diện bình ổn giá ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn ngắn hạn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả thị trường để kịp thời xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, thao túng giá. Đương nhiên, giải pháp mang tính căn cơ, bền vững vẫn là nỗ lực giải quyết nhu cầu việc làm, hạn chế thấp nhất tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc, để vừa tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa kiềm chế lạm phát.

Ứng phó với việc tăng giá cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương. Bản thân TPHCM cũng cần thực sự chủ động và tích cực ứng phó với tình trạng này, để bảo đảm cuộc sống của người dân.

Các tin khác