Cuộc thi viết Phóng sự  - Ký sự: “Doanh nhân - bản lĩnh và cống hiến”

Ước nguyện làm điều tốt đẹp

Có lần, trong dịp giao lưu cùng sinh viên, một em đứng lên đặt câu hỏi với ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đồng Tâm: “Có phải anh Thắng tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện như một hình thức quảng bá thương hiệu của mình?”. Một câu hỏi thẳng thắn đến thế không làm Võ Quốc Thắng phật lòng, ông vui vẻ trả lời: “Nếu làm như tôi mà bị coi là quảng cáo, thành thực mà nói, tôi rất mong xã hội có được nhiều người quảng cáo theo cách tương tự tôi, vì như thế, xã hội sẽ được lợi rất nhiều”.

Có lần, trong dịp giao lưu cùng sinh viên, một em đứng lên đặt câu hỏi với ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đồng Tâm: “Có phải anh Thắng tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện như một hình thức quảng bá thương hiệu của mình?”. Một câu hỏi thẳng thắn đến thế không làm Võ Quốc Thắng phật lòng, ông vui vẻ trả lời: “Nếu làm như tôi mà bị coi là quảng cáo, thành thực mà nói, tôi rất mong xã hội có được nhiều người quảng cáo theo cách tương tự tôi, vì như thế, xã hội sẽ được lợi rất nhiều”. 

Gian nan khởi nghiệp

Cách nay nửa thế kỷ, trong khói lửa chiến tranh, gia đình ông Võ Thành Lân phiêu dạt từ Cần Giuộc (Long An) lên Phú Định (Sài Gòn). Sẵn có tay nghề làm gạch bông, ông Lân mở một cơ sở sản xuất nhỏ tại Phú Định với vỏn vẹn vài người thợ.

Máy móc thô sơ, vốn liếng cũng chẳng nhiều nên thợ của ông Lân phải đổ khuôn bằng phương pháp thủ công. Sau năm 1975, cơ sở gạch chuyển vào hợp tác xã, nhưng hoạt động chẳng được bao lâu. Do khó khăn về nguyên liệu nên đến năm 1978, hợp tác xã phải ngưng sản xuất.

Công ty Gạch Đồng Tâm trao học bổng cho HS-SV con em cựu chiến binh.

Công ty Gạch Đồng Tâm trao học bổng cho HS-SV
con em cựu chiến binh.

Lớn lên trong thời gian nan của nghề làm gạch bông và trong hoàn cảnh vất vả kiếm sống của gia đình, Võ Quốc Thắng - con thứ 9 của ông Lân - có những năm tháng tuổi thơ gắn bó với xi măng, đất cát, vữa màu. Vốn ham học hỏi và ý thức được trách nhiệm với gia đình, Võ Quốc Thắng vừa đi học vừa phụ giúp việc làm gạch, nắm bắt nhanh và khá đầy đủ kiến thức cũng như kỹ thuật pha màu, trộn xi măng theo tỷ lệ.

Đến Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách đổi mới, đa dạng hóa các thành phần kinh tế, Võ Quốc Thắng đã đứng ra nhận trách nhiệm khôi phục thương hiệu gia đình, thành lập Công ty TNHH Đồng Tâm (năm 1993), chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng như gạch bông, ván ép, ngói màu, tole... Với chừng chục công nhân, Võ Quốc Thắng vừa là chủ, vừa là công nhân trực tiếp sản xuất, phụ trách bán hàng.

Trên chiếc xe đạp cọc cạch, Võ Quốc Thắng đi khắp nơi, chú ý tìm hiểu nguyện vọng, góp ý của khách hàng để có được những đúc kết vô giá về thị hiếu người tiêu dùng đối với sản phẩm gạch. Bận rộn với công việc, nhưng Võ Quốc Thắng không bỏ dở việc học, vẫn tranh thủ đi học thêm vào buổi tối, tranh thủ học ở mọi lúc, mọi nơi có thể, đặc biệt là cập nhật các kiến thức về quản trị doanh nghiệp.

Nhận thấy nhu cầu về gạch ceramic trên thị trường rất lớn, gần như thay thế hẳn cho gạch bông truyền thống trong xây dựng và trang trí nội thất, Võ Quốc Thắng ra nước ngoài học nghề mới với quyết tâm phải ứng dụng bằng được và đưa vào sản xuất trong nước gạch ceramic.

Vươn ra thị trường thế giới

Sau nhiều ngày lặn lội ở nhiều nước châu Âu để học hỏi cách thức làm gạch, cuối cùng Võ Quốc Thắng tìm thấy đáp số ở Italia và Tây Ban Nha - nơi có công nghệ gạch men hiện đại nhất thế giới. Năm 1994, Đồng Tâm mạnh dạn đầu tư một nhà máy hiện đại tại Long An.

Tiếp đó, từ năm 1996 Đồng Tâm liên tục mở rộng đầu tư thêm các nhà máy ở miền Nam và miền Bắc, nhằm thực hiện định hướng phát triển kinh doanh đa ngành nghề: gạch bông truyền thống, ngói màu, gạch men các loại, gạch porcelain, sơn, bột trét tường, thiết bị sứ vệ sinh, sản phẩm trang trí nội thất…

Từ năm 1994, Đồng Tâm đã khởi công xây dựng nhà máy gạch ceramic có công suất 1,4 triệu m2/năm tại Bến Lức (Long An) và tháng 3-1996, mẻ gạch men nội địa đầu tiên mang thương hiệu Đồng Tâm chính thức có mặt trên thị trường.

Do đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng cũng như thị hiếu các vùng miền trong nước, gạch men Đồng Tâm được thị trường đón nhận, dù các nhà máy gạch Đồng Tâm đã tăng gấp đôi, gấp ba công suất chỉ sau vài năm nhưng sản phẩm làm ra vẫn không kịp cung ứng.

Đến năm 2000, nhà máy gạch hiện đại nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động tại Quảng Nam, nâng tổng công suất gạch của Đồng Tâm lên 12 triệu m2/năm, sản phẩm Đồng Tâm tiếp tục dẫn đầu thị trường cả nước về số lượng tiêu thụ.

Ông Võ Quốc Thắng tại lễ trao học bổng "Ngăn dòng bỏ học" cho học sinh ĐBSCL.

Ông Võ Quốc Thắng tại lễ trao học bổng "Ngăn dòng bỏ học"
cho học sinh ĐBSCL.

Đi đôi với việc tăng năng suất là nâng cao chất lượng sản phẩm, liên tiếp 15 năm (1996-2010), Đồng Tâm được bình chọn vào top 10 sản phẩm “Hàng Việt Nam chất lượng cao”; 8 năm liền (2003-2010) đoạt Cúp vàng Thương hiệu ngành xây dựng Việt Nam… cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

Ngoài ra, Đồng Tâm còn là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 về hệ thống quản lý. Nhằm tạo đột phá trong việc phát triển doanh nghiệp, Võ Quốc Thắng đã mời 2 chuyên gia Nhật là ông Ohyatsu Yukiyoshi và Nakagawa Sumao tư vấn chiến lược phát triển.

Để đầu tư cho nguồn nhân lực, hàng năm công ty dành hơn 2 tỷ đồng cho công tác đào tạo, tổ chức hàng loạt chương trình đào tạo: mời chuyên gia đào tạo văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên; cử các cán bộ quản lý đi học tập kinh nghiệm quản lý ở các nước.

Hiện nay, Đồng Tâm phát triển theo mô hình tập đoàn kinh tế, gồm 14 công ty thành viên trải rộng trên nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ và 6 công ty liên kết, hoạt động thuộc các ngành nghề bảo hiểm, chứng khoán, truyền thông giáo dục…

Không chỉ chiếm thị phần quan trọng trong nước thông qua hơn 30 chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng trưng bày sản phẩm, kho hàng cùng  3.000 cửa hàng cộng tác, đại lý phân phối trên toàn quốc, Đồng Tâm cũng đã hướng ra thị trường thế giới, xuất khẩu sản phẩm đến nhiều nước.

Liên tục nhiều năm qua, CTCP Đồng Tâm luôn đạt mức tăng trưởng ổn định khoảng 10%/năm, nộp ngân sách hàng năm gần 50 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Canh cánh một ước mơ

Văn hóa doanh nghiệp cũng là công cụ điều hành - đó là quan niệm của Võ Quốc Thắng. Do vậy, lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh được Đồng Tâm san sẻ lại một phần với cộng đồng, thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với những người đã góp phần nuôi sống doanh nghiệp.

Mỗi năm, công ty trích ra một khoản kinh phí lớn để làm công tác xã hội, trong đó chủ yếu là hỗ trợ các học sinh - sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em duy trì việc học tập để tiếp tục hành trình trở thành người hữu ích cho xã hội, đất nước.

Chương trình “Học bổng Đồng Tâm” đã nhận tài trợ cho 300 sinh viên nghèo hiếu học của tỉnh Long An trong suốt chương trình đại học, với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong 2010-2011, Đồng Tâm đã tài trợ cho các quỹ khuyến học và trao tặng học bổng cho học sinh - sinh viên nghèo ở Long An, Quảng Ngãi và TPHCM, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả và có trách nhiệm, ông Võ Quốc Thắng đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ”.

Võ Quốc Thắng bộc bạch: “Mấy chục năm trước, Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế còn là một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá khốc liệt. Vậy mà giờ đây chúng ta đã có những bước phát triển khá nhanh, khẳng định được vị thế và tiếng nói của Việt Nam. Thành quả ấy, xuất phát từ yếu tố quan trọng hàng đầu: Con người. Giáo dục là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của cộng đồng xã hội và đất nước. Trong chừng mực khả năng của mình, tôi nguyện gắng sức để hỗ trợ chăm lo cho sự nghiệp giáo dục”.

Điều tâm nguyện của Võ Quốc Thắng đã được thực hiện cần mẫn và có trách nhiệm trong suốt hơn 20 năm qua, các hoạt động xã hội - từ thiện của Đồng Tâm ngày càng được nhân rộng.

Các chương trình học bổng “Vì Điện Biên thân yêu”, “Ươm mầm tài năng”, “Học trò giỏi hiếu thảo”, “Tiếp sức đến trường - Ngăn dòng bỏ học” đã chắp cánh cho hàng nghìn học sinh - sinh viên.

Hiếm khi nói về bản thân, nhưng khi tâm sự với bạn bè về những điều cần làm và phải làm, ông Võ Quốc Thắng bộc bạch: “Có nhiều lúc, tôi tự hỏi: Vì sao mình phải làm việc quá nhiều, chẳng còn bao nhiêu thời gian cho riêng tư? Hồi trước, tôi còn gặp bạn bè mỗi tháng đôi lần, mãi rồi có khi 6 tháng không gặp. Với gia sản hiện có, tôi có thể mua nhiều nhà, đất rồi cho thuê, sống ổn định mà chẳng cần làm gì thêm. Nghĩ vậy, biết vậy, nhưng như mọi người thấy, tôi vẫn dồn tâm sức cho hoạt động doanh nghiệp và vì luôn nghĩ: Mình phải làm điều gì đó tốt đẹp cho xã hội.

Các tin khác