Nước Mỹ được gì?
Chỉ số USD Index, chuyên theo dõi đồng USD so với 6 loại tiền tệ quan trọng khác, đang dao động ở mức cao nhất 20 năm qua. Chỉ số này đã tăng 12% so với năm ngoái và tăng 8% từ đầu năm nay. So với đồng yên Nhật nó còn tăng “khủng khiếp” hơn, tăng hơn 13% chỉ trong vòng hơn 4 tháng đầu năm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến USD tăng mạnh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi muốn thắt chặt tiền tệ đã quyết định tăng lãi suất ngắn hạn nửa điểm phần trăm vào đầu tháng 5 và bắt đầu giảm trái phiếu trên bảng cân đối kế toán 9.000 tỷ USD từ tháng 6.
Ngoài ra, dòng tiền nước ngoài đổ vào các doanh nghiệp và đầu tư của Mỹ cũng đã và đang làm tăng giá trị của đồng USD. Trên thực tế, nhiều diễn biến bất ổn đã phối hợp với nhau để nâng cao giá trị của đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ khác: Cuộc chiến của Nga ở Ukraine, các lệnh trừng phạt toàn cầu đối với Nga, giá hàng hóa tăng vọt, lệnh khóa cửa zero Covid của Trung Quốc và suy thoái kinh tế ở châu Âu và Nhật Bản.
Cam kết của Fed trong việc chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất có thể được kỳ vọng sẽ đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc lên hơn nữa. Điều đó có thể khiến trái phiếu Mỹ hấp dẫn hơn so với trái phiếu có lợi suất thấp hơn của các quốc gia như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc, những nước đang nới lỏng tiền tệ chứ không thắt chặt. Hiện tại, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa Mỹ và các nước khác khá lớn. Cụ thể, trái phiếu Mỹ khoảng 3,1%, trong khi Đức khoảng 1,1%, Nhật Bản chưa tới 0,25%. Ngay cả lợi suất trái phiếu Trung Quốc, vốn ở mức cao hơn ở Mỹ, nay đã giảm xuống mức thấp hơn.
USD có giá trị hơn khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ ít cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Các công ty toàn cầu của Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là bên cạnh sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát, nay họ phải lo lắng về ảnh hưởng của việc USD tăng giá đối với lợi nhuận công ty. Chẳng hạn, Luca Maestri, Giám đốc tài chính của Apple, dự báo USD tăng giá sẽ khiến tốc độ tăng trưởng hàng năm của công ty mất khoảng 3%. Tương tự, Andre Schulten, Giám đốc tài chính của Procter & Gamble, cho biết khoản lỗ từ USD có thể “là 300 triệu USD sau thuế đối với thu nhập trong năm tài chính này”.
Về phía người tiêu dùng Mỹ lại cảm thấy việc tiêu xài dễ chịu hơn khi không phải lo ngại lạm phát, vì Mỹ là nền kinh tế phụ thuộc nặng vào tiêu dùng. Lisa Shalett, giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management, cho biết USD tăng đã giảm thiểu một số tác động lạm phát ở Mỹ đối với các mặt hàng tăng giá như dầu, được định giá bằng USD.
Thị trường mới nổi sẽ chịu thiệt?
Tuy nhiên, David Rosenberg, nhà kinh tế trưởng của Công ty Rosenberg Research ở Toronto, cảnh báo bằng cách tăng mạnh lãi suất USD để kiềm chế lạm phát, Fed có thể đang đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái. Vượt ra ngoài biên giới Mỹ, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, cảnh báo về tác động “lan tỏa” của việc Fed tăng lãi suất có thể gây ra sự biến động trên thị trường tài chính, đặc biệt ở các thị trường mới nổi. Việc tăng lãi suất diễn ra vào thời điểm đặc biệt tồi tệ đối với các quốc gia thị trường mới nổi, khi đại dịch Covid-19 làm tê liệt thị trường du lịch. Theo phân tích của Công ty Neuberger Berman, tính đến giữa năm 2020, tỷ lệ vỡ nợ của các thị trường mới nổi đã lên tới 7,8%, mức chưa từng thấy kể từ năm 2001.
Hầu hết các thị trường mới nổi phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền đầu tư nước ngoài từ Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Dòng tiền này đã giúp doanh nghiệp và nền kinh tế các nước mới nổi phát triển. Tiền mặt giúp tài trợ cho các khoản thâm hụt tài chính hoặc tài khoản vãng lai của họ. Nhưng USD tăng sẽ làm đảo ngược dòng vốn, thúc đẩy chúng chảy ra khỏi các thị trường mới nổi. USD mạnh làm giảm khả năng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư đối với các thị trường mới nổi. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, việc USD tăng 1 điểm phần trăm có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế thị trường mới nổi hơn 0,3%. Từ đó sẽ giảm tăng trưởng GDP toàn cầu.
USD tăng giá cũng khiến chi phí nợ bằng USD ngày càng tăng. Các chính phủ, tập đoàn và các ngân hàng ở thị trường mới nổi đã tận dụng các khoản vay bằng USD với chi phí thấp để tăng cường tài chính của họ. Nay, việc thanh toán khoản nợ bằng USD trở nên khó khăn hơn. Khi lãi suất của Mỹ tăng và đồng USD tăng mạnh hơn, các quốc gia thị trường mới nổi cảm thấy bị áp lực phải tăng lãi suất của chính họ để tiếp tục cạnh tranh về vốn đầu tư nước ngoài. Động thái đó có thể làm chậm một số dòng tiền nước ngoài chảy ra, nhưng nó cũng có nguy cơ làm nền kinh tế của họ chậm lại.
“Bóng ma” chiến tranh tiền tệ
USD tăng mạnh đã làm dấy lên lo ngại về một thời kỳ mới của "cuộc chiến tranh tiền tệ đảo ngược", khi nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) từ bỏ việc duy trì tỷ giá hối đoái yếu hơn. Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, ngân hàng đã xác định kỷ nguyên mới của “cuộc chiến tranh tiền tệ đảo ngược”, các NHTW ở các nền kinh tế phát triển lớn cần phải tăng lãi suất trung bình thêm 0,1 điểm phần trăm để bù đắp sự sụt giảm 1% tỷ giá đồng tiền của họ. Đồng EUR đã chạm mức thấp nhất trong 5 năm so với USD dưới 1,05 USD vào đầu tháng 5, làm dấy lên suy đoán mới rằng nó có thể giảm xuống ngang bằng với đồng tiền của Mỹ khi ảnh hưởng từ cuộc xung đột Ukraine kìm hãm nền kinh tế của Khu vực đồng EUR.
Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm, ngay cả sau khi NHTW Anh (BoE) tăng lãi suất trong cuộc họp thứ tư liên tiếp. Goldman Sachs cảnh báo sự yếu kém của đồng bảng Anh có thể bắt đầu khiến các nhà hoạch định chính sách của BoE lo lắng: “Tại một số thời điểm, tâm lý ‘chiến tranh tiền tệ đảo ngược’ có thể trở nên phổ biến hơn trong tâm trí của BoE, với sự suy yếu của đồng nội tệ làm trầm trọng thêm triển vọng lạm phát vốn đã ảm đạm”.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB), một trong những “chiến binh tiền tệ” tích cực nhất bấy lâu nay, với chính sách không để đồng franc lên giá quá cao, cũng đã thay đổi xu hướng của mình. Andrea Maechler, một thành viên của HĐQT SNB, cho biết đồng franc mạnh đã giúp ngăn chặn lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phần lớn đã đứng ngoài mối ác cảm mới xuất hiện đối với một đồng tiền yếu hơn, khi gắn bó với chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình ngay cả khi đồng yên có một đợt giảm giá lịch sử. Dù vậy, tốc độ giảm của đồng yên đã làm gia tăng suy đoán rằng Bộ tài chính Nhật Bản có thể tham gia vào các thị trường để hỗ trợ đồng tiền này lần đầu tiên kể từ năm 1998.