Ưu đãi nước ngoài, bỏ rơi trong nước

Việt Nam có khoảng 40 quỹ tài chính Nhà nước, được thành lập nhằm hỗ trợ cho DN trong nước phát triển sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các DN tư nhân lại chẳng nhận được sự hỗ trợ nào. Trong khi đó, chẳng cần một quỹ nào nhưng khối FDI lại được nhiều ưu đãi rất lớn.

Việt Nam có khoảng 40 quỹ tài chính Nhà nước, được thành lập nhằm hỗ trợ cho DN trong nước phát triển sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các DN tư nhân lại chẳng nhận được sự hỗ trợ nào. Trong khi đó, chẳng cần một quỹ nào nhưng khối FDI lại được nhiều ưu đãi rất lớn.

Thiếu bình đẳng

Trong buổi gặp gỡ giữa Phó Thủ tướng Chính phủ, Vương Đình Huệ với 100 doanh nhân trẻ xuất sắc ngày 3/6/2016 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ CMC cho biết, môi trường kinh doanh hiện nay đang có sự thiếu bình đẳng giữa các DN.

Ông Hùng dẫn chứng: DN của ông có 300 lao động, nhưng từ khi thành lập đến nay không hề nhận được sự hỗ trợ hay ưu đãi nào từ nhà nước. Trong khi DN FDI mở nhà máy tại các khu công nghiệp thì nhận được hết ưu đãi này tới ưu đãi khác về thuế, mặt bằng… thì DN tư nhân không được hưởng ưu đãi gì, do quy mô đầu tư nhỏ.

Các DN tư nhân hiện nay chủ yếu có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn hẹp, không nhận được sự hỗ trợ và cũng không biết tìm sự hỗ trợ ở đâu, nên khó có thể phát triển mạnh và cạnh tranh được với các DN FDI. Không những thế lại còn bị "chèn ép" rất mạnh, nên phải chịu thiệt thòi.

 

Ông Hùng chia sẻ, DN chúng tôi, cứ đào tạo được nhân lực nào tốt thì các DN FDI lại "vợt" mất. Họ trả lương cao gấp 4-5 lần thì người lao động chuyển sang làm việc cho họ là tất yếu và chúng tôi không thể giữ nổi.

Nói về vấn đề này, tại Diễn đàn kinh tế tư nhân vừa diễn ra, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, một điểm rất đáng ngạc nhiên, mà có lẽ các nhà quản lý cũng đã biết nhưng lại chưa thực sự có những giải pháp tháo gỡ đó là sự bình đẳng về vị trí của các khối DN trong nền kinh tế.

Những ưu đãi rất lớn dành cho các tập đoàn nước ngoài lớn đang dẫn tới sự thiếu công bằng. Trong khi DN tư nhân trong nước gặp vô vàn khó khăn thì và DN FDI lại có lợi thế lớn, cạnh tranh trực tiếp và chèn ép DN tư nhân.

“Một sự cạnh tranh bình đẳng và công bằng cho các thành phần kinh tế, để tất cả cùng trở thành động lực cho sự cất cánh của Việt Nam, hơn lúc nào hết là vô cùng cần thiết”, ông Vũ nhấn mạnh.

Đại diện Ngân hàng thế giới, ông Sandeep Mahajan cho biết, nền kinh tế Việt Nam vận hành theo nguyên tắc thị trường, nhưng chưa hoàn thiện. Các nguồn lực như vốn, đất đai được phân phối chưa hiệu quả, không dựa trên hiệu suất kinh doanh mà dựa trên mối quan hệ, nên thiếu hẳn sự minh bạch và công bằng. Điều này đang khiến cho năng suất lao động tại Việt Nam theo xu hướng suy giảm, hiệu quả sản xuất thấp và gây lãng phí.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, nguyên nhân khiến DN tư nhân Việt Nam suốt nhiều năm qua không lớn lên được là do vướng vấn đề về quyền tài sản và thị trường yếu tố sản xuất như đất đai, lao động... bị méo mó, môi trường kinh doanh có chi phí giao dịch cao...

“Điều này nếu không được giải quyết căn bản sẽ khó tạo động lục thúc đẩy cho DN tư nhân tiến lên’, ông Thành nói.

Quỹ nhiều nhưng hỗ trợ ít

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 2015, có khoảng 40 quỹ tài chính Nhà nước nhằm hỗ trợ, ưu đãi cho DN phát triển kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc tiếp cận, để được hưởng các ưu đãi rất khó đối với DN. Thống kê này làm không ít kinh tế gia kinh ngạc. Nhà nước thành lập tới gần 40 quỹ hỗ trợ, vậy mà hầu hết DN tư nhân đều khẳng định họ không nhận được sự hỗ trợ nào, là tại sao?

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT, cuộc các mạng công nghiệp lầm thứ 4 đang diễn ra và đây là cuộc cách mạng số.

Ông Bình phân tích, chúng ta đã biết có những DN chẳng hề có 1 chiếc ô tô nào vẫn là DN taxi lớn nhất thế giới. Đấy là do cách mạng số mang lại. Các dự báo cho thấy, chỉ 10 năm nữa thôi kính đeo kết nối internet, áo quần kết nối Internet và ô tô tự lái sẽ xuất hiện. Với 3 cuộc cách mạng trước, Việt Nam đã đứng ngoài cuộc, câu hỏi lần này Việt Nam có vào cuộc được không?. Nếu không thì mãi mãi sẽ bị bỏ xa.

Muốn không bị bỏ rơi, Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi để phát triển DN, tạo văn hóa khởi nghiệp, đổi mới giáo dục, xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm, cho DN khởi nghiệp... Nhưng muốn làm như vậy điều quan trọng nhất phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch cho mọi thành phần DN. Không có nền tảng này sẽ không có thay đổi gì cả, ông Bình nhận xét.

Ông Zafrir Asaf, phụ trách về kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tự hào Israel là quốc gia khởi nghiệp với số lượng DN bình quân đầu người cao. Israel có nhiều DN khởi nghiệp với ý tưởng kinh doanh độc đáo mang lại thành công to lớn, là do Chính phủ đã xây dựng và tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch.

“Việt Nam muốn phát triển đội ngũ DN, thì cần phải tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. Điều này bản thân các DN không thể làm được, mà thuộc về các cơ quan Nhà nước”, Zafrir Asaf nêu ý kiến.

“Khi tư duy Nhà nước thay đổi, tư duy các DN cũng rõ ràng minh bạch, sự đồng lòng chính là “dung môi” thúc đẩy các cơ chế quản lí, quản trị, kinh doanh trong nền kinh tế, áp dụng cho các thành phần, được thông suốt, hiệu quả. Đó chính là điều mà kinh tế Việt Nam đang cần. Các DN tư nhân cần tập trung lại và có đối thoại thường xuyên với các cơ quan chức năng, để đạt được vấn đề này”, ông Lê Phước Vũ đề nghị.

Các tin khác