VAMC và những vấn đề đặt ra

Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngày 9-7 tới. Điều dư luận băn khoăn là công ty này có giải quyết được căn bản những phát sinh từ nợ xấu? VAMC tồn tại trong bao lâu và doanh nghiệp, NHTM được lợi và thiệt gì? ĐTTC giới thiệu ý kiến của TS. LÊ XUÂN NGHĨA, chuyên gia ngân hàng, xoay quanh các vấn đề này.

Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngày 9-7 tới. Điều dư luận băn khoăn là công ty này có giải quyết được căn bản những phát sinh từ nợ xấu? VAMC tồn tại trong bao lâu và doanh nghiệp, NHTM được lợi và thiệt gì? ĐTTC giới thiệu ý kiến của TS. LÊ XUÂN NGHĨA, chuyên gia ngân hàng, xoay quanh các vấn đề này.

Trích lập dự phòng: cao hay thấp?

VAMC chịu sự quản lý, thanh tra, giám sát, cấp vốn của NHNN, hiện đang xây dựng quy chế về lao động, tài chính để chuẩn bị cho việc ra mắt. Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng NHTM sẽ không hào hứng bán nợ cho VAMC, doanh nghiệp cũng không được lợi.

Đặc biệt nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Bởi khi mua nợ theo giá sổ sách, VAMC sẽ phân biệt chất lượng nợ, cân nhắc có thể mua nợ nhóm 4, nhóm 5 trước. Thực tế, với nợ xấu nhóm 4 NHTM sẽ phải trích dự phòng rủi ro 50%, với nhóm 5 là 100%, nhưng khi bán nợ xấu cho VAMC lấy TPĐB, tỷ lệ này là 20%/năm. Như vậy các NHTM không phải tái cấp vốn vừa không phải trích lập dự phòng đột ngột ảnh hưởng đến kinh doanh.

Đồng thời các NHTM cũng không cần cơ chế chuyên biệt để xử lý, đánh giá, mua bán nợ xấu. Bảng cân đối sạch nợ xấu thì các NHTM sẽ tăng trưởng tín dụng. Về những doanh nghiệp đang kẹt nợ xấu ở các NHTM không vay vốn được, VAMC có thể xử lý nợ xấu bằng cách chuyển nợ thành vốn góp, hoặc bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp tốt…

Nghị định 53 cho phép VAMC mua nợ xấu theo giá sổ sách hoặc giá thị trường. Nhưng sau khi mua về VAMC bán lại theo giá thị trường nên có thể đối mặt với thua lỗ (do giá trị thực khi bán đã giảm nhiều so với giá sổ sách). Do vậy, đòi hỏi sau khi mua theo giá sổ sách, VAMC có thể phải thỏa thuận lại về giá với đối tác và các NHTM.

Để VAMC bán được nợ cần phát triển thị trường mua bán nợ và thu hút được các nhà đầu tư tham gia, trong đó nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò chủ chốt. Ngoài ra, cần xây dựng một hệ thống đánh giá độc lập để đảm bảo đưa ra được những đánh giá tốt nhất về giá trị của khoản nợ; khả năng trả nợ của khách hàng…

Nhưng tại sao VAMC đã mua nợ theo giá số sách lại yêu cầu các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro với TPĐB? Sở dĩ VAMC yêu cầu như vậy vì thực tế có trường hợp NHTM tìm cách giấu khoản nợ xấu, hạch toán lên nhóm nợ cao hơn bởi tiếc bất động sản thế chấp nằm ở những khu đất vàng. Họ kỳ vọng giá bất động sản lên nên giấu nợ để tránh trích lập dự phòng rủi ro cao.

Nhưng với VAMC, khi đã nhận TPĐB các NHTM bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro. Qua khảo sát cho thấy có ngân hàng dễ dàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro 20%, nhưng cũng có ngân hàng khó khăn khi trích lập theo tỷ lệ này. Thực tế công thức trích lập dự phòng rủi ro theo Quyết định 493 không đơn giản.

Theo đó rất khó biết chính xác tỷ lệ 20% là cao hay thấp so với tỷ lệ trích lập theo phân loại nợ của Quyết định 493. Và đây chính là kẽ hở rất lớn để các NHTM có thể che dấu nợ xấu. Theo công thức trích lập dự phòng rủi ro = tỷ lệ trích lập x (số dư khoản nợ - giá trị khấu trừ của tài sản đảm bảo).

Thí dụ, món vay 100 tỷ đồng thuộc nợ nhóm 4, giá trị tài sản thế chấp 140 tỷ đồng, thì dự phòng rủi ro phải trích lập là 15 tỷ đồng. Nhưng do bất động sản đóng băng, giảm giá nên giá trị tài sản thế chấp chỉ còn 50 tỷ đồng và đáng lẽ theo công thức này phải trích lập dự phòng rủi ro trên 37 tỷ đồng.

Nhưng thực tế tỷ lệ trích lập dự phòng vẫn không thay đổi do các NHTM không đánh giá lại tài sản thế chấp... Từ kẽ hở này các NHTM tìm cách đẩy giá tài sản thế chấp lên cao để được vay nhiều hơn 100 tỷ đồng và tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn.

Nhiều giải pháp tổng hợp

Hiện nay nhiều ý kiến thắc mắc khi nợ xấu chuyển sang VAMC, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của NHNN có còn lưu lịch sử nợ xấu của doanh nghiệp? Trên thực tế, CIC lưu thông tin tín dụng trên 5 năm, nên dù doanh nghiệp trả hết nợ, hồ sơ nợ xấu phải hết 5 năm mới xóa.

Nghị định 53 quy định việc VAMC xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, tức không chỉ dừng lại ở việc mua nợ VAMC còn phải tìm cách bán nợ để thu hồi được nợ về. Theo đó có 2 cách thực hiện: Thứ nhất, sau khi VAMC thu về các khoản nợ đi kèm tài sản bảo đảm, sẽ bán lại nợ hoặc tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, việc bán tài sản bảo đảm là bất động sản sẽ tốn thời gian. Vì vậy, khi đã thu tài sản bảo đảm về, VAMC phải có nguồn lực để quản lý tài sản đó. Thứ hai, VAMC sẽ thỏa thuận với khách nợ về cách thức giải quyết, lộ trình trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm.

Một vấn đề dư luận quan tâm nữa là VAMC hoạt động bao lâu? Việc phát hành TPĐB kỳ hạn 5 năm có thể thấy VAMC hoạt động trong vòng 4-5 năm. Ở nhiều quốc gia, mô hình VAMC có thể tồn tại lâu dài ngay cả khi việc giải quyết nợ xấu đã thành công.

Với nước ta, sau khi giải quyết nợ xấu, VAMC có thể trở thành ngân hàng đầu tư. Theo đó, NHNN có thể tách chức năng đầu tư ra khỏi các NHTM. Ngân hàng đầu tư này không được phép huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư mà chỉ được phép huy động vốn dài hạn để đầu tư.

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi ngày càng rõ ràng hơn, đặc biệt các thông tin từ nay đến cuối năm chủ yếu là thông tin hỗ trợ các thị trường. Như triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, VAMC đi vào hoạt động xử lý nợ xấu, chương trình tái cấu trúc NHTM giai đoạn 3 đã được NHNN chuẩn bị gần xong, dời thời gian thực hiện Thông tư 02 thêm 1 năm…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là NHNN phải quyết liệt trong việc đưa toàn bộ hệ thống NHTM vào chuẩn quốc tế, bao gồm chuẩn quản trị doanh nghiệp; chuẩn kế toán tài chính và báo cáo tài chính; chuẩn an toàn; chuẩn quản trị rủi ro. Nếu trong 2 năm 2013 và 2014 chúng ta xử lý nợ xấu hiệu quả, thị trường tài chính sôi động trở lại, nền kinh tế tăng trưởng bền vững, nhất là đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập và kiên quyết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình Chính phủ đặt ra.

Các tin khác