Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Cát Lái trên nhánh sông Soài Rạp, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kẽ hở thanh toán
Việt Nam đã gia nhập hàng loạt FTA, mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, kéo theo đó là tình trạng doanh nghiệp bị mất hàng do thiếu chặt chẽ trong quá trình ký kết hợp đồng giao thương diễn ra khá phổ biến. Hai vụ việc được xem là điển hình nhất xảy ra gần đây là vụ các doanh nghiệp trong nước đã bị mất 50 container hạt điều khi xuất khẩu sang thị trường Italy và 5 container hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi khi xuất khẩu vào thị trường Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Luật sư Đặng Việt Anh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anhisa, chia sẻ, điểm chung của các vụ việc trên là doanh nghiệp xuất khẩu bị đối tác nhập khẩu cấu kết với một số đối tượng, thậm chí là chính nhân viên ngân hàng thu hộ để lấy toàn bộ hồ sơ gốc bao gồm chứng từ giao vận hàng - cơ sở pháp lý để được các hãng tàu giao hàng. Ngay khi sự việc xảy ra, các doanh nghiệp cũng đã cử người đến để thẩm định tính xác thực của các đối tác nhập khẩu thì đều phát hiện ra đây là các doanh nghiệp ảo.
Sở dĩ đối tác nhập khẩu có thể dễ dàng lừa và lấy hàng của doanh nghiệp xuất khẩu là do có kẽ hở trong hoạt động thanh toán. Hiện nay, hình thức thanh toán phổ biến mà doanh nghiệp xuất khẩu nước ta đang áp dụng là D/P (trả tiền khi giao chứng từ) thay vì thanh toán L/C (thanh toán bằng thư tín dụng). Về cơ bản hai hình thức này khá giống nhau, hai bên sẽ ký hợp đồng và bên đối tác nhập khẩu sẽ thanh toán cọc trước 10% ngay khi ký hợp đồng, 90% giá trị hợp đồng còn lại sẽ thanh toán khi nhận được hàng.
Thế nhưng, điểm khác là nếu thanh toán bằng hình thức D/P, khi doanh nghiệp xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ, gửi cho ngân hàng, thì đối tác có thể cấu kết với nhân viên cấp cao của ngân hàng lấy toàn bộ hồ sơ, chứng từ vận đơn để đến hãng tàu nhận hàng, đồng thời không thanh toán phần còn lại.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp xuất khẩu chọn hình thức thanh toán L/C thì ngân hàng sẽ nhận ủy quyền của đối tác nhập khẩu trực tiếp làm hồ sơ với doanh nghiệp xuất khẩu. Và chỉ khi đối tác nhập khẩu thanh toán 90% giá trị hợp đồng còn lại thì mới được nhận chứng từ vận đơn, hãng tàu mới giao hàng.
Tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng
Bà Lư Thị Kim Phụng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH PCL Én Việt, chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu đều biết đến hai hình thức thanh toán nói trên. Tuy nhiên, để áp dụng thì rất đắn đo. Đơn cử, cùng một đơn hàng trị giá 10 tỷ đồng, nếu chọn hình thức thanh toán bằng L/C, doanh nghiệp phải chi trả thêm mức phí khoảng 2%/tổng giá trị hợp đồng. Chưa kể, doanh nghiệp còn phải chi trả thêm khoản phí không nhỏ để thuê luật sư quốc tế hỗ trợ thực hiện thủ tục hồ sơ chứng từ với ngân hàng.
Do đó, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, ngoài những hoạt động tập huấn, nâng cao kiến thức về việc thương thảo pháp lý liên quan đến ký kết các hợp đồng, các cơ quan chức năng liên quan cần có những trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp với chi phí thấp hợp lý.
Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với lựa chọn hình thức thanh toán an toàn, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải cẩn trọng trong việc thẩm định năng lực, pháp nhân của đối tác nhập khẩu, tránh tình trạng tin vào các đại lý, công ty môi giới để rồi “tiền mất tật mang”, hoặc “được vạ má đã sưng”. Ví dụ trường hợp các doanh nghiệp bị mất container hàng hóa khi xuất sang thị trường UAE.
Dù các doanh nghiệp này đã ngăn chặn và giữ lại 1/5 container hàng, nhưng trong quá trình chờ được giải quyết vụ việc đã phải chi trả 3.000 USD/ngày để lưu giữ container tại cảng. Với chi phí như thế sẽ dẫn đến nguy cơ khi sự việc được làm rõ thì đã âm vốn giá trị hàng xuất khẩu.
Hay như với những doanh nghiệp xuất khẩu điều vào thị trường Italy, dù đã giữ lại được 50/100 container hàng nhưng chi phí lưu giữ hàng tại cảng, chi phí tái xuất hàng về lại Việt Nam cũng rất cao, gây khó cho doanh nghiệp.
Mặt khác, khi gởi bộ hồ sơ chứng từ gốc, đối tác thường yêu cầu mã kiểm tra chuyển phát nhanh. Đây là cơ sở để đối tác theo dõi đường đi của bộ hồ sơ và can thiệp để lấy được bộ hồ sơ, vì vậy doanh nghiệp cẩn trọng khi cung cấp bất kỳ thông tin nào cho đối tác nhập khẩu. Một vấn đề cần phải chấp nhận là, doanh nghiệp sẽ khó tránh khỏi rủi ro khi ký kết hợp đồng.
Do đó, trong hợp đồng cần có điều khoản chọn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam để vận dụng luật trong nước có lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu, giảm chi phí khi theo đuổi vụ kiện.
Một rủi ro khác, theo ông Vũ Xuân Hưng, Trưởng Phòng Pháp chế và Chứng nhận xuất xứ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chi nhánh TPHCM, rào cản phi thuế quan đang bị các thị trường xuất khẩu dựng lên dày đặc, tập trung nhiều nhất với nhóm hàng công nghiệp chế biến (hơn 63.000 rào cản phi thuế quan), nhóm hàng nông sản (hơn 24.000 hàng rào phi thuế quan).
Ngoài ra, những nhóm hàng khác như dệt may, da giày, máy móc và thiết bị điện, khoáng sản… cũng đang bị áp dụng nhiều rào cản phi thuế quan.
Do đó, doanh nghiệp cần chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo rào cản kỹ thuật của từng thị trường quy định nhằm tránh bị vi phạm hợp đồng và mất tiền vì phải thu hồi hàng hóa đã xuất khẩu.