Văn hóa tết Việt

(ĐTTCO) - Một chu kỳ thời gian đã kết thúc và bắt đầu nhịp mới được khắc trong tâm khảm con người Việt Nam ngàn đời, ấy là Tết. Trong tâm thức người Việt, Tết mang nhiều ý nghĩa cao quý, nhân văn và đặc biệt như một yếu tố tâm linh.

(ĐTTCO) - Một chu kỳ thời gian đã kết thúc và bắt đầu nhịp mới được khắc trong tâm khảm con người Việt Nam ngàn đời, ấy là Tết. Trong tâm thức người Việt, Tết mang nhiều ý nghĩa cao quý, nhân văn và đặc biệt như một yếu tố tâm linh.

Người dân các nước phương Tây đón Tết Dương lịch (Tết Tây) không cầu kỳ, do chủ yếu quan niệm đó chỉ là dịp nghỉ ngơi, mua sắm, đi chơi... sau 1 năm công việc tất bật. Trong khi đó, với người Việt, Tết là một sự hội tụ nhiều giá trị về tâm linh, con người và thiên nhiên. Từ bao đời nay, với quan niệm gia đình là cốt lõi, là nguồn cội của mọi sự, người Việt dù có đi đâu, làm gì ở 4 phương trời thì ngày Tết cũng nhớ về gia đình, về quê hương. Ngày Tết là ngày những người đi xa trở về mái ấm gia đình, hưởng không khí ruột thịt cùng những tình cảm yêu thương chan chứa của người thân. Tết cũng là dịp để họ hàng, anh em, bè bạn gặp nhau “ôn cố tri tân”... Nhờ vậy, ngàn đời nay dân tộc Việt luôn xem gia đình là cái gốc của xã hội. Cái gốc ấy có yên ấm, hạnh phúc, có hài hòa thì mới thăng hoa cho mỗi cá thể, phát huy cho cả xã hội, cả dân tộc. Thế nên, sum họp gia đình trong ngày Tết đã không còn là những quy ước, định ước... mà đã trở nên như tiếng gọi tâm linh, như một nhu cầu bản năng... của mỗi người con Việt.

Hàng năm, từ ngày 23 tháng Chạp (ngày ông Công - ông Táo) cho đến hết mùng 7 tháng Giêng (ngày hạ cây Nêu) là một  chuỗi những hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục nhằm tôn vinh những giá trị con người trong dịp Tết, qua đó tôn vinh biểu trưng Tết Việt. Sau ngày ông Công - ông Táo, người người hối hả, tất bật chuẩn bị cho Tết. Người ở xa lo buôn bán làm ăn nhanh, thuận để sớm thu xếp về sum họp gia đình; người ở gần lo chuẩn bị mọi thứ cho những ngày sum họp trong dịp Tết.

Nhiều người cho rằng do ngày xưa đời sống phần nhiều túng thiếu quanh năm, nên tâm lý dành dụm, lo cho ngày Tết đã hình thành. Cái gì cũng bảo đến Tết, cái gì cũng dành đến Tết. Điều này đúng, nhưng có lẽ mới chỉ là những biểu hiện bên ngoài. Tết có lẽ là dịp để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng tộc thể hiện mình, “khoe” mình trước người thân, trước bàn dân thiên hạ... Cái “khoe” ở đây lạ một điều không phải là khoe khoang, mà là một sự thể hiện rất ý nhị, nhân văn về những phẩm chất của từng cá nhân cho đến mỗi dòng tộc và cao hơn là cả dân tộc, một cách tự nhiên nhưng đầy tính văn hóa. Người ta trò chuyện, kể với gia đình, người thân, họ hàng, bạn bè, xóm giềng... những thành tựu hay những trắc trở năm vừa qua. Người ta thể hiện mình là con người hào sảng, nhân nghĩa trong dịp Tết. Người ta cảm thấy hạnh phúc, viên mãn khi gia đình “tứ đại đồng đường” quây quần có lễ nghĩa, trước sau, thành đạt... Cũng đồng thời, mỗi cá nhân hay nhóm người có dịp được thể hiện mình qua những sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tập tục trong dịp Tết.

Những ngày áp Tết nhà nhà lo chuẩn bị nồi bánh chưng, lo quét dọn, sửa sang nhà cửa cho khang trang, đàng hoàng đón Tết với mong ước gặp may mắn, thuận lợi trong năm tới... Cũng không thể không nhắc đến một nét đẹp văn hóa, đấy là tục sửa sang, hương khói cho những người thân đã khuất. Tục ngữ Việt có câu “Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”. Đây thể hiện đạo lý con người Việt. Tết là dịp mỗi người có rất nhiều việc phải làm, nhưng dù có làm gì cũng phải nhớ điều đầu tiên là ghi nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ và người thầy. Phẩm tố văn hóa Việt trong dịp Tết đến xuân về dù giản dị nhưng cũng đầy những nghi thức cầu kỳ, tập tục nghiêm túc. Từ lời chúc nhau sau phút Giao thừa thiêng liêng, tục kiêng kỵ, xông đất ngày Tết, cho đến lời ăn tiếng nói trong dịp Tết cũng phải ý tứ, không nói tục, chửi bậy, không có những hành vi kém văn hóa… Một nét nhân văn cao đẹp của Tết là trong dịp Tết người ta tha thứ, khoan dung, bỏ quá cho nhau mọi lỗi lầm, sai trái và cùng mong cuộc sống tốt lành hơn trong năm mới. Ngày Tết con người muốn được gần gũi nhau hơn, kính già yêu trẻ, tình làng nghĩa xóm và lòng người cũng rộng mở hơn.

Tết là dịp người người, nhà nhà, cộng đồng thể hiện sự thành kính tổ tiên, trời đất, thần linh qua việc cầu cúng, đi lễ cho tới thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất. Những phong tục, nghi thức người Việt thể hiện trong dịp Tết đã trở nên như một thứ đạo bắt buộc, mà cứ vào dịp Tết lại được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn, thành kính nhất. Và, mọi vẻ đẹp của phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, tinh thần con người Việt được kết nên một khối thống nhất một cách tự nhiên, cứ đời đời, kiếp kiếp truyền nhau đến muôn đời. Chính thế nên, Tết Cổ truyền dân tộc là sự thiêng liêng, cao quý nhất mà ở đây thiên nhiên và con người đã cùng cảm thấu và giao hòa.

Các tin khác