Vàng và tỷ giá còn song hành vượt đỉnh đến bao giờ?

(ĐTTCO) - Quý I là thời gian thị trường liên tục chứng kiến vàng trong nước và tỷ giá USD/VNĐ xô đổ các kỷ lục. Có rất nhiều nguyên nhân nội tại và ngoại lai đang tác động đến các kênh này, và việc hóa giải áp lực vẫn là vấn đề đầy thách thức.

Vàng và tỷ giá còn song hành vượt đỉnh đến bao giờ?

Tỷ giá không ngừng nổi sóng

Ngày 21-3, tỷ giá USD/VNĐ tại các ngân hàng (NH) lần thứ 2 áp sát đỉnh này 25.000 đồng/USD trong vòng một tháng. Theo ghi nhận, tỷ giá tại Vietcombank ở mức 24.580 - 24.950 đồng/USD. Trong khi đó, Sacombank niêm yết giá USD giao dịch bằng hình thức tiền mặt ở mức 24.570 - 24.995 đồng/USD.

Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá chính thức của các NH đã tăng 3,6%. Trên thị trường tự do, giá USD liên tục xô đổ các kỷ lục, tiến đến đỉnh 25.700 đồng/USD vào ngày 11-3. Tuy hiện tại tỷ giá chợ đen đã giảm trở lại nhưng vẫn ở mức cao 25.591 đồng/USD, tăng 3,3% so với đầu năm.

Nguyên nhân chính khiến tiền đồng mất giá mạnh trong các tháng đầu năm do sự phục hồi của đồng USD, xuất phát từ việc nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, mức chênh lệch lãi suất huy động USD trong nước và nước ngoài, chênh lệch lãi suất USD-VNĐ trên thị trường liên NH, cũng là cũng là yếu tố gây áp lực lên diễn biến của tiền đồng.

NHNN giảm lãi suất điều hành, NHTM liên tục giảm lãi suất huy động, bồi thêm yếu tố làm giảm giá trị của tiền đồng. Trong khi đó, cầu ngoại tệ đang tăng trở lại do doanh nghiệp nội nhập siêu 3,53 tỷ USD. Đặc biệt một yếu tố khác khiến tỷ giá cũng căng thẳng là giá vàng, điều này diễn biến rõ hơn trên thị trường tự do.

Áp lực với tỷ giá có lẽ chưa thể vơi đi trong một sớm một chiều. Mới đây, cuộc họp chính sách tiền tệ của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) tháng 3 kết thúc, với kết quả Fed giữ nguyên lãi suất mức 5,25% đến 5,5% trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phát triển và lạm phát đã giảm bớt nhưng vẫn ở mức cao.

Đồng USD đã có sự suy yếu trước thông tin này, song vẫn ở mức cao so với cuối năm ngoái. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,46%, xuống mốc 103,38. Song quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed vẫn sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ, vì chênh lệch lãi suất đồng VNĐ và USD ở mức cao, xu hướng dòng vốn đảo chiều vẫn sẽ thường trực.

Trong nước, tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023, thanh khoản VNĐ trong hệ thống khá dồi dào, cũng gây áp lực đầu cơ tỷ giá ngắn hạn. Để xử lý, NHNN phải nối lại hoạt động chào bán tín phiếu để hút bớt thanh khoản thị trường liên NH, nhằm ổn định tâm lý và thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VNĐ, hạn chế xu hướng đầu cơ.

Tuy nhiên, áp lực trên thị trường quốc tế lẫn trong nước vẫn mạnh, nên các dự báo đưa ra gần đây cho rằng tỷ giá sẽ chỉ dịu lại khi Fed đảo chiều chính sách tiền tệ, tín dụng hồi phục và thị trường vàng trong nước được chấn chỉnh lại.

Vàng biến động mạnh trên đỉnh lịch sử

Song hành với tỷ giá, vàng cũng tăng nhiệt trong những tháng đầu năm 2024 có nguyên nhân đến từ thế giới. Giới chuyên gia cho rằng, diễn biến của giá vàng thế giới năm nay cũng khá bất ngờ. Theo dự báo, giá vàng sẽ đạt đỉnh mới vào khoảng quý III hoặc quý IV-2024, nhưng lại xảy ra sớm hơn ngay trong tháng 3 này.

Có nhiều nguyên nhân tác động đến vấn đề này, như xung đột tại Ukraine, leo thang căng thẳng ở dải Gaza khiến rủi ro địa chính trị gia tăng, dẫn đến việc mua vào các tài sản như vàng và USD.

Đồng thời, nhu cầu vàng vật chất cũng đang có xu hướng tăng lên. Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc cũng mua vào hơn 12,5 tấn vàng, đưa tổng dự trữ quốc gia về vàng lên 2.557 tấn. Điều này cũng diễn ra tại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…

Theo Goldman Sachs, các NH trung ương đã mua trung bình 1.060 tấn từ năm 2022 đến năm 2023, trong khi năm 2016-2019 chỉ mua 509 tấn. Hiện Trung Quốc đang có xu hướng tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng vàng và giảm tỷ lệ nắm giữ USD. Đồng thời, hiệu ứng giàu có do thu nhập tăng ở các thị trường mới nổi đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng vàng, đặc biệt là đồ trang sức như Ấn Độ. Trên cơ sở đó, Goldman Sachs dự báo, giá vàng có thể tăng 6% trong 12 tháng tới nhờ lực mua của các NH trung ương và nhu cầu lên cao tại các thị trường mới nổi.

Bắt lấy hiệu ứng từ giá thế giới, giá vàng trong nước đã có một số thời điểm không ngừng phá vỡ kỷ lục. Đỉnh điểm phiên giao dịch sáng 9-3, giá bán vàng miếng SJC đã xô đổ kỷ lục 81,9 triệu đồng/lượng vừa lập trước đó, xác lập mức giá cao nhất lịch sử 82,2 triệu đồng/lượng sau khi giá vàng thế giới lên 2.195USD/ounce.

Vàng nhẫn trong tháng 3 này cũng đã có thời điểm vượt lên mức kỷ lục 71 triệu đồng/lượng. Thời gian qua, giá vàng thế giới lại tăng nhanh, lãi suất VNĐ giảm, các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, kênh chứng khoán không phải ai cũng có thể tham gia. Vì vậy, vàng trở thành kênh đầu tư được lựa chọn. Giá vàng thế giới càng tăng mạnh càng củng cố niềm tin đẩy nhu cầu mua vàng tăng lên.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng không ngừng nghỉ, vượt mốc 2.200USD/ounce, giá vàng trong nước hiện cũng chưa thể rời khỏi mốc 80 triệu đồng/lượng. Nếu giá thế giới vẫn leo thang như dự báo của các tổ chức quốc tế, giá vàng trong nước cũng sẽ khó hạ nhiệt trong năm nay.

Trước diễn biến nóng bỏng này, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc NHNN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 23/CĐ-TTg vào ngày 20-3, yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Thật ra, nếu tính từ tháng 6-2022 đến nay, lãnh đạo Chính phủ cũng đã có 9 văn bản chỉ đạo NHNN liên quan đến thị trường vàng, câu chuyện giá vàng miếng SJC do NHNN quản lý có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của thế giới, và chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới cũng cao vẫn chưa xử lý được.

Áp lực với tỷ giá có lẽ chưa thể vơi đi trong một sớm một chiều. Mới đây, cuộc họp tháng 3 kết thúc, với kết quả Fed giữ nguyên lãi suất mức 5,25% đến 5,5%. Trong khi đó với vàng, tháng 2 vừa qua, Trung Quốc cũng mua vào hơn 12,5 tấn vàng, đưa tổng dự trữ quốc gia về vàng lên 2.557 tấn. Điều này cũng diễn ra tại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…

Các tin khác