Vào guồng gỡ cục nợ xấu

Ngày mai 9-7, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trực thuộc NHNN (VAMC) chính thức hoạt động. Các quy chế hoạt động của VAMC đang lấy ý kiến đóng góp của các NHTM. Chỉ còn 5 tháng nữa kết thúc năm tài chính 2013 nên nhiều dự báo trong năm nay VAMC chỉ khởi động những bước đầu tiên, để xử lý được nợ xấu hiệu quả phải sang năm 2014.

Ngày mai 9-7, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trực thuộc NHNN (VAMC) chính thức hoạt động. Các quy chế hoạt động của VAMC đang lấy ý kiến đóng góp của các NHTM. Chỉ còn 5 tháng nữa kết thúc năm tài chính 2013 nên nhiều dự báo trong năm nay VAMC chỉ khởi động những bước đầu tiên, để xử lý được nợ xấu hiệu quả phải sang năm 2014.

NHTM lo bị thiệt

Theo dự thảo hoạt động VAMC, khoản nợ xấu được VAMC mua đối với khách hàng cá nhân không thấp hơn 1 tỷ đồng, doanh nghiệp không thấp hơn 3 tỷ đồng với điều kiện đi kèm, khoản nợ đó được bảo đảm bằng tài sản chủ yếu là bất động sản có khả năng thu hồi cao.

Tất cả vẫn còn ở phía trước nhưng VAMC được kỳ vọng sẽ là giải pháp tích cực trong xử lý nợ xấu. Theo đó hệ thống tổ chức tín dụng sẽ được củng cố, an toàn và bền vững hơn. Nguồn vốn từ đây cũng sẽ được khơi thông để có thể tiếp sức cho nền kinh tế hiệu quả hơn, thay vì đình trệ suốt thời gian qua.

Nhiều ngân hàng than rất khó hợp tác với VAMC, đặc biệt về điều kiện các khoản nợ được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt (Điều 9, Khoản b, Khoản đ) chưa phù hợp với thực tế. Hiện các NHTM đang vướng những khoản nợ mà khách hàng bỏ trốn, bị phá sản, cũng như xử lý các tài sản bất động sản, tài sản tranh chấp, thi hành án...

Do đó, các NHTM mong muốn VAMC có đủ thẩm quyền xử lý được những vướng mắc, chứ không chỉ ưu tiên xử lý nợ xấu. Cũng có ý kiến cho rằng với giá trị khoản nợ theo quy định, VAMC mua được cũng không lớn. Còn lại những khoản vay nhỏ, không có tài sản bảo đảm, các NHTM phải tự xử lý.

Về tỷ lệ nợ xấu bắt buộc phải bán nợ theo yêu cầu NHNN (Điều 13, Khoản 1), theo các NHTM với điểm mở của Nghị định 53, đề nghị NHNN nên xem xét điều chỉnh “tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 5% so với tổng dư nợ trở lên phải bán cho VAMC”, thay vì tỷ lệ 3% như dự thảo quy định.

Điều này là cần thiết vì cần có thời gian và lộ trình cho NHTM chủ động sắp xếp cơ cấu lại nợ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ xấu phát sinh cao hiện nay. Có thể thấy, với kiến nghị này một số NHTM vẫn e ngại bán nợ xấu cho VAMC, để tránh tiếng có nợ xấu phải bán cho VAMC.

Từng bước gỡ thế khó

Dự thảo VAMC quy định sau khi mua các khoản nợ từ các tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện điều chỉnh lãi suất các khoản nợ đã mua về không cao hơn lãi suất cho vay bình quân tương ứng theo từng kỳ hạn của các NHTM nhà nước, NHTMCP mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Nhiều NHTM cho rằng việc điều chỉnh lãi suất của các khoản nợ đã mua nếu quy định như dự thảo lãi suất rất thấp so với mặt bằng lãi suất chung, sẽ gây thiệt hại cho NHTM. Các NHTM cũng đề nghị xem lại quy định tỷ lệ hưởng 2%/số tiền thu hồi các khoản nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt (Điều 30, Khoản 3) nếu VAMC ủy quyền cho các tổ chức tín dụng thực hiện  xử lý nợ; cách hạch toán phần tài sản xử lý được trong trường hợp giá trị xử lý thấp hơn giá trị sổ sách...

VAMC được kỳ vọng giải quyết hiệu quả nợ xấu. Ảnh: LONG THANH

VAMC được kỳ vọng giải quyết hiệu quả nợ xấu.  Ảnh: LONG THANH

Theo nhiều chuyên gia, VAMC là công ty quốc gia nên sẽ mua những khoản nợ lớn, chỉ mua nợ của khu vực tư nhân, còn nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ xây dựng cơ bản của Chính phủ do Bộ Tài chính xử lý. Do đó, một khoản nợ có thể đảm bảo bằng cổ phiếu của ngân hàng, trái phiếu chính phủ, hàng hóa, bất động sản... VAMC sẽ không mua loại nợ này mà chỉ mua những khoản nợ được đảm bảo bằng bất động sản hoặc được đảm bảo hỗn hợp bằng nhiều công cụ bảo lãnh, trong đó có bất động sản.

Thực tế 70% nợ của các NHTM được đảm bảo bằng bất động sản, thậm chí 100%, nên việc yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo hoàn toàn khả thi. Nếu VAMC mua nợ xấu đảm bảo bằng bất động sản sẽ giúp xử lý nhanh nợ xấu lĩnh vực này, gián tiếp giúp thị trường bất động sản từng bước hồi phục.

Dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi 20-40%. NHNN cho biết quy định xử lý nợ xấu của VAMC dành nhiều ưu tiên cho doanh nghiệp. Khi NHTM đã bán nợ cho VAMC, doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ VAMC và tài sản thế chấp do VAMC nắm giữ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn khi không còn tài sản thế chấp, VAMC sẽ giúp biến nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp (nếu thấy doanh nghiệp hoạt động tốt), tài trợ vốn lưu động hoặc bảo lãnh cho vay đối với doanh nghiệp, tái cơ cấu nợ, giãn nợ. Đồng thời NHTM sẽ giảm nợ xấu, bảng cân đối tài sản cũng sạch hơn. Thậm chí, nếu được đánh giá là doanh nghiệp tốt, VAMC có thể mua cổ phần của doanh nghiệp, sau đó đưa số cổ phần này sang NHTM.

Từ nay tới cuối năm chỉ còn 5 tháng nên khó kỳ vọng VAMC sẽ xử lý rốt ráo nợ xấu của hệ thống NHTM để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Hiện tại với những khoản nợ xấu nhỏ ngoài trích lập dự phòng rủi ro, các NHTM cũng đang rốt ráo tìm cách xử lý nợ xấu bằng nhiều phương án, như cho vay ưu đãi mua bất động sản thuộc sở hữu hoặc tài sản ủy quyền của NHTM cho công ty quản lý tài sản trực thuộc NHTM đó.

Các tin khác