Đối với các khoản cho vay này, NH có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc sửa quy định này đã tháo bỏ những điều kiện tương đối chặt chẽ trước đây, nhằm giúp người đi vay, kể cả doanh nghiệp nhỏ hay cá nhân được vay vốn đơn giản, thuận lợi hơn. Liệu mở điều kiện như vậy có lỏng lẻo không?
Lãnh đạo NHNN khẳng định, quy định này không phải lỏng lẻo mà phù hợp với nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, cũng như quan điểm đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen của NHNN. Khi cho vay những khoản này, tổ chức tín dụng chỉ cần có thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng trước khi quyết định cho vay vốn.
Thực ra những khoản vay nhỏ dưới 100 triệu đồng thường chỉ sử dụng cho mục đích tiêu dùng, nếu NH yêu cầu kê khai mục đích cụ thể và kiểm tra có sử dụng đúng mục đích hay không, sẽ tự làm khó cho NH và người vay. Hơn nữa, rủi ro của món vay nhỏ không nằm ở vấn đề kê khai mục đích vay vốn, mà nằm ở khả năng trả nợ của người vay.
Lâu nay khi chưa có quy định này, các NH vẫn phát hành thẻ tín dụng, trong đó có những khách hàng được cấp hạn mức từ 100 triệu đến 300 triệu đồng, và khi sử dụng họ cũng không cần khai báo chi tiêu cho hoạt động gì. Hay các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, cũng không yêu cầu kê khai mục đích sử dụng vốn.
Tuy nhiên, đây là điểm mới khi NH cũng có được thuận lợi này, sẽ cùng cạnh tranh với công ty tài chính, đem lại dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, mở lối cho tín dụng tiêu dùng rộng đường phát triển. Chính sách này cũng phù hợp với xu thế khi các chuyên gia kinh tế đang khuyến cáo, đã đến lúc phải khai thác thị trường trong nước, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Đối với ngành NH, thúc đẩy cho vay tiêu dùng là một trong những chủ trương cơ quan quản lý để “rã băng” tín dụng. Như vậy, hầu như mọi điều kiện để hỗ trợ tín dụng tiêu dùng đều đã sẵn sàng, chỉ còn chờ đoàn tàu tăng tốc.
Song đó mới là lý thuyết, còn trên thực tế việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng luôn có những khó khăn nhất định, dù lâu nay đã có nhiều chính sách thúc đẩy mảng này. Thống kê của NHNN cho thấy, đến nửa đầu năm 2024, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Nhưng không thể nói cho vay tiêu dùng rủi ro ít hơn cho vay doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp vay vốn sẽ có báo cáo tài chính, có cơ sở hoạt động, có tài sản, lịch sử trả nợ. Nhưng với cá nhân, có nhiều người không có lịch sử trả nợ, rất nhiều người lần đầu tiên đi vay NH, và họ có tâm lý “vay trước việc trả nợ tính sau”.
Số liệu của Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) cũng cho thấy rủi ro trong mảng tín dụng tiêu dùng rất cụ thể. Tỷ lệ nợ xấu cuối 2023 của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8%, đến quý I-2024 nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính cuối năm 2023 ở mức 15%, quý I năm nay khoảng 14,63%, đó là mức đáng báo động.
Theo VNBA, nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế, còn có những yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ. Nhiều công ty tài chính đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.