Vay USD nước ngoài do cần vốn lớn

(ĐTTCO) - Không có gì là nghịch lý khi lãi suất huy động USD 0% lại đi vay nước ngoài lãi suất cao. Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính khi trao đổi với ĐTTC. Theo TS. Hiếu, việc phải huy động USD với lãi suất cao ở nước ngoài do NH cần những nguồn vốn lớn, tức thời và có kỳ hạn dài. Bởi lẽ, về mặt quản trị rủi ro không thể dùng toàn bộ khoản huy động USD trong nước có kỳ hạn rất ngắn để cho vay dài hạn.

(ĐTTCO) - Không có gì là nghịch lý khi lãi suất huy động USD 0% lại đi vay nước ngoài lãi suất cao. Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính khi trao đổi với ĐTTC. Theo TS. Hiếu, việc phải huy động USD với lãi suất cao ở nước ngoài do NH cần những nguồn vốn lớn, tức thời và có kỳ hạn dài. Bởi lẽ, về mặt quản trị rủi ro không thể dùng toàn bộ khoản huy động USD trong nước có kỳ hạn rất ngắn để cho vay dài hạn.

PHÓNG VIÊN: - Một NHTM lớn trong nước vừa vay 18 NH quốc tế 200 triệu USD trong bối cảnh lãi suất gửi USD trong nước đã về 0%. Vì sao lại vậy, thưa TS?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trong bối cảnh lãi suất huy động USD trong nước hiện nay 0%, cùng với chính sách ổn định tỷ giá, câu hỏi đặt ra là tại sao các tổ chức kinh tế không đến NH vay USD với lãi suất thấp. Trên thực tế có trường hợp nhiều tổ chức huy động ngoại tệ từ nước ngoài và phải trả lãi suất cao hơn. Thực ra không có nghịch lý ở đây. Việc một NHTM lớn vay hàng trăm triệu USD từ NH nước ngoài cũng là bình thường. Điều này vẫn diễn ra từ trước đến nay chứ không phải vì NH đang cần vốn hay thiếu thanh khoản. Việc vay này thông thường các NH trong nước vay từ tổ hợp những NH nước ngoài. Chẳng hạn với giá trị 200 triệu USD VietinBank vừa ký kết vay không phải là nhỏ, nếu chỉ 1 NH chắc chắn sẽ khó có nguồn vốn lớn mà phải là tổ hợp nhiều NH.

Một câu hỏi khác được nhiều người đặt ra là tại sao phải đi vay nước ngoài, dù huy động USD trong nước đã bằng 0% và tăng trưởng huy động vẫn tốt. Thực tế, để vay 200 triệu USD từ huy động nguồn trong nước không phải dễ. Bởi lẽ, nguồn vốn ngoại tệ trong dân không phải dễ dàng tập hợp nhanh và một lúc được giá trị lớn. Người dân gửi ngoại tệ qua những giao dịch rải rác, không kỳ hạn nên tính ổn định không cao. Do vậy các NH, tổ chức khó vay với giá trị lớn và kỳ hạn dài để cấp vốn cho dự án lâu dài. Ngoài ra, cũng có thể xảy ra trường hợp các NHTM đang thiếu vốn dài hạn nên đi vay. Thực tế vốn ngắn hạn của NH khá dồi dào, nhưng huy động trung, dài hạn lại quá ít, trong khi họ cũng phải tài trợ những dự án bất động sản 10-20 năm, những khoản cho vay rất dài hạn. Do vậy các NH sẽ thiếu hụt nguồn vốn trung và dài hạn và việc vay nước ngoài với thời hạn dài nhằm tìm cách cân đối rủi ro và thanh khoản.

- Thưa TS., chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% trong thời gian qua đã có những tác động tích cực và tiêu cực như thế đến thị trường ngoại tệ?

Việc huy động ngoại tệ từ nước ngoài không chỉ căn cứ vào lãi suất cao hay thấp. Việc vay này với giá trị lớn và kỳ hạn vay vốn dài hạn để cấp vốn cho dự án lâu dài. Điều quan trọng là làm sao để bảo đảm cho an toàn hệ thống NH trong nước, trong đó vấn đề kỳ hạn giữa huy động và cho vay cần được chú trọng đúng mức.

- Việc đưa lãi suất huy động USD về 0% có tác động tích cực là tránh trường hợp người dân rút tiền đồng để mua USD. Hiện nay chênh lệch lãi suất đang rất lớn vì các NH phải trả lãi suất tiền đồng ở mức 6,5-7%/năm. Sự chênh lệch này có tác động ngăn chặn tiền đồng chuyển qua USD. Trong khi đó đã có những dịch chuyển từ USD sang tiền đồng để hưởng lãi suất. Tuy nhiên sự dịch chuyển này không nhiều. Những người nắm giữ USD trong tài khoản NH vẫn còn lớn và không bị ảnh hưởng nhiều vì mức giảm từ 0,25% xuống 0% không phải quá lớn. Hơn nữa, người dân gửi USD không phải để hưởng lãi suất mà để cất giữ tài sản, sử dụng khi cần hoặc bán ra khi USD lên giá. Vì thế, chính sách giảm lãi suất tiết kiệm USD thời gian qua cho thấy kết quả không ảnh hưởng lớn đến sự dịch chuyển đồng tiền này.

- TS. đánh giá như thế nào về mục tiêu chống đô la hóa và chính sách tiền tệ của NHNN?

- Chính sách chống đô la hóa không có nghĩa sẽ đạt đến mức người dân sẽ không gửi ngoại tệ vào các NH, vì hiện tại vẫn cho phép người dân gửi USD và ngoại tệ khác tại NH. Mục tiêu chống đô la hóa ở đây là người dân không còn cảm thấy đô la là nơi trú ẩn an toàn cho tiền đồng. Thực tế hiện nay nhiều người đã có niềm tin vào tiền đồng, nhất là khi lạm phát của Việt Nam những năm gần đây xuống mức rất thấp và tỷ giá cũng khá ổn định. Phải ghi nhận là người dân không còn tâm lý găm giữ đô la như một biện pháp phòng thủ và nếu mục tiêu trước mắt như vậy, chính sách đã thành công.

Đối với chính sách ngoại tệ chung của NHNN nếu nói không thành công có lẽ không hẳn đúng. Vì hiện tại tỷ giá tương đối ổn định kể từ khi NHNN áp dụng tỷ giá trung tâm, tiền đồng cũng tương đối ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên phải nhìn nhận còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Sự ổn định tiền đồng trong lúc này không nhất thiết phải ổn định cho cả năm 2016, khi áp lực từ những ảnh hưởng trên thế giới như việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể tăng lãi suất USD vẫn hiện diện. Do đó, ổn định tỷ giá hiện tại chưa phải là ổn định bền vững, nên chưa thể nói chính sách tiền tệ của NHNN thành công hay không thành công.

- Tín dụng trung, dài hạn tăng 29%, trong khi vốn huy động trung, dài hạn chỉ 10% trong năm 2015. Rủi ro về kỳ hạn của hệ thống tài chính hiện nay như thế nào, thưa TS.?

- Năm 2015, tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng (năm 2014 chiếm 45,4%, năm 2013 là 43,1%). Tín dụng trung, dài hạn tăng trong khi huy động trung, dài hạn thấp hơn. Như vậy rủi ro rất lớn khi dùng quá nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên tới 31,8%, cao hơn nhiều so với mức 20,2% của năm 2014. Có thể đến thời điểm hiện tại tỷ lệ này đã giảm nhẹ so với đầu năm, thế nhưng nếu có dịp nó sẽ bật lên trở lại. Bởi phần lớn vốn huy động của NH là huy động ngắn hạn chiếm đến 80% tổng nguồn vốn huy động. Do đó, dùng quá nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, nếu không cẩn thận sẽ dễ dàng đưa hệ thống tài chính NH vào tình trạng mất thanh khoản. Những rủi ro về kỳ hạn nêu trên cũng giải thích cho thắc mắc tại sao nhiều NH, doanh nghiệp và kể cả Chính phủ phải huy động USD ở nước ngoài với lãi suất cao trong khi lãi suất huy động trong nước lại 0%.

- Xin cảm ơn TS.

Các tin khác