Ông bà ta truyền dạy "nghĩa tử là nghĩa tận". Có thể khi sống có điều không bằng lòng với nhau nhưng khi chết vẫn tha thứ cho nhau. Cái câu "người chết hết chuyện" xem ra vẫn còn chuyện để bàn, vì trên thực tế có không ít điều chưa hay trong nghi lễ tiễn đưa người vừa khuất núi.
*
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành quy định các cơ quan, đoàn thể, cán bộ công chức không mang theo vòng hoa khi đi viếng đám tang nhằm tránh lãng phí. Văn bản có hiệu lực thi hành từ ngày 27-9-2012 nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, nêu rõ: “Tổ chức phúng viếng theo hướng dẫn của gia đình hoặc Ban tổ chức lễ tang (nếu có). Hạn chế viếng vòng hoa và câu đối, bức trướng đắt tiền, mang tính phô trương lãng phí. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và thân nhân của cán bộ công chức, viên chức khi từ trần (ông bà, cha mẹ, anh chị em… của hai bên vợ/chồng), các cơ quan, đoàn thể, cán bộ công chức không mang vòng hoa khi đi viếng đám tang”.
Đồng thời UBND tỉnh Bình Dương cũng nhấn mạnh “hạn chế và tiến tới chấm dứt việc rải vàng mã, tiền vàng mã, cấm rải tiền Việt Nam và tiền nước ngoài trên suốt dọc đường đi đến nơi an táng. Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và những nghi thức rườm rà khác... Đơn giản các nghi thức cúng 3 ngày, 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu (giáp năm), giỗ hết (3 năm) và sử dụng băng, đĩa nhạc thay cho ban nhạc lễ”.
Khi công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, quy định trên của UBND tỉnh Bình Dương đã tạo ra nhiều dư luận khác nhau. Có người hồ hởi đồng tình, mà cũng có người than vãn về sự khắt khe. Tuy nhiên, theo nhiều người đây là văn bản cần thiết để nhắc nhở chúng ta cần có thái độ đúng mực trong việc tang lễ.
**
Trong văn bản của UBND tỉnh Bình Dương, việc cấm cán bộ công chức mang vòng hoa đi viếng đám tang là đáng lưu ý nhất. Thực ra, với một cán bộ hay một nhân viên gắn bó và cống hiến mấy chục năm cho một đơn vị hành chính sự nghiệp, một vòng hoa tiễn đưa họ không có gì quá đáng. Tuy nhiên, điều trớ trêu là nhiều khi cái vòng hoa kia không vì sự thành kính dành cho người vừa mất mà vì sự sĩ diện của người đang sống.
Có nhiều đám tang, người ta khiêng tới hàng trăm cái vòng hoa để xếp đống, xếp chồng lên nhau một cách xô bồ. Giá mỗi cái vòng hoa có rẻ đâu, cả triệu bạc. Thật nguy hiểm, trước đám tang một ai đó nếu cơ quan này đua với cơ quan kia, cá nhân nọ đua với cá nhân khác, những vòng hoa nối đuôi nhau làm tiêu tan của xã hội không biết bao nhiêu tiền.
Vì sĩ diện của người sống, hoa cho đám tang phải hoành tráng, |
Dường như có một tâm lý hơi khó hiểu, đám tang càng nhiều vòng hoa gia chủ càng nở mày nở mặt với thiên hạ. Có gia chủ còn làm thống kê xem bao nhiêu vòng hoa đến viếng bố mình để đem khoa với đồng nghiệp cùng nhiệm sở. Có đám tang hoành tráng tại nhà tang lễ, cái vòng hoa vừa đi vào cửa trước cùng khách viếng thì cũng chính nó sau đó được đi vòng ra cửa sau để... bán lại cho cửa hàng hoa. Thử hỏi, cái cảnh dở mếu dở cười đó sẽ khiến người vừa từ giã nhân gian cảm thấy vui hay buồn?
***
Khoảng 15 năm trước, người dân TPHCM và cả nước đã từng xôn xao khi biết tin về người phụ nữ Việt Nam đầu tiên hiến xác cho khoa học. Đó là chị Trần Hồ Quang Ngọc Cúc, mà nhiều người quen gọi tên thân mật Cúc Phượng. Chị Cúc Phượng là vợ của một nhà báo có mối quan hệ vong niên với tôi. Vì vậy, tôi nhớ rất rõ về sự ra đi của chị. Khi biết mình bị bệnh nan y, chị Cúc Phượng đã đăng ký hiến xác tại Trường Đại học Y Dược TPHCM.
Lúc sắp mất, chị Cúc Phượng dặn dò người thân hãy tổ chức đám tang chị thật đơn giản, người đến viếng nếu có lòng hãy cầm theo một cành hoa nhỏ chứ đừng ai mang đến bất kỳ vòng hoa lớn nào. Vậy mà, cái đám tang không có vòng hoa của chị Cúc Phượng lại gợi lên trong tôi rất nhiều sự tiếc nuối và cảm thương.
Thì ra, đâu phải vòng hoa lớn mới tôn vinh giá trị người vừa mất. Tôi còn nhớ, hầu hết mọi người đến dự đám tang đều xúc động rơi nước mắt khi có người đọc hai câu thơ nói về phẩm cách của chị Cúc Phượng, rằng: "Sợ con ong buồn, không đòi vòng hoa/Sợ đau cánh rừng, không đòi ván gỗ".
Khi cảm tạ khách viếng, bao giờ gia chủ cũng bày tỏ ái ngại "trong lúc tang gia bối rối, nếu có điều gì sơ suất, xin quý vị niệm tình bỏ qua". Thế nhưng, những người đến viếng không thể lấy lý do nào để phân bua cho sự lãng phí. Tiền cá nhân lãng phí đã đáng trách, tiền nhà nước lãng phí còn đáng trách hơn. Càng trân trọng người chết càng phải tiết kiệm cho người sống, vì xã hội chúng ta vẫn còn những mảnh đời bất hạnh đang từng ngày chờ sự cưu mang, chở che và đùm bọc.
****
Có rất nhiều cách bày tỏ sự thành kính với người chết, mà không cần phải có những vòng hoa đắt tiền. Để chứng minh điều này, tôi xin kể câu chuyện về một người hàng xóm của tôi. Ông là một cán bộ về hưu khá lặng lẽ. Hàng ngày ông làm những gì tôi không rõ, nhưng mỗi khi nhà ai trong khu phố có đám tang lập tức thấy ông xuất hiện. Ông chung tay lo toan mọi thứ cho nghi lễ chôn cất người quá cố như chính thân nhân của mình. Nghĩa cử của vị cán bộ hưu trí khiến già trẻ đều cảm phục.
Riêng tôi, có lần chứng kiến thái độ của ông tại một đám tang khiến tôi không thể nào quên. Đám tang mà tôi nói không phải người trong khu phố, mà ở phường bên cạnh. Tất nhiên, vị cán bộ hưu trí không tham gia vào công việc chu toàn tang lễ. Hôm ấy, tôi đến viếng đám tang này, tình cờ trông thấy ông. Có công việc gì đó ngang qua chỗ đám tang, vị cán bộ hưu trí ngừng lại bên kia đường, từ từ lấy cái mũ ra và khẽ cúi đầu về phía linh cữu người chết rồi mới tiếp tục bước đi.
Chứng kiến toàn bộ sự việc kia, mấy ngày sau tôi tò mò hỏi ông hàng xóm kỳ lạ của mình: "Bác có quen người chết không?". Ông nhè nhẹ xua tay. Hồi lâu có vẻ để giải đáp thắc mắc của tôi, vị cán bộ hưu trí nói nho nhỏ: "Người ta tốn cả một cuộc đời để sống, mình tiếc gì một giây phút tiễn đưa!". Ôi, một lời thổ lộ đơn giản mà khiến tôi day dứt. Thì ra, đâu phải vật chất lãng phí hay ngôn từ hoa mỹ mới thể hiện được văn hóa tang lễ một cách lịch sự và văn minh.