Thực ra NHNN đã có những động thái điều chỉnh để đón trước, như từ tháng 5 đã đồng loạt tăng lãi suất cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu, cũng như cho 9 thành viên vay gần 25.000 tỷ đồng trên kênh OMO với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,5%/năm. Cũng trong tháng 5, NHNN đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu 4%/năm, tăng so với 3,9%/năm trong phiên trước đó.
Động thái tăng lãi suất trên thị trường OMO và lãi suất tín phiếu cho thấy, mục tiêu của NHNN là “đẩy” lãi suất ngắn hạn lên. Điều này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD liên tục được các ngân hàng niêm yết sát trần và cao hơn giá bán can thiệp. Song song đó, NHNN cũng bán USD ra như một giải pháp can thiệp tăng nguồn cung USD trên thị trường.
Như vậy có thể thấy, NHNN đang áp dụng song song việc điều chỉnh lãi suất để gia tăng độ hấp dẫn của đồng nội tệ, và bán USD dự trữ để can thiệp. Đây là những bước đi hợp lý, nhưng có giúp giảm áp lực tỷ giá hay không vẫn “khó nói”.
Ngày 27-6, Vietcombank niêm yết giá mua USD ở mức 25.227 đồng/USD, giá bán ở mức 25.477 đồng/USD. Theo đó, giá bán vẫn duy trì xu hướng kịch trần cho phép theo quy định của NHNN vốn đã diễn ra từ ngày 15-4 đến nay. Mức này tăng 4,3% so với cuối năm 2023.
Cùng ngày, tỷ giá trên thị trường tự do sau nhiều ngày dậy sóng đã vượt mốc 26.000 đồng/USD. Cụ thể, giá mua - bán USD chợ đen được niêm yết ở mức 25.950 - 26.030 đồng/USD, tương ứng tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do tăng hơn 5,08% so với cuối năm ngoái.
Năm ngoái vào tháng 11, VNĐ đã mất giá đến 4,4% so với USD, nhưng đến cuối năm chỉ còn mất giá 2,93%. Song đà thuận lợi đó không duy trì được, nửa đầu năm 2024 tỷ giá không ngừng dậy sóng, thời điểm tháng 4 VNĐ đã mất giá gần 5% so với USD, nhưng cho đến nay chỉ còn 4,3%.
Theo lãnh đạo NHNN, việc nhập khẩu tăng trong nửa đầu năm 2024, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt là nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước. Mặt khác, Fed tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VNĐ thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế, khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm.
Điều này đã thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai, chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại. Ngược lại, khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống tổ chức tín dụng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.
Áp lực tỷ giá USD/VNĐ đã trở thành vấn đề thường trực 6 tháng qua. Việc Fed chưa tiến hành hạ lãi suất và mức độ hạ dự kiến thấp hơn nhiều so với dự báo đầu năm, đã khiến áp lực tỷ giá tiếp tục duy trì lâu dài. Áp lực này được dự báo có thể gia tăng thêm trong mùa hè, khi cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cuối năm.
Ngoài ra còn nhiều yếu tố bất lợi khác vẫn đang diễn ra, như hoạt động bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, môi trường lãi suất quốc tế nói chung chưa thể giảm nhanh và mạnh, dẫn đến sự kém hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư gián tiếp của Việt Nam.
Để ứng phó, ngày 19-4, NHNN đã thông báo bán dự trữ ngoại hối giao ngay. Trong bản tin ngày 26-6, khối thị trường tài chính của ACB cho biết, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường gia tăng mạnh vào thời điểm cuối tháng 6, cùng với hiệu ứng tâm lý từ đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới, khiến tỷ giá duy trì đà tăng rõ nét hơn sau khi tương đối ổn định vào 2 tuần trước đó.
NHNN đã cung ứng thêm ra thị trường khoảng gần 600 triệu USD trong ngày 25-6, đưa số lũy kế bán USD tại vùng giá 25.450 đồng/USD tính từ cuối tháng 4 đã đạt khoảng 5,5 tỷ USD.
Mặt khác, trong điều kiện thanh khoản VNĐ của các ngân hàng dồi dào, NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu nhằm điều tiết lượng tiền đồng dư thừa, hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá. Dù từ phiên 21-6, NHNN giảm kỳ hạn tín phiếu từ 28 ngày xuống còn 14 ngày. Song phiên 25-6, lượng tín phiếu trúng thầu tăng vọt lên 25.000 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3-2023, đồng thời lãi suất trúng thầu đối với tín phiếu kỳ hạn 14 ngày cũng được nâng lên 4,3%/năm từ mức 4,25% trong phiên trước đó.
Động thái này diễn ra sau khi lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn dưới 1 tháng giảm mạnh vào trong tuần từ ngày 17 đến 21-6, cụ thể lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần đã lần lượt giảm 0,96%, 0,77% xuống còn 3,46%/năm và 3,72%/năm, được cho là nhằm nâng cao mặt bằng lãi suất VNĐ liên ngân hàng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu.
Tuy nhiên, như đề cập từ đầu, tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt đáng kể, thậm chí giá mua bán USD còn tăng rất mạnh trên thị trường tự do. Tỷ giá chưa hạ nhiệt dù có nhiều nỗ lực, đã có câu hỏi đặt ra rằng, NHNN sẽ bán dự trữ ngoại hối đến mức nào, bởi theo ước tính của nhiều tổ chức, dự trữ ngoại hối chỉ ngấp nghé ngưỡng an toàn (3 tháng nhập khẩu) theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
Mặt khác, hồi tháng 5, giá vàng tăng mạnh khiến tỷ giá trên thị trường tự do dậy sóng. Hiện tại giá vàng đã được bình ổn, nhưng tỷ giá tự do vẫn vọt lên đỉnh mới, cũng là một tín hiệu cho thấy nhu cầu về ngoại tệ trên thị trường đang tăng vọt, nếu vậy đó cũng là thách thức của nhà điều hành.
Lúc này, để giảm sức ép tỷ giá chỉ còn trông chờ vào nhiều yếu tố nội tại lẫn bên ngoài. Cụ thể là kỳ vọng vào đà phục hồi khả quan của xuất khẩu trong nước. Khi đó, nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, ngược lại doanh nghiệp đã tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn thời gian qua sẽ giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai.
Trong môi trường như vậy, cân đối cung-cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn. Còn với bên ngoài, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt vào nửa cuối năm, nếu Fed cắt giảm lãi suất, ngoài ra cũng có thể được hưởng lợi từ sự phục hồi của đồng CNY do nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định rõ ràng hơn. Nhưng đó cũng chỉ mới là kỳ vọng.
Với tình hình kinh tế hiện tại, nhiều dự báo tỷ giá USD/VNĐ có thể duy trì ở mức 25.500 đồng/USD. Xét yếu tố trong nước, thời gian cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ thường rơi vào cuối quý III, đầu quý IV.
Khi đó, NHNN có thể cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Song cũng đã có chuyên gia nhắc nhở, các giải pháp vừa qua là hút thanh khoản hay bán dự trữ ngoại hối sẽ khó đủ để tiếp tục ổn định tỷ giá. 2 giải pháp đó chưa phát huy tác dụng, lãi suất sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát VNĐ.