Nhiều tín hiệu lạc quan
Kết quả sơ bộ về đợt rà soát thuế chống bán phá giá của Mỹ, đã đem lại nhiều triển vọng cho ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam cho năm 2024, khi mức thuế suất giảm 94% so với năm ngoái, giúp sản phẩm cá tra của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Cụ thể, tháng 9-2023, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 19 (POR 19), đối với cá tra phi lê đông lạnh Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong giai đoạn từ 1-8-2021 đến 31-7-2022. Theo đó, hầu hết các DN Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0,14 USD/kg (giảm 94%).
Kết quả cuối cùng sẽ được công bố sau 120 ngày kể từ ngày công bố kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ, tức là vào khoảng cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới.
Ngoài yếu tố thuế, dự kiến trong năm 2024, Fed sẽ có 6 đợt cắt giảm lãi suất để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, buôn bán sôi động trở lại. Trong tháng 12-2023, lạm phát của Mỹ tăng nhẹ hơn kỳ vọng ở mức 3,4% và 0,3% so với tháng trước, tuy nhiên Fed vẫn không có động thái thay đổi kế hoạch của mình.
Yếu tố kế tiếp là chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đang có những diễn biến tích cực, cho thấy tiêu dùng ở quốc gia này đang được cải thiện. Cụ thể, tỷ lệ hàng tồn kho/doanh thu cho mặt hàng thực phẩm của Mỹ vẫn đang trong xu hướng tăng và chưa đạt mức đỉnh kể từ năm 2019, dự báo mặt hàng thực phẩm sẽ vẫn tiếp tục được dự trữ thêm trong năm 2024.
Năm 2024, dù xuất khẩu cá tra sẽ có lượng đơn hàng tăng trở lại, nhưng nguồn cung có thể sẽ thiếu hụt khiến do đó giá nguyên liệu sẽ có thể tăng trở lại, từ đó kéo giảm lợi nhuận của các DN.
Đáng chú ý, cá minh thái của Nga (mặt hàng thay thế cho cá tra ở phương Tây) sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh trong năm 2024, do Mỹ và châu Âu áp dụng biện pháp trừng phạt lên Nga thông qua mức thuế xuất khẩu.
Từ đầu năm 2024, EU tuyên bố áp dụng mức thuế 13,7% cho tất cả các sản phẩm phile cá minh thái từ Nga và từ nước thứ 3 nhưng có nguồn gốc ở Nga. Từ cuối tháng 12-2023, Mỹ bổ sung lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản được chế biến ở quốc gia thứ 3 nhưng có nguồn gốc từ Nga.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung ở Alaska, khi 35% sản lượng hải sản ở đây đều là cá minh thái Nga sơ chế ở Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu cá minh thái khác cũng phải đối diện với mức thuế mới cao hơn so với năm ngoái từ 4-7%.
Bức tranh nhiều gam màu tối
Trên thị trường chứng khoán, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) được xem là DN đầu ngành trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cá tra. Năm 2023, doanh thu thuần của VHC đạt 10.039 tỷ đồng (giảm 24%), trong đó doanh thu mảng chính là cá tra giảm 26%. Doanh thu giảm kéo theo sự tụt giảm thê thảm của lợi nhuận.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của VHC đạt gần 950 tỷ đồng (giảm gần 53%). Theo báo cáo, tỷ trọng doanh thu xuất sang thị trường Mỹ trong năm 2023 giảm 11% về mức 30% trên tổng doanh thu, trong khi tỷ trọng doanh thu xuất sang Trung Quốc và châu Âu đều tăng 2%.
Từ số liệu kể trên, có thể thấy nhu cầu suy yếu ở thị trường Mỹ là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của VHC kém xa so với các năm trước. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của VHC gây thất vọng, ngay cả khi thị trường bước vào mùa cao điểm cuối năm.
Đơn cử là kết quả kinh doanh quý IV-2023, biên lợi nhuận gộp quý IV-2023 của VHC thu hẹp đáng kể 11,1 điểm % do giá bán cá tra bình quân giảm 31%. Việc giá bán cá tra bình quân giảm mạnh dù có sự cải thiện trong sản lượng do lượng tồn kho cao, đã khiến VHC phải bán sản phẩm ở mức giá thấp hơn để thúc đẩy sản lượng bán.
Như vậy, quý IV-2023, đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ. Dù thị trường tiêu thụ chính của VHC là Mỹ đang có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng DN vẫn chưa thể hưởng lợi khi giá bán đang ở mức thấp.
Trong tháng 12-2023, giá bán trung bình sang Mỹ đạt 2,5 USD/kg (giảm 16%) và 2,1 USD/kg, nhưng tiếp tục xu hướng giảm kể từ tháng 8-2022. Theo giới phân tích, trong các chu kỳ trước, giá bán trung bình phải mất từ 1,5-2 năm để chạm đáy và mất khoảng 4 năm để đi hết chu kỳ. Do đó, kỳ vọng giá bán trung bình của cá tra chỉ có thể tăng trở lại sớm nhất là nửa cuối năm 2024 (2 năm từ đỉnh xuống đáy).
Một thách thức mới mà VHC đang đối mặt là việc giá cước vận tải biển tăng, có thể gây áp lực lên xuất khẩu thủy sản trong ngắn hạn. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm 2024, nhiều hãng tàu đã thông báo tăng giá cước đi Mỹ, châu Âu, vốn là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, tiềm ẩn thách thức mới cho các công ty xuất khẩu thủy sản trong năm nay.
Căng thẳng tiếp diễn hoặc leo thang ở khu vực Biển Đỏ, có thể dẫn đến chi phí vận chuyển tăng trong ngắn và trung hạn, có khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty xuất khẩu như VHC.
Nếu DN đầu ngành như VHC gặp khó, thì các DN nhỏ hơn như CTCP Nam Việt (ANV) hay CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI) chịu áp lực gấp bội.
Đơn cử IDI với doanh thu thuần và lợi nhuận gộp năm 2023 đạt lần lượt là 7.221 tỷ đồng (giảm 9%) và 88 tỷ đồng (giảm 84%). Trong đó doanh thu mảng cá tra giảm 19%. Ngoài yếu tố thị trường, kết quả kinh doanh không như kỳ vọng của IDI còn xuất phát từ chi phí tài chính với mức tăng 34%, lên 412 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm tới 362 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, IDI ghi nhận nợ phải trả lên đến 4.841 tỷ đồng. Trong đó nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn chiếm tới 4.090 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với vốn điều lệ của IDI hiện nay là 2.276 tỷ đồng.
Với ANV, doanh thu thuần năm 2023 đạt 4.439 tỷ đồng (giảm 9%). Trong đó doanh thu mảng cá tra giảm 9%, biên lợi nhuận gộp của mảng cá tra giảm đến 29%. Đáng lưu ý là ANV bất ngờ báo lỗ 500 triệu đồng trong quý IV, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 107 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, NAV đạt 4.462 tỷ đồng doanh thu và 42 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 10% và 94% so với năm 2022.
Để giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, ANV đã chủ động “đánh” thị trường nội địa bằng việc hợp tác với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh bán cá tươi cắt khoanh. Tuy nhiên, do đây là sản phẩm chỉ tiêu thụ trong ngày, sẽ giảm giá vào cuối ngày và hủy bỏ khi hết ngày nên biên lợi nhuận thấp.