Vì sao tỷ phú người Úc biết được bí mật tàu ngầm hạt nhân Mỹ?

(ĐTTCO) - Tỷ phú người Australia, Anthony Pratt, đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi báo chí Mỹ cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump tiết lộ bí mật về tàu ngầm hạt nhân của đất nước cho doanh nhân này.
Vì sao tỷ phú người Úc biết được bí mật tàu ngầm hạt nhân Mỹ?

Boxer vĩ đại

Theo báo cáo của ABC News, ông Trump đã chia sẻ những chi tiết nhạy cảm về hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Mỹ (số lượng đầu đạn hạt nhân chúng mang theo và khoảng cách chúng có thể tiếp cận tàu ngầm Nga) với một thành viên trong câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông, người này sau đó đã chia sẻ thông tin nhạy cảm này với 45 người khác. Thành viên câu lạc bộ Mar-a-Lago đó chính là ông trùm sản xuất hộp carton Anthony Pratt, người có mặt trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes trong 10 năm qua.

Trong hồ sơ năm 2015 của Forbes về Anthony Pratt, ông tự xưng mình là “boxer” vĩ đại thứ hai mọi thời đại, chỉ xếp sau võ sĩ quyền Anh huyền thoại Muhammad Ali. Đây là cách chơi chữ của Pratt, vì boxer vừa có nghĩa là võ sĩ quyền Anh, vừa có nghĩa là cái hộp - sản phẩm đặc trưng trong đế chế kinh doanh của ông. Theo Forbes, Pratt là người đàn ông vui tính, với mái tóc màu cam. Từ năm 2015, ông đã là nhà sản xuất hộp carton tái chế lớn nhất nước Mỹ.

Theo đó, Công ty Pratt Industries có trụ sở tại Conyers của ông là một trong những công ty phát triển nhanh nhất trong ngành bao bì carton trị giá 35 tỷ USD của Mỹ, và là nhà sản xuất hộp lớn duy nhất sử dụng 100% giấy tái chế. Bằng cách tận dụng rác giấy của quốc gia - những tờ báo ố vàng và những hộp bánh pizza đầy dầu mỡ - và biến chúng thành bao bì mới, Pratt đã giúp nâng cao khối tài sản cá nhân Forbes ước tính năm 2015 là 3,4 tỷ USD, đồng thời cứu được khoảng 50.000 cây xanh mỗi ngày. Điều đó đặc biệt quan trọng trong thế giới mua sắm trực tuyến ngày nay, nơi mọi thứ đều được đựng trong hộp giấy carton.

Chỉ trong 15 tháng tính đến thời điểm Forbes viết hồ sơ về Pratt, công ty của ông đã đầu tư gần 450 triệu USD vào Mỹ, đáng chú ý nhất là việc xây dựng nhà máy giấy trị giá 260 triệu USD (nhà máy thứ tư của công ty) bên cạnh nhà máy sản xuất hộp có chữ ký của Muhammad Ali ở Valparaiso.

Công ty kiếm được 260 triệu USD ở Ebitda (trên doanh thu 2 tỷ USD), và Pratt cho rằng nó sẽ vượt qua 300 triệu USD khi nhà máy mới tại Chicago, một trong những thị trường hộp lớn nhất ở Mỹ, đi vào hoạt động. Tổng cộng công ty vận hành hơn 130 địa điểm, bao gồm các nhà máy giấy, nhà máy sản xuất hộp và trung tâm phân phối, trên khắp 26 tiểu bang và Mexico, sản xuất hơn 3.000 tấn giấy mỗi ngày. Điều đó đủ để tạo ra 12 triệu chiếc hộp mà không phải chặt cây xanh nào.

Đi trước thời đại

Pratt sinh ra ở Melbourne, Victoria. Cha mẹ ông đều là người nhập cư Do Thái gốc Ba Lan. Ông tốt nghiệp Đại học Monash, Melbourne với bằng Cử nhân Kinh tế năm 1982. Ngay sau khi ra trường, Pratt gia nhập McKinsey & Co, một công ty tư vấn quản lý. Sau đó ông gia nhập Visy và trở thành Phó Chủ tịch Visy Industries năm 1988. 3 năm sau, ông chuyển đến Mỹ để lãnh đạo việc mở rộng công ty tại Mỹ.

Cuộc hành trình của ông chính thức bắt đầu từ đây. Đó là khi ông được cử đến Mỹ, nơi gia đình ông điều hành Visy, công ty sản xuất bao bì tái chế do ông nội ông thành lập năm 1948. Ngày nay Pratt Industries và Visy hoạt động như các công ty chị em, cả 2 đều do Pratt điều hành.

Bằng cách tận dụng giấy đã qua sử dụng để sản xuất hộp giấy carton, Pratt đã cứu được khoảng 50.000 cây xanh mỗi ngày.

Đến nước Mỹ, ông nhanh chóng nhận thấy khoảng trống trên thị trường: Mọi người đang làm giấy từ cây. Tại sao không ai tái chế những thứ được đem đi chôn lấp như Visy đã làm ở Australia?

Ông cho đóng cửa nhà máy Macon, tập trung vào tái chế chất thải do các đối thủ cạnh tranh tạo ra. Không giống các đối thủ của mình, những người vận hành các nhà máy gần nguồn gỗ và sau đó gửi giấy đến các nhà máy gần thành phố, nơi giấy được đóng thành hộp, Pratt đặt nhà máy hoạt động ở gần các thành phố đầy rác thải nên đã cắt giảm đáng kể chi phí vận chuyển.

Pratt cho biết vì ông còn khá mới đối với thị trường Mỹ và xây dựng các nhà máy của riêng mình, thay vì mua lại các nhà máy hiện có, giống như hầu hết đối thủ cạnh tranh, các cơ sở của ông là những cơ sở tiên tiến và hiệu quả nhất trong ngành. Ông xây dựng giá rẻ bằng cách sở hữu công ty xây dựng của riêng mình, một công ty chuyên sản xuất nhà máy với ngân sách tiết kiệm.

Công nghệ mới hơn và quy trình tái chế tương đối đơn giản, cho phép các nhà máy của ông chỉ tuyển dụng 1/4 số nhân viên so với các đối thủ cạnh tranh. Ông nói: “Chúng tôi đang chế tạo tàu con thoi cạnh tranh với những người khác vẫn đang bay bằng Spitfire”.

Tình bạn với ông Trump

Theo Forbes, từ hàng chục năm qua Pratt đã đi lại rất nhiều với ông Trump. Thậm chí, khi ông Trump tranh cử tổng thống năm 2016, Pratt đã chi 75.000USD đặt cược việc bạn mình thắng cử. Và vụ đặt cược này đã giúp ông mang về 350.000USD.

Sau khi ông Trump thắng cử, ông tiếp tục làm hài lòng bạn mình bằng cam kết vào năm 2017, rằng sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào ngành sản xuất của Mỹ trong hơn 10 năm. Điều này đã được ông Trump hoan nghênh nhiệt liệt, vì chủ trương của Tổng thống Trump khi đó là phát triển hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại nước Mỹ và vào nước Mỹ. Năm 2021, Pratt động thổ xây dựng nhà máy sản xuất giấy và hộp trị giá 500 triệu USD ở Kentucky.

Pratt hiện được Forbes định giá có tài sản ước tính khoảng 11,1 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2022, tờ báo The Australian đánh giá tài sản của ông đạt 27,7 tỷ đô la Australia (17,5 tỷ USD). Trước đó, vào tháng 2-2021, Bloomberg News xếp ông đứng thứ 7 trong danh sách những người giàu nhất thế giới kiếm bộn tiền từ các ngành công nghiệp xanh. Họ định giá giá trị cá nhân của ông 12 tỷ USD. Năm 2023, Financial Review đã đánh giá giá trị tài sản ròng của ông 24,30 tỷ đô la Australia (15,36 tỷ USD).

Pratt được biết đến là người ủng hộ cả 2 phe chính trị, cả ở Australia và Mỹ. Cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison đã cùng ông Trump và Pratt tham quan nhà máy giấy của ông vào năm 2020. Pratt cũng có mối quan hệ với Tổng thống Joe Biden, khi đã mời Phó Tổng thống lúc đó đi ăn tối trong chuyến thăm Australia của ông vào năm 2016. Trở lại năm 2013, dưới thời chính quyền Obama, Pratt đã bổ nhiệm một cựu đại sứ Mỹ vào ban cố vấn của ông.

Các tin khác