Vì sao vẫn cần quản 'room' tín dụng?

(ĐTTCO)-Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng từ 60,6% năm 2005 lên mức 106,6% năm 2010 làm gia tăng nợ xấu, an toàn hệ thống bị đe dọa, tạo ra bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế, rủi ro lạm phát...
Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc lớn vào tín dụng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc lớn vào tín dụng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong báo cáo Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH14, Ngân hàng Nhà nước thừa ủy quyền của Chính phủ lý giải việc phải quản lý "van" tín dụng là bởi, trước năm 2011, do đặc thù nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng để cân đối cho các nhu cầu vốn nên tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, và có tốc độ tăng rất nhanh.

Tín dụng đã tăng phi mã như thế nào?

Theo đó, giai đoạn 2007-2010, tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống khoảng 36%/năm (2007: 51,54%; 2008: 23,38%; 2009: 37,53%; 2010: 31,19%).

Tỷ lệ tín dụng/GDP giai đoạn này cũng tăng nhanh, từ mức 60,6% năm 2005 lên mức 106,6% năm 2010.

Kéo theo hệ lụy là cuộc đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến lãi suất cho vay tăng tương ứng và nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, nhiều tổ chức tín dụng có nguy cơ mất thanh khoản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trong giai đoạn 2005-2010, lạm phát có thời điểm cao nhất ở mức 2 con số là 19,89% vào năm 2008 và tiếp tục kéo dài mức lạm phát cao 2 con số cho đến năm 2011. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để kiềm chế lạm phát trong đó có giải pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng tổ chức tín dụng để đảm bảo kiểm soát tiền tệ phù hợp thực tế; nhờ đó từ năm 2012 lạm phát đã giảm xuống mức 1 con số.

Đến nay, đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng để cung ứng cho các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Tỷ lệ tín dụng/GDP liên tục duy trì ở mức cao, có xu hướng gia tăng (cuối năm 2022: 125,34%; 2021: 124,35%).

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế (IMF, WB và Moody’s) cảnh báo việc nới lỏng tín dụng của hệ thống ngân hàng giai đoạn 2007-2010 đã gia tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với ổn định kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát nợ xấu.

Chưa kể, nền kinh tế Việt Nam lại có độ mở lớn, nên tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây thêm ảnh hưởng kéo dài và nghiêm trọng đến nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và đặc biệt là với hệ thống ngân hàng.

"Phanh" để phù hợp với năng lực hấp thụ

Quá trình triển khai biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây. Từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%.

“Đồng thời, biện pháp này đã góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động, giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được thì hệ thống tổ chức tín dụng vẫn còn một số vấn đề như có sự phân hóa giữa các ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng... ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung”, báo cáo nêu.

Hiện nay, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi rủi ro nợ quốc gia vẫn còn lớn đang gây thách thức cho công tác điều hành và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Theo trên, việc dỡ bỏ biện pháp quản lý “room" tín dụng cần được tiếp cận một cách thận trọng, đảm bảo đồng bộ các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng trên cơ sở kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng và xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể: kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất, mức độ tập trung tín dụng, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân..

Ngân hàng Nhà nước nêu rõ định hướng điều hành tín dụng năm 2023, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Các tin khác