Kinh tế số là một trong ba trụ cột của quá trình chuyển đổi số. Trong đó, cốt lõi chính của kinh tế số là sự dịch chuyển của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
70% DNVVN thụ động với thay đổi số hóa của thị trường
Theo khảo sát của Cisco Việt Nam, tại thị trường Việt Nam vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Lý giải sự thụ động với thay đổi của thị trường, nhiều doanh nghiệp nhỏ cho biết, dịch Covid-19 khiến bản thân doanh nghiệp còn phải “vật lộn” để tồn tại, chưa thể đầu tư cho việc số hóa hoạt động của mình dù rất quan tâm đến việc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đó chỉ là nguyên nhân khách quan, trong khi nguyên nhân quan trọng hơn là ý chí chủ quan của lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo bà Định Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA, chuyên triển khai ứng dụng công nghệ số tại doanh nghiệp, trong quá trình triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ cho gần 250.000 doanh nghiệp, rào cản lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi số nằm ở nhận thức, ý chí quyết tâm hành động của các lãnh đạo doanh nghiệp.
“Nếu lãnh đạo quyết tâm vào cuộc, khi gặp khó khăn trong quá trình triển khai ứng dụng số thì sẽ chủ động tháo gỡ khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy nguồn lực có hạn chế nhưng lợi thế là quy mô nhỏ nên khi quyết tâm số hóa vẫn ít yếu tố chi phối, ảnh hưởng hơn doanh nghiệp lớn”, bà Thúy chia sẻ.
Dữ liệu dân cư, đất đai – nguyên liệu cốt lõi của chuyển đổi số
Ngoài ra, một nguyên nhân lớn nữa góp phần kìm hãm tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam là dữ liệu nền tảng quốc gia như dữ liệu dân cư, đất đai còn chưa hoàn thiện.
Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều hành động thúc đẩy chuyển đổi số, song tiến trình này ở Việt Nam mới đạt mức trung bình so với khu vực. Có thể nói, Việt Nam đã có nhận thức và bước đầu bắt nhịp xu hướng số hóa, nhưng tốc độ triển khai lại chậm.
Các doanh nghiệp, một trong những đối tượng chính của chuyển đổi số, không loại trừ ngành nào đều phải tính đến câu chuyện thay đổi phương thức vận hành dựa trên dữ liệu (số hóa). Những doanh nghiệp nào bắt kịp với xu thế này thì những doanh nghiệp đó có thể chuyển đổi nhanh nhất.
Dữ liệu thì hiện nay đang được xem như là nguồn tài nguyên mới - dầu mỏ của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn “dầu mỏ” này nếu biết khai thác thì đó sẽ là nguồn tài nguyên vô tận. Các quốc gia trên thế giới đang tận dụng nguồn tài nguyên mới này. Những quốc gia phát triển kinh tế cao cũng là những quốc gia biết tận dụng mà đi đầu trong câu chuyện là chuyển đổi số.
“Việt Nam cần khai phá dữ liệu, chia sẻ dữ liệu thế nào giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn tài nguyên dữ liệu của xã hội này để thay đổi mô hình kinh doanh sản xuất”, bà Hương nói.
Bà Trần Thị Lan Hương lý giải: “Việt Nam có 2 cơ sở dữ liệu quốc gia cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số là dân cư và đất đai thì còn chưa hoàn thiện. Khi các dữ liệu cốt lõi của quốc gia chưa được cập nhật thì nó cũng hạn chế cho câu chuyện khai phá dữ liệu như thế nào. Đương nhiên, theo đó quá trình chuyển đổi số không thể đạt đúng tốc độ được”.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định 3 trụ cột chính là: Chính phủ số; kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, quá trình xây dựng 3 trụ cột này có sự tương tác, hỗ trợ nhau. Sự thành công của chuyển đổi số phụ thuộc nhiều nhất là nhận thức từ người dân, chủ doanh nghiệp. Do đó, nhận thức phải đi trước một bước.