Phải chuẩn bị nền tảng, sẵn sàng nắm bắt xu hướng
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định như thế nào về xu hướng phát hành đồng CBDC trên thế giới, và Việt Nam nên đi theo hướng nào?
TS. HỒ QUỐC TUẤN: - Trước tiên, chúng ta cần nhìn vào việc vì sao các NHTW phải làm vậy?Thứ nhất, các NHTW thấy được xu hướng tương lai của thế giới là giao dịch không tiền mặt và họ muốn có lựa chọn về đồng tiền kỹ thuật số.
Thứ hai, phát triển CBDC là cách tạo sức ép cũng như tạo ra hệ thống thanh toán với kỳ vọng giảm bớt chi phí tài chính.
Thứ ba, một số nước như Trung Quốc có tham vọng đồng tiền của họ sẽ trở thành đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Nếu đồng Nhân dân tệ hiện nay chưa chiếm được vai trò đó, họ hy vọng việc đi tiên phong trong đồng tiền điện tử sẽ cho họ lợi thế này.
Nhìn vào các lựa chọn đó, Việt Nam cần có đồng CBDC để giải quyết 2 vấn đề là thanh toán không dùng tiền mặt và không muốn phụ thuộc vào bất kỳ nền kinh tế nào. Nếu các nước đã triển khai đồng tiền điện tử, chúng ta hoàn toàn có thể triển khai tiền điện tử của mình và kết nối với họ, thay vì sử dụng đồng tiền của họ.
Việt Nam cần kết nối với các nước ASEAN để có được hệ thống giao dịch các đồng tiền điện tử của các nước ASEAN, thậm chí cần có các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia hệ thống này. Trong mạng lưới chung đó, mỗi quốc gia có đồng CBDC riêng liên kết với nhau. |
Vì vậy, Việt Nam cần kết nối với các nước ASEAN để có được hệ thống giao dịch các đồng tiền điện tử của các nước ASEAN, thậm chí cần có các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia hệ thống này.
Trong mạng lưới chung đó, mỗi quốc gia có đồng CBDC riêng liên kết với nhau. Khi hệ thống này hình thành và hoạt động hiệu quả, đồng CBDC của Trung Quốc không thể chi phối được thị trường khu vực này, buộc phải thương lượng với cả nhóm nước trong mạng lưới đó.
Bằng cách này, chúng ta hy vọng ít bị ảnh hưởng bởi các nước đi đầu trong thanh toán điện tử hiện nay trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Vì một đồng tiền khác đối trọng với một mạng lưới mạnh như vậy sẽ khó hơn. Trung Quốc muốn đối trọng phải lập mạng lưới riêng hoặc phải tham gia mạng lưới này.
Trong trường hợp họ tham gia sẽ chịu giới hạn quyền, vì dù đồng tiền của họ mạnh nhưng cũng chỉ đại diện cho 1 phiếu trong mạng lưới như các nước khác.
Hiện với việc thanh toán điện tử đang rất phổ biến, Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy sử dụng đồng tiền điện tử trong nội địa và sẽ thúc đẩy các đối tác thương mại sử dụng, trong đó có Việt Nam. Nếu chúng ta không phát triển hệ thống này đủ sớm, khiến doanh nghiệp Việt quen sử dụng CBDC của Trung Quốc trong thanh toán, sẽ rất khó thay đổi thói quen này dẫn đến bị chi phối.
Nhưng không thể khoán hết cho NHNN Việt Nam
- Cụ thể Việt Nam nên làm gì lúc này, thưa ông?
- Chúng ta đang có đề án Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM, và CBDC là cấu phần tự nhiên của trung tâm này. Dự án trung tâm tài chính và định hướng đẩy mạnh công nghệ kết hợp với nhau là cái nôi để sử dụng CBDC của Việt Nam. Đồng thời, cần có ban chuyên trách đa ngành nghề, đa lĩnh vực và có nhiều cơ quan quản lý trong đó.
Hiện nay, hầu như việc liên quan đến tiền điện tử đều khoán hết cho NHNN, trong khi vấn đề này không đơn giản nếu nhìn vào cấu trúc của các tổ chức đang làm CBDC. Chẳng hạn ở Anh điều này không chỉ liên quan đến NHTW mà còn nhiều cơ quan khác.
Bởi nếu khi giao cho một cơ quan triển khai, họ chỉ có thể giải quyết các vấn đề nội bộ của họ. Cụ thể, NHNN chỉ quan tâm được vấn đề an ninh tiền tệ. Trong khi đối với việc số hóa chúng ta phải quan tâm hơn nữa vấn đề về an ninh dữ liệu. Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu đều rất quan tâm vấn đề này.
Nếu giao hết tất cả mọi việc cho NHTW, họ không thể có đủ quyền lực để xác định máy chủ (server) đặt ở đâu, ai được áp sát, sử dụng dữ liệu… Như vậy, chúng ta phải thay đổi cách làm ra thể chế luật, cụ thể phải có vai trò của những hiệp hội và luật sư trong việc này.
Cách làm luật của Việt Nam hiện nay là giao cho một cơ quan quản lý đưa ra dự thảo để góp ý. Nên chăng đối với lĩnh vực mới này, các cơ quan chuyên môn làm luật ngồi lại với sở ban ngành và thành lập bộ khung ban đầu, thay vì giao cho NHNN hay Bộ Tài chính ra luật.
Các luật sư thường làm việc và liên hệ với rất nhiều tổ chức có liên quan trong nước và quốc tế, họ sẽ hiểu được vấn đề và có thể so sánh với luật pháp quốc tế để đưa ra các khuôn khổ mới. Nói cách khác, cần hình thành cơ quan chuyên trách, khi có vấn đề mới sẽ đẩy qua bộ phận này. Bộ phận này được dẫn dắt bởi những người hiểu về luật pháp liên quan và có thể tiếp cận rất nhanh về pháp luật quốc tế.
So với việc các bộ ngành lấy lại các bộ luật của nước ngoài điều chỉnh cho Việt Nam, bản thân luật sư chuyên trách biết so sánh luật, cách làm sẽ tốt hơn. Có thể có những phần họ không nắm được, đã có các đại diện của những bộ ngành trong bộ phận chuyên trách hỗ trợ.
CBDC buộc phải chạy song song với NHTM
- Có ý kiến nói cuộc cách mạng tiền tệ lần tiếp theo dường như đang âm thầm xảy ra thông qua việc phát hành đồng CBDC, quan điểm của ông như thế nào?
- Câu này rất khó trả lời chính xác. Vì các dự đoán về thị trường tài chính tương lai của 4-5 năm trước đến nay đều không đúng. Có quan điểm cho rằng CBDC sẽ nóng lên, nhưng cũng có dự đoán CBDC sẽ không đi đến đâu, chỉ là quả bong bóng và rồi sẽ xẹp xuống. Nhưng nếu không làm, khi xu hướng này trở thành chủ đạo, chúng ta sẽ phụ thuộc vào đồng tiền các nước khác, đi ngược quan điểm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa ra là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Như vậy, chúng ta buộc phải nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng. Để nếu CBDC trở thành xu hướng, chúng ta đã sẵn sàng công cụ để phát triển mạnh. Muốn chuẩn bị công cụ sẵn sàng không phải tìm cách bắt lấy xu hướng, mà chuẩn bị sẵn nền tảng khi nào xu hướng đó nóng lên nắm bắt ngay.
Nền tảng đầu tiên là cơ chế chính sách để nếu CBDC phủ sóng, chúng ta có thể triển khai ngay. Thứ hai, đối tượng tham gia trong nền kinh tế và nên hướng đến những công ty công nghệ. Các công ty công nghệ nhảy qua lĩnh vực fintech, phát triển dịch vụ tài chính, cần đẩy nhanh xu thế này, phải cho họ cơ chế để phát triển.
Thứ ba, phải có cơ chế để cung cấp nguồn vốn. Đây là điểm thiếu của Việt Nam. Hiện hầu hết quỹ đầu tư mạo hiểm có yếu tố nước ngoài. Song nếu nhìn vào, vốn dĩ các quỹ đầu tư Singapore lại là quỹ đầu tư của người Việt Nam ở Singapore mở ra và đầu tư vào Việt Nam.
Tại sao chúng ta lại để quỹ đầu tư đó nằm ở Singapore, mà không tạo ra cơ chế để có hệ sinh thái hoàn toàn là các quỹ đầu tư nội địa cùng làm việc để phát triển hệ thống? Những nền tảng như vậy cần sớm thiết lập, tạo ra hệ sinh thái để có xu hướng nào nóng lên chúng ta lập tức nắm bắt, còn nếu không trên nền tảng đó các thành phần trong nền kinh tế vẫn phát triển bình thường.
Trong tương lai, CBDC sẽ chạy song song với đồng tiền truyền thống. Dù có nước muốn dùng CBDC để thay thế NHTM trong nhiều việc, nhưng còn nhiều nghi ngờ về khả năng này. Vì muốn làm như vậy sẽ phải có “đối thủ” làm đối trọng với NHTM để thực hiện dịch vụ, đó là các công ty công nghệ lớn (Bigtech).
Tuy nhiên, bản thân các chính phủ cũng đang lo ngại vai trò Bigtech quá lớn, không thể để các Bigtech lớn lên được bởi vẫn phải giữ hệ thống NHTM.
Tôi cho rằng Trung Quốc hay Việt Nam, NHTW sẽ sử dụng những NH mà nhà nước có thể chi phối được để phát triển đồng CBDC, thay vì để các đối tác mới như Bigtech, fintech thực hiện, vì NHTW khống chế được các NH họ sở hữu. Còn giao cho một tập đoàn công nghệ sẽ khó kiểm soát được dữ liệu, và khi họ lớn mạnh quá mức có thể sẽ hình thành thị trường tài chính riêng với nhiều rủi ro, trong khi nhà nước phải chịu trách nhiệm giải quyết nếu rủi ro xảy ra.
- Xin cảm ơn ông.
Việt Nam cần có đồng CBDC để giải quyết 2 vấn đề là thanh toán không dùng tiền mặt và không muốn phụ thuộc vào bất kỳ nền kinh tế nào. Chúng ta hoàn toàn có thể triển khai tiền điện tử của mình và kết nối với họ, thay vì sử dụng đồng tiền của họ. |