Hàng trăm ngàn tỷ USD nợ toàn cầu
Điều thú vị là thị trường tài chính Mỹ đã chiếm hơn phân nửa số nợ phát hành mới của năm nay, với 9.700 tỷ USD do chính phủ và các công ty niêm yết hoặc hoạt động ở Mỹ phát hành (trong đó có không ít công ty Trung Quốc).
Cộng lại của Mỹ và Trung Quốc chiếm hơn 60% số nợ phát hành mới của năm 2020 trên toàn cầu. Trong đó có những khoản nợ có lợi suất âm, như số trái phiếu 750 triệu EUR Trung Quốc vừa phát hành. Số trái phiếu lợi suất âm đó là một phần trong gói trái phiếu huy động 4 tỷ EUR Trung Quốc phát hành, hầu hết đều có lợi suất âm hoặc thấp hơn 0,7%/năm.
Vì sao lợi suất âm Trung Quốc vẫn bán được trái phiếu? Vì họ có nền kinh tế hồi phục tốt hơn sau dịch Covid-19, và mức lợi suất của nhiều trái phiếu ở châu Âu phổ biến âm 0,5% đến âm gần 1%.
Khi nhà đầu tư mua trái phiếu Trung Quốc lợi suất âm, là dấu hiệu cho thấy các quỹ đầu tư trái phiếu châu Âu đang tìm kiếm cơ hội với những khoản nợ ở châu Á có lãi suất tốt hơn mức lãi suất quá tệ ở châu Âu lúc này. Đây là cơ hội với những nền kinh tế đang cần vốn ở châu Á.
Việt Nam cũng nằm trong số đó, bởi chúng ta đang rất cần tiền để đổi mới nền kinh tế. Vấn đề là hành xử với cơ hội này như thế nào?
Ảnh minh họa.
Xu thế đầu tư số hóa và xanh hóa nền kinh tế
Trên thế giới đang diễn ra 2 dòng xu thế làm mới lại nền kinh tế sau dịch Covid-19, là số hóa và xanh hóa nền kinh tế. Các nước EU vừa thông qua gói kích thích kinh tế 2.200 tỷ USD với kế hoạch chi tiêu trong 7 năm, nhắm vào cung cấp vốn đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế số và thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của EU là Mỹ, Trung Quốc và Anh cũng đang có những tính toán với các gói kích thích để đẩy nhanh xanh hóa và số hóa nền kinh tế. Nói cách khác, đây là xu thế đầu tư không thể đảo ngược của thập niên tới.
Trong bối cảnh đó, nếu không muốn bị tụt hậu, Việt Nam phải tìm cách đổi mới hạ tầng và gia tăng đầu tư vào những lĩnh vực này. Với lợi thế nguồn nhân lực còn ở vào thời điểm cuối cùng thời kỳ dân số vàng, lợi thế về nhân lực công nghệ thông tin, Việt Nam có tiềm năng để bỏ qua vài công đoạn công nghiệp hóa và bắt kịp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp mới lần này. Tuy nhiên, xu thế đầu tư đó đặt ra thử thách: làm sao có tiền đầu tư vào hạ tầng số hóa và đảm bảo Việt Nam sẵn sàng.
Theo báo cáo gần đây của Kearney và EDBIm, nếu như Singapore đang đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) với mức 68USD/người, Việt Nam, Philippines và Indonesia dưới 1USD/người. Người ta nói nhiều về đầu tư vào AI, chuyển đổi số… nhưng vấn đề đầu tiên là “tiền đâu” vẫn chưa rõ ràng.
Chúng ta nghe nhiều về các chính sách, hội thảo về kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng AI, nhưng nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng tiền đầu tư chủ yếu từ một số quỹ nước ngoài hơn là tiền đầu tư từ ngân sách. Những quỹ nước ngoài sẽ chỉ tìm những ứng dụng, công nghệ có thể kiếm tiền, bán được và nhanh chóng thương mại hóa.
Những lĩnh vực cần đầu tư dài hơi hơn họ không làm - nếu không có những chính sách và vốn mồi của chính phủ. Hạ tầng công nghệ, viễn thông, đào tạo nhân lực, xử lý hệ lụy của chuyển đổi số, như tái đào tạo lao động dôi dư, là những lĩnh vực như vậy.
Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước nhu cầu đổi mới cả phần cứng (cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực) và phần mềm (hệ thống thể chế pháp lý, xã hội và tư duy lãnh đạo) để thích ứng với cuộc cách mạng hậu Covid-19 của thế giới.
Cuộc cách mạng này đã bắt đầu từ trước 2020, nhưng Covid-19 đã thúc đẩy nó đi nhanh hơn, với hàng loạt gói kích thích kinh tế và mô hình vận hành kinh tế mới lần lượt ra đời. Việt Nam không thể lỡ chuyến tàu này một lần nữa, hoặc sẽ bị tụt lại phía sau, mất đi khả năng cạnh tranh. Nhưng muốn đổi mới, phải có tiền. Nhân cơ hội lãi vay đang rẻ, vay nợ là cần thiết.
Những câu hỏi với chuyện vay nợ
Những câu hỏi với chuyện vay nợ
Người dân không lo vay nợ về làm tăng gánh nặng trả nợ, nếu những khoản đầu tư đi vào đúng chỗ, làm dân giàu nước mạnh. Vấn đề là làm sao đảm bảo tiền không bị rơi vào tham nhũng, lãng phí. |
Thứ nhất, nên vay nợ bằng đồng tiền nào? Khu vực đồng euro và Nhật Bản đang có lợi suất trái phiếu âm hoặc gần 0%, chúng ta phát hành trái phiếu ở họ sẽ có lãi suất rẻ. Nhưng nếu các đồng tiền này lên giá mạnh so với đồng USD (có thể lên đến 10-20% như dự đoán), liệu lãi suất rẻ có bù lại rủi ro tỷ giá?
Điều này không khó giải quyết, vì chúng ta có thể tham gia các hợp đồng phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Vấn đề là cơ chế nào và cơ quan nào được phép triển khai những nghiệp vụ này cần được quy định rõ ràng để người ta “dám làm”.
Mặt khác, mặt bằng lãi suất thấp trong nước cũng cho phép phát hành thêm các khoản vay nợ bằng nội tệ mà không làm ảnh hưởng đến an toàn nợ nước ngoài, hay rủi ro tỷ giá và sức ép vỡ nợ quốc tế.
Thứ hai, nếu vay thêm nợ phải có cơ chế hợp lý để phân bổ vốn, tránh trường hợp vay nợ về rồi cho vài công ty, tập đoàn của Nhà nước vay lại rồi làm lỗ như trường hợp Vinashin. Bên cạnh đó, chuyện giải ngân vốn phải đơn giản, dễ dàng, không khó như giải ngân tiền hỗ trợ Covid-19 truyền thông đã phản ánh.
Thứ ba, giám sát và chịu trách nhiệm. Người dân sẽ không lo vay nợ về làm tăng gánh nặng trả nợ, nếu những khoản đầu tư đi vào đúng chỗ, làm dân giàu nước mạnh. Và không tổ chức xếp hạng tín nhiệm nào sẽ đánh tụt hạng Việt Nam chỉ vì vay thêm nợ để đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi. Vấn đề là làm sao đảm bảo được tiền không bị rơi vào tham nhũng, lãng phí. Có nghĩa cần những giải pháp cụ thể được luật hóa.