(ĐTTCO) - Bất chấp tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn nhiều bất ổn, Việt Nam vẫn được đánh giá là một nền kinh tế đầy tiềm năng, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Con hổ châu Á
Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người, đã trở thành nước tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới kể từ năm 1990, chỉ sau Trung Quốc. Nếu nước này có thể duy trì mức tăng 7%/năm như trước đây trong thập niên kế tiếp, họ sẽ đi vào quỹ đạo của những con hổ châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan. Đây là thành tựu lớn đối với một đất nước trong những năm 1980 vẫn còn nghèo đói như Ethiopia. The Economist |
Trong một bài viết gần đây, tạp chí kinh tế uy tín The Economist (Anh) có bài viết “Kinh tế Việt Nam - Con hổ khác của châu Á”. Bài viết mở đầu bằng 2 câu hỏi: “Nước nào phát triển nhanh ở châu Á trong 1/4 thế kỷ qua với hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo? Nền kinh tế châu Á nào dù nông thôn chiếm phần lớn nhưng sẽ là động cơ tăng trưởng kế tiếp của châu lục? Nhiều người trả lời Trung Quốc cho câu thứ nhất và Ấn Độ cho câu thứ 2, nhưng câu trả lời đúng cho cả 2 câu là Việt Nam”.
Theo Economist, nguyên nhân quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam thời gian qua là sự cởi mở đối với bên ngoài. Việt Nam có vị trí sát Trung Quốc, nên là nơi thuận lợi để đón những nhà đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Nhiều nước Đông Nam Á cũng có vị trí địa lý thuận lợi như Việt Nam nhưng không làm tốt bằng, bởi lẽ kể từ những năm 1990 Việt Nam đã thực hiện đơn giản hóa luật lệ thương mại, và nay thương mại chiếm tới 150% GDP, cao hơn bất kỳ nước nào có thu nhập tương đồng. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài đã đổ xô đến Việt Nam và đóng góp tới 2/3 xuất khẩu của đất nước.
Hãng Forbes nổi tiếng với những bảng xếp hạng toàn cầu cũng cho rằng Việt Nam là con hổ kế tiếp của châu Á. Trong bài viết xuất bản ngày 7-9-2016, Forbes viết: Việt Nam đang trên đường trở thành con hổ kinh tế kế tiếp của châu Á. Giống như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc trước đây. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đạt mức kỷ lục năm 2015 và tiếp tục tăng trong năm 2016, bất chấp kinh tế toàn cầu đang bất ổn.
Việt Nam đã và đang tham gia rất nhiều thỏa thuận thương mại. Trong đó lớn nhất là TPP với các đối tác lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Giả sử TPP thất bại, Việt Nam cũng có những thỏa thuận lớn với EU và Hàn Quốc đã có hiệu lực từ năm 2015. Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam đang phát triển và Chính phủ cũng không che giấu tham vọng nhắm đến con số 15 triệu lượt khách/năm từ năm 2020. Nhờ du lịch, Việt Nam sẽ thu về được khoảng 20 tỷ USD, tương đương 10% GDP.
Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) ngày 8-9-2016 có bài nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất châu Á. Theo RFI, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng bền vững, đạt hơn 6% mỗi năm kể từ năm 2014 và sẽ được tiếp tục duy trì trong những năm tới. Trong khi đó, mức lạm phát sẽ được kìm hãm dưới ngưỡng 3%, sau nhiều năm tăng vọt. Ngoài ra, các kế hoạch xúc tiến xây dựng hạ tầng cơ sở của Nhà nước cũng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng. Trong vòng 15 năm qua, mức sống của người dân đã tăng một cách rõ rệt và tỷ lệ nghèo giảm từ 58% xuống còn 14%.
Theo RFI, Việt Nam nằm ở một vị trí địa lý chiến lược, có nhiều hải cảng nhờ đường bờ biển dài hơn 3.200 km và nằm trên một trong những trục đường thương mại chính của thế giới. Các lợi thế địa lý này đã tạo điều kiện cho đất nước mở cửa với thương mại quốc tế. Tiềm năng nông nghiệp ở Việt Nam cũng rất lớn. Khí hậu tại Việt Nam rất thuận lợi cho nông nghiệp. Hiện Việt Nam là một trong những nhà sản xuất chủ yếu của thế giới về cà phê (đứng thứ 2), gạo và hải sản...
Quốc gia hạnh phúc
Trong một bài báo vào tháng 7-2016, Forbes dẫn một nghiên cứu của Quỹ Kinh tế mới (NEF) ở Anh, cho biết Việt Nam được đánh giá là quốc gia hạnh phúc thứ 5 thế giới. Chỉ số Hành tinh hạnh phúc (HPI) của NEF xem xét những yếu tố gia tăng hạnh phúc ở 140 nước, như tuổi thọ trung bình, độ hài lòng, bất bình đẳng thu nhập, tác động tới sinh thái...
Việt Nam được đánh giá cao khi có tuổi thọ trung bình đạt 75,5 tuổi, rất khá so với các nước đang phát triển. Những chương trình công cũng là điểm cộng của Việt Nam, chẳng hạn như giáo dục. Giáo dục tiểu học ở Việt Nam đạt 98%, vào loại cao nhất thế giới. Việt Nam cũng đạt thành tựu lớn trong giảm đói nghèo. Trong đầu thập niên 90, hơn 1/2 dân số sống dưới mức đói nghèo, nhưng nay tỷ lệ chỉ còn 1 con số.
Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam có thể làm thay đổi những chỉ số này. Kinh tế phát triển nhanh chóng đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Chính phủ đã đặt những mục tiêu phát triển đầy tham vọng cho thập niên tới. “Dù khoảng cách giàu nghèo đang mở rộng, tỷ lệ trẻ em học trung học ở một số cộng đồng người thiểu số chỉ đạt 13%, nhưng Việt Nam là một câu chuyện kinh tế thành công trong 3 thập niên qua, và nay đang trên con đường trở thành nơi đáng sống trên thế giới” - Forbes kết luận.
Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút du lịch quốc tế |
Hãy đầu tư vào Việt Nam
Đó là lời khuyên của tờ Le Temps (Thụy Sĩ), trong bài viết ngày 7-10-2016 với tựa đề: “Hãy đầu tư vào Việt Nam, vì kinh tế phục hồi và thị trường chứng khoán nhiều tiềm năng”. Theo bài báo, sau sự suy sụp nghiêm trọng cách nay 8 năm, Chính phủ Việt Nam đã phục hồi được nền kinh tế và Việt Nam giờ đây đã đứng vững. Trong giai đoạn từ 2004-2007, giới đầu tư quảng bá Việt Nam như một “xứ thần tiên về tăng trưởng” với dân số trẻ và lương rẻ. Điều này hấp dẫn hơn trong giai đoạn 2007-2009, khi Việt Nam tạo ra được một sự bùng nổ về tăng trưởng ngoạn mục.
Các số liệu kinh tế của Việt Nam đang thu hút sự chú ý nhờ xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh trong vòng 6 năm gần đây, cán cân thu nhập lại thặng dư kể từ 2012. Xu thế này, cùng với nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng trở lại, đã cho phép Chính phủ tăng gấp 5 lần lượng dự trữ ngoại hối trong vòng 6 năm trở lại đây. Tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất một cách đáng kể.
Cùng với đó là các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng, giúp thị trường bất động sản Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng và bước vào giai đoạn tăng vọt thực sự. Sự phục hồi của thị trường bất động sản đã giúp các ngân hàng củng cố nguồn vốn, với sự hỗ trợ của Chính phủ qua việc mua lại các nợ xấu của ngân hàng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phục hồi và bắt đầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế qua việc cấp các khoản tín dụng mới.
Le Temps khẳng định: “Việt Nam đã đứng vững và tận dụng xu hướng toàn cầu hóa. Lợi nhuận của các doanh nghiệp chắc chắn trên mức 2 con số”. Về thị trường chứng khoán, do kinh tế Việt Nam đã hồi phục, lợi nhuận của các doanh nghiệp đang theo xu hướng tăng, và như vậy sự bùng nổ thị trường chứng khoán sẽ không phải chờ lâu. Về đối tượng đầu tư, nên ưu tiên lựa chọn các quỹ đầu tư cổ phiếu tập trung vào các giao dịch huy động vốn ở mức nhỏ và vừa. Do vậy, “hãy mua cổ phiếu trước khi những người còn đang lưỡng lự quyết định đầu tư” có vẻ là một chiến lược hấp dẫn, Le Temps đúc kết.