37 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam hiện nay là một điểm son trên bản đồ đầu tư toàn cầu, là đối tác “cần o bế” của nhiều nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, những cơ hội luôn đi kèm với thách thức. ĐTTC điểm qua những nhận định của truyền thông, nhà quan sát, nhà nghiên cứu nước ngoài về Việt Nam hiện nay.
Nơi Trung Quốc đổ tiền
Trung Quốc từng nổi danh là công xưởng của thế giới, là nơi các công ty, tập đoàn nước ngoài đổ tiền vào. Tuy nhiên, tờ Money Morning - một tạp chí chuyên về cơ hội đầu tư có trụ sở ở Australia - ngày 17-4 có bài viết: Việt Nam - Nền kinh tế nơi Trung Quốc đang đổ tiền. Theo đó, Việt Nam mới là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, kể cả những nhà đầu tư từ Trung Quốc.
Tôi đã đến Việt Nam vào năm ngoái (2011) và nhận thấy rằng Việt Nam đúng là cơ hội của giới đầu tư với các đặc điểm dân số trẻ, có truyền thống hiếu học, cầu tiến và chăm chỉ. Người Việt Nam sẵn sàng làm việc cả ngày, buổi tối về còn đi học thêm các lớp nâng cao. Họ luôn muốn tiến về phía trước. Tôi tin rằng thị trường ở Việt Nam sẽ hồi phục. Từ sau lần tôi đến, thị trường Việt Nam đã tăng 20% và sẽ còn tăng thêm nhiều nữa. Ông KARIM RAHEMTULLA, |
Money Morning cho rằng dù là nơi đầu tư yêu thích của giới đầu tư hơn 1 thập niên qua, nay Trung Quốc đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân lực: “Họ có nhiều công nhân, trong đó có nhiều người tay nghề giỏi, trình độ cao.
Nhưng vấn đề là mức sống ở Trung Quốc ngày càng cao, chi phí sống ngày càng đắt đỏ, khiến sức ép tăng lương ngày càng lớn”. Một điều đáng chú ý, Trung Quốc là một trong số ít nước đang phát triển có chế độ trợ cấp khá ít. Thí dụ, giá xăng ở Trung Quốc đắt hơn ở Hoa Kỳ và đắt hơn nhiều lần so với Ấn Độ.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc từ trước đến nay có hoạt động margin (biên lợi nhuận) cực mỏng. Chính margin mỏng giúp họ có giá thành cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, nhưng cũng khiến đời sống người lao động rất khó khăn, đồng thời lại làm lạm phát gia tăng.
Vì tất cả những lý do này, các doanh nghiệp Trung Quốc đang dần chuyển hoạt động sang Việt Nam. Trong giai đoạn 1991-1999, tổng kim ngạch đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ khoảng 120 triệu USD, nhưng đến năm 2010, con số này bùng nổ hơn 3 tỷ USD. Và nếu tính luôn đặc khu Hồng Công, tổng kim ngạch đầu tư đạt gần 15 tỷ USD.
Tương tự, một tờ báo chuyên về đầu tư khác của Australia - Daily Reckoning - có bài viết cho rằng Trung Quốc cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Trung Quốc. Trong bài viết nhan đề Kinh tế Việt Nam - Cọp con của châu Á (đăng ngày 11-4) có nội dung: “Các nhà đầu tư Trung Quốc không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ tại Việt Nam”.
Việt Nam còn có lợi thế là hàng sản xuất ở trong nước ngày một rẻ hơn, khi tỷ giá VNĐ giảm tới 25% so với USD trong 5 năm qua.
Cần “o bế” Việt Nam
Không chỉ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, mà Hoa Kỳ - nền kinh tế số 1 hành tinh - cũng cần đến Việt Nam. Đó là bài viết trên tờ The Diplomat ngày 12-4 của TS. Michael Auslin với nhan đề: Vì sao Hoa Kỳ cần o bế Việt Nam?
Trong bài viết, TS. Auslin đã lý giải: “Đó là đất nước 87 triệu dân với tuổi trung bình 27 và trên 60 triệu dân trong độ tuổi 15-65. GDP bình quân đầu người theo Ngân hàng Thế giới (WB) đạt 1.224 USD năm 2010, bằng khoảng 1/4 Trung Quốc nhưng đang tăng nhờ tăng trưởng GDP ổn định.
![]() |
Lắp ráp ô tô tại Công ty Mercedes Benz Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG |
Thậm chí Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam”. Ngoài ra, TS. Auslin cho rằng Việt Nam đang có những lợi thế lớn như đường bờ biển dài hơn 3.200km, là một trung tâm logistics chính của châu Á.
Nhìn chung, các lãnh đạo luôn mong muốn giúp đất nước hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới, họ cũng có đầu óc cởi mở về các vấn đề kinh tế, chẳng hạn thừa nhận sự đe dọa từ tình trạng lạm phát cao và sự cấp thiết phải gia tăng chuỗi giá trị toàn cầu.
Tờ China Post (Trung Quốc) cũng nhận định yếu tố con người là một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam. Tờ này dẫn một khảo sát của WB cho thấy đa số người dân Việt Nam có tinh thần cầu tiến và hướng đến nền kinh tế thị trường: “Hầu hết người Việt Nam đều muốn đất nước tiến theo xu hướng kinh tế thị trường”. Việt Nam còn quan trọng với Trung Quốc vì là một trong những “cầu nối” giữa Trung Quốc và thị trường ASEAN.
Trước đó, hãng tin BBC (Anh) cho biết Việt Nam đang là điểm đầu tư hấp dẫn xếp thứ 2 tại Đông Nam Á. BBC dẫn kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh Asean (ABAC) cho biết 50% người trả lời chọn Indonesia là điểm đầu tư số một, tiếp theo là Việt Nam (46%), kế đó là Singapore, Thái Lan và Malaysia trong top 5. Đa số các doanh nhân cho rằng thị trường ASEAN hiện nay hấp dẫn hơn Trung Quốc.
Thị trường nhiều tiềm năng
Một bài viết trên Bloomberg News ngày 23-4 cho biết hiện các quỹ ở Việt Nam đã “đánh bại” Trung Quốc và Ấn Độ trong việc thu hút nhà đầu tư. Theo đó, các quỹ nước ngoài đặt trọng tâm vào Việt Nam đã nhận thêm 91 triệu USD trong 16 tuần qua, các quỹ nhắm vào Thái Lan về nhì với thành tích 15 tuần tăng vốn, Indonesia tăng trong 13 tuần.
Theo Cameron Brandt, Giám đốc nghiên cứu của EPFR, Việt Nam được nhắm đến vì có mức lương chỉ khoảng 1/2 so với Trung Quốc. Chỉ số VN Index của Việt Nam đã tăng 34% kể từ đầu năm, trở thành thị trường biểu hiện tốt thứ 2 thế giới, chỉ sau Venezuela.
Việt Nam là một thị trường mới nổi thích hợp, là thị trường tăng trưởng nhanh thứ 3 ở châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo đó, Trung Quốc và Hồng Công dự báo tăng 8,6% trong năm tới, Ấn Độ tăng 8,5% trong khi Việt Nam sẽ tăng 7,1%. Chúng tôi tin rằng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 5,7%, trùng với dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và HSBC đưa ra trước đó. Dự báo của ERNST & YOUNG |
“Nhiều người tin rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội gia tăng mạnh ngành công nghiệp gia công, theo sau những thay đổi chính sách gần đây ở Trung Quốc” - ông Brandt nói trong một bài phỏng vấn ngày 20-4.
Theo Brandt, Trung Quốc nay chuyển hướng chú trọng hơn đến tiêu thụ nội địa và gần đây nới lỏng hơn đồng NDT. Những động thái của Trung Quốc cho thấy họ sẽ giảm bớt xuất khẩu.
Và điều đó mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Gareth Leather, nhà kinh tế kỳ cựu của Capital Economics (Anh), cũng tin rằng Việt Nam sẽ “hưởng lợi lớn” từ việc chuyển dịch hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
“Dù tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm nay, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng mạnh trong trung hạn” - Leather dự báo trong một phát biểu ngày 28-3.
Tương tự, Giám đốc quỹ và CEO của PXP Vietnam Asset Management, ông Kevin Snowball, nói với tờ Citywire Global đầu tuần trước rằng USD yếu và NDT mạnh sẽ làm lợi cho nền kinh tế Việt Nam: “Nếu NDT tiếp tục giữ giá và chi phí sản xuất ở Trung Quốc vẫn cao gấp 3-4 lần Việt Nam, ngành sản xuất gia công sẽ tiếp tục đổ sang Việt Nam”.
Trong khi đó, Heather Manners, Giám đốc đầu tư và quản lý quỹ của Prusik, tin rằng vào năm 2013 chỉ số HNX Index sẽ tăng gấp đôi so với mức thấp nhất hồi tháng 1. “Tôi mua chứng khoán ở Việt Nam hồi đầu năm và vẫn đang đặt lệnh mua thêm” - Manners nói.
Cần phát triển cân bằng
Dù triển vọng trung hạn khá lạc quan, nhưng giới quan sát cho rằng Việt Nam cần thận trọng trong các chiến lược phát triển. Trong một bài viết trên trang Financial Times (Anh), nhà phân tích Ben Bland tin rằng tăng trưởng GDP chậm lại trong quý I chính là một dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam đang tiến hành những bước đi thận trọng giúp nền kinh tế phát triển cân bằng hơn.
“Chính phủ đã thành công với các biện pháp siết chặt tiền tệ, giúp lạm phát giảm còn 14% trong tháng 3, từ 23% hồi tháng 8-2011” - Bland viết.
Tuy nhiên, ông cảnh báo một sự chậm lại đột ngột, cộng với việc áp trần tín dụng nghiêm ngặt có thể tổn thương đến ngành xây dựng và sản xuất, làm giới đầu tư cảm thấy e dè.
Bland dẫn lời kinh tế gia Johanna Chua của Citigroup ở Hồng Công trong một lưu ý gửi tới khách hàng: “Tình hình khó khăn trong lĩnh vực xây dựng và tăng trưởng chậm sẽ gia tăng các vấn đề chất lượng tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, từ đó gia tăng gánh nặng tái cấp vốn lên chính phủ”.
Bland cũng cảnh báo Việt Nam đang phải đối mặt với những “vấn đề cấu trúc nghiêm trọng”, từ các khoản đầu tư nhà nước không hiệu quả cho đến hệ thống ngân hàng nặng nợ.
Ngoài ra, có những cái “nhất” của Việt Nam khiến chúng ta phải suy nghĩ: giá bất động sản thuộc hàng cao nhất thế giới, gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần các nước đang phát triển; giá xe hơi đắt nhất thế giới, gấp hơn 2 lần so với các nước phát triển và khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực.
Việt Nam là 1 trong 2 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới nhưng gạo Việt Nam lại rẻ nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới; giá bán lẻ sữa ở mức cao nhất thế giới; giá thuốc Tây thuộc hàng đắt nhất thế giới nhưng giá thuốc lá rẻ nhất thế giới. Việt Nam đứng top 10 không khí bẩn nhất thế giới...