Dù phải chịu nhiều đợt “sóng dữ” từ các cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, ngân sách ở Hoa Kỳ và thiên tai ở Nhật Bản, kinh tế Việt Nam trong năm qua vẫn tăng trưởng khá tốt và nhận được nhiều kỳ vọng từ các nhà quan sát nước ngoài.
Top 20 nền kinh tế lớn
Trong số báo ra ngày 26-10, Tổng biên tập tờ The Philippine Star (Philippines), bà Ana Marie Pamintuan bày tỏ sự thán phục với một đất nước từng đánh bại 2 đội quân hùng mạnh nhất hành tinh như Việt Nam. “Nổi lên từ sự hoang tàn của chiến tranh, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP bình quân 8%/năm trong giai đoạn 1990-1997, chống chọi thành công cuộc suy thoái toàn cầu của thế kỷ 21, đạt tăng trưởng 6,8% vào năm ngoái. Không chỉ thịnh vượng, trong vòng 1-2 thập niên nữa sẽ có một Việt Nam hùng mạnh với dân chúng giàu có, xã hội dân chủ và công bằng” - bà Pamintuan tin tưởng.
Để củng cố nhận định của mình, bà Pamintuan dẫn dự báo của Goldman Sachs rằng Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới vào năm 2025; còn dự báo của Price-Waterhousecoopers Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong các nước mới nổi vào năm 2025. Hiện tỷ lệ người cực nghèo (sống dưới 1USD/ngày) ở Việt Nam thấp hơn 2 nền kinh tế số 1 và số 3 châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Việt Nam đang cạnh tranh với Trung Quốc và Thái Lan trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Dù kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, năm 2011 Việt Nam vẫn thu hút hơn 13.000 dự án FDI với vốn đăng ký lên đến 200 tỷ USD.
Công xưởng thế giới
Wall Street Journal (WSJ), tờ báo hàng đầu Hoa Kỳ về kinh tế - tài chính, đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước mới nổi CIVETS (gồm Columbia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi) có nhiều tiềm năng cạnh tranh với nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Chỉ số S&P CIVETS 60 được thiết lập hồi năm 2007 đang có mức tăng điểm vượt trội so với 2 chỉ số của các thị trường mới nổi khác là S&P BRIC 40 và S&P Emerging BMI. Trong các nước CIVETS, WSJ lưu ý Việt Nam có khả năng trở thành một “công xưởng” mới của thế giới, thay cho Trung Quốc.
Nhận định này trùng với dự báo của ngân hàng toàn cầu HSBC. Trong một phúc trình về thương mại toàn cầu hồi tháng 10, HSBC xếp Việt Nam vào trong nhóm 5 nhà sản xuất có vai trò quan trọng nhất với tăng trưởng thương mại toàn cầu cho đến năm 2025, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Ai Cập.
Chỉ số Niềm tin thương mại HSBC (HSBC TCI) cho thấy độ tin cậy xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2011 đứng thứ 7 toàn cầu và thứ 3 ở châu Á. HSBC dự báo kim ngạch thương mại của Việt Nam sẽ tăng 144% vào cuối năm 2025, từ 108,1 tỷ USD lên 282,5 tỷ USD. Hãng tin Bloomberg cho biết sau trận lũ lụt kinh hoàng nhất 70 năm ở Thái Lan, các công ty Nhật Bản dự định sẽ xây dựng nhiều nhà máy ở những nước lân cận như Việt Nam và Indonesia.
Không chỉ được kỳ vọng trong lĩnh vực sản xuất, Việt Nam còn được đánh giá cao trong nỗ lực cải thiện các dịch vụ công. Phúc trình của Hiệp hội Kế toán quản trị công chứng Anh Quốc (CIMA) đã vinh danh Việt Nam như một tấm gương tiêu biểu về cải thiện dịch vụ công. Đánh giá cao Đề án 30 với mục tiêu giảm 30% thủ tục hành chính của Việt Nam, CIMA cho rằng Việt Nam đã tiến tới giai đoạn mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gọi là “giai đoạn quyết định”. CIMA và OECD tin rằng Việt Nam đã xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất cho tất cả các thủ tục hành chính và đánh giá lại tất cả các thủ tục này theo 3 tiêu chí: tính cần thiết, tính hợp pháp và dễ tiếp cận.
Thị trường chứng khoán nhiều cơ hội
Theo nhà phân tích Cris Sholto Heaton viết trên tạp chí Money Week, dù TTCK Việt Nam thời gian qua không được khả quan, nhưng cơ hội cho các nhà đầu tư trong thời gian tới rất lớn. “Có 2 lý do nên đầu tư vào TTCK Việt Nam. Thứ nhất, Chính phủ có thể can thiệp ngay lập tức nếu có vấn đề xảy ra và cải thiện thị trường. Thứ 2, giá cổ phiếu vẫn còn rất rẻ” - Heaton viết. Chỉ số VN Index hiện tương đương 7-9 lần doanh thu dự báo năm 2011 và 6-8 lần doanh thu dự báo năm 2012. Trên thế giới có rất ít thị trường được định giá rẻ như vậy. Chẳng hạn, dù chỉ số S&P 500 của Hoa Kỳ giảm so với đầu năm, nó vẫn cao hơn doanh thu dự báo 12 lần.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nền chính trị-xã hội ổn định vào bậc nhất thế giới. Trong ngắn hạn, giới đầu tư lo ngại nợ xấu ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước sẽ đè nặng lên ngân sách chính phủ. Nhưng Heaton cho rằng Việt Nam không dễ tổn thương. Dù tỷ lệ nợ công trên GDP trên 50% và khoảng 60% là nợ nước ngoài, nhưng đa số là nợ các chính phủ và các định chế quốc tế. Cho đến khi nào chính phủ còn duy trì được những chính sách đáng tin cậy như năm 2011, Việt Nam sẽ tránh được điều xấu nhất.
Seeking Alpha, một trang web chuyên về phân tích tài chính và chứng khoán, trong một bài viết cho biết bất chấp những tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ công ở châu Âu và sự đi xuống của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn là “nơi theo đuổi” của các đại công ty toàn cầu như Unilever NV ADR (UL) và Procter & Gamble (PG). Doanh số của Unilever ở Việt Nam tăng bình quân 18,5%/năm trong suốt 10 năm qua, đạt 700 triệu USD năm 2010. Người tiêu dùng ở Việt Nam cũng đánh thức sự háo hức của những công ty lớn như Diageo ADR (DEO) - công ty đã góp 24% cổ phần vào CTCP Cồn - Rượu Hà Nội (Halico); hoặc công ty KKR đã chi 159 triệu USD để mua 10% cổ phần của CTCP tiêu dùng Masan".
![]() |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm chính thức của lãnh đạo nước ta tại Trung Quốc. |
![]() |
Tại Hội nghị cấp cao APEC 19 ở Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ (ngày 12-11-2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. |
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel ký kết văn kiện hợp tác chiến lược giữa 2 nước. |
![]() |
Ông Jerrzy Buzek, Chủ tịch Nghị viện châu Âu tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. |