Việt Nam phải đua với Indonesia

(ĐTTCO) - Trong khu vực Đông Nam Á, hiện nay Indonesia là một nền kinh tế có độ tranh canh cao với Việt Nam, nhất là trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ngày 9-8 vừa qua, Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đã khai trương một website nhằm đẩy nhanh việc cấp giấy phép đầu tư với mục tiêu không hề giấu giếm là cạnh tranh với Việt Nam và Thái Lan. Liệu chúng ta có chạy đua cùng với Indonesia? 
Indonesia có sự kết nối với thế giới tài chính Hồi giáo, hay còn gọi là hệ thống tài chính sharia.
Indonesia có sự kết nối với thế giới tài chính Hồi giáo, hay còn gọi là hệ thống tài chính sharia.
Bước đi đột phá 
Indonesia đã thông qua một luật rất quan trọng vào ngày 2-11-2020, với tên gọi là Luật số 11/2020 hay “Omnibus Law on Job Creation”. Mặc dù cái tên là tạo việc làm và liên quan đến nhiều ban ngành, nhưng mấu chốt của luật này là mang lại nhiều thay đổi cho môi trường kinh doanh cũng như thu hút đầu tư của đất nước vạn đảo này.
Mục tiêu của luật này là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo thêm việc làm và việc kinh doanh ở Indonesia dễ dàng thuận lợi hơn. Cụ thể, các thủ tục cấp giấy phép sẽ đơn giản hơn rất nhiều, giảm bớt các điều kiện đối với đầu tư nước ngoài, nới lỏng luật lao động theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và các chính sách thuế đối với doanh nghiệp bớt nhiêu khê hơn.
Là nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á với 270 triệu dân và GNI bình quân 3.840USD/người/năm, nền kinh tế Indonesia không chỉ là một thị trường lớn mà còn là một nguồn cung lao động rất dồi dào cho các nhà máy của các nước phát triển muốn tìm nơi có chi phí cạnh tranh.
Cũng như một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác, Indonesia cũng gặp phải vấn đề thủ tục hành chính nhiêu kê, sự quan liêu tham nhũng của công chức viên chức chính phủ, hạ tầng còn yếu kém, và luật lao động được cho là ép doanh nghiệp như vấn đề bồi thường khi sa thải người lao động. Trước khi luật “tạo việc làm” được thông qua, cũng đã có những phản đối nhất định của người lao động.
Việt Nam phải đua với Indonesia ảnh 1
Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thì cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư là một ưu tiên quan trọng của ông Widodo. Và website yêu cầu giấy phép kinh doanh trực tuyến là một minh chứng mới nhất.
Website có tên “Online Single Submission” (www.oss.go.id) là nơi thẩm định các yêu cầu liên quan đến giấy phép đầu tư, nếu dự án trong nhóm rủi ro thấp thì chỉ cần đăng ký, còn nếu trong nhóm rủi ro trung bình chỉ cần các tiêu chuẩn quốc gia. Thẩm quyền của Bộ Đầu tư cũng được tăng lên khi có thể thông qua những yêu cầu đang bị kẹt ở cấp địa phương, mà chủ yếu là do các thủ tục hành chính theo kiểu “hành là chính”.

So kè với nhau
Theo xếp hạng môi trường kinh doanh “Doing Business” năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam ở thứ hạng 70 và Indonesia là 73. Nhìn vào bảng xếp hạng này thấy rõ những điểm yếu của Indonesia là nằm ở giấy phép, thủ tục, hợp đồng lao động. Có lẽ chính vì vậy mà nền kinh tế này đang muốn nỗ lực cải thiện mạnh mẽ ở những điểm nghẽn này.
Việt Nam phải đua với Indonesia ảnh 2
Nhưng Indonesia còn một điểm mạnh mà ít người để ý đến đó là sự kết nối với thế giới tài chính Hồi giáo, hay còn gọi là hệ thống tài chính sharia. Lợi thế này cũng giúp Indonesia đáng kể trong việc thu hút vốn đầu tư, cũng như việc lưu thông của các dòng vốn. Ngoài ra, Indonesia cũng đã và đang gắn kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc về thương mại, thông qua việc giảm dần sử dụng đồng USD trong trao đổi thanh toán giữa hai nước. Một nguồn báo cáo cho rằng hiện nay giá trị ngoại thương của Indonesia có 10% là bằng đồng Nhân dân tệ (RMB)
Trong khi đó nhìn về phía Việt Nam, điểm yếu của Việt Nam lại là những điểm mà Indonesia có sự nổi trội hơn. Việt Nam vẫn còn bị đánh giá thấp trong việc bảo vệ nhà đầu tư nhỏ (thứ hạng 97/190), thủ tục thuế doanh nghiệp (thứ hạng 109/190), và giải quyết phá sản (thứ hạng 122/190). Tuy vậy Việt Nam vẫn có những điểm mạnh ở các nhóm tiêu chí như cấp phép xây dựng, hạ tầng điện, tiếp cận tín dụng và hợp đồng lao động.

Phát huy lợi thế
Khi so với Indonesia, Việt Nam có một số lợi thế so sánh nhất định như cơ sở hạ tầng tốt hơn và dễ đầu tư phát triển hơn, hệ thống chính trị ổn định, mối quan hệ thương mại ngày càng chặt chẽ hơn với EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhìn từ bên ngoài, giới đầu tư nhận định tiềm năng của Việt Nam là nhỉnh hơn Indonesia.
Tuy vậy, với những thay đổi nhanh chóng và quyết liệt của Indonesia trong thời gian gần đây, Việt Nam phải thực sự để ý đến đối thủ cạnh tranh này. Muốn vậy, Việt Nam cần tạo điều kiện để phát triển hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân, chú trọng đến bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thủ thục phá sản doanh nghiệp để thị trường có sự chọn lọc nhanh chóng.
Làn sóng Covid mới đây đã làm thay đổi triển vọng phát triển của nhiều nước trong khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng trong năm 2021. Việt Nam còn đang phải đương đầu với việc phòng chống dịch ở nhiều địa phương. Tuy vậy, nhận thức được tầm quan trọng và sức nóng cạnh tranh thì những cải cách về mặt hành chính cũng như luật pháp vẫn có thể ưu tiên và làm song song với việc chống dịch, phục hồi kinh tế.    

 Theo xếp hạng môi trường kinh doanh “Doing Business” năm 2020 của WB, Việt Nam ở thứ hạng 70 và Indonesia là 73. Nhìn vào bảng xếp hạng thấy rõ những điểm yếu của Indonesia là nằm ở giấy phép, thủ tục, hợp đồng lao động. Tuy vậy Việt Nam vẫn có những điểm mạnh ở các nhóm tiêu chí như cấp phép xây dựng, hạ tầng điện, tiếp cận tín dụng và hợp đồng lao động.

Các tin khác