Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ khủng hoảng kinh tế - tài chính 2008, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với những thành quả ấn tượng cùng triển vọng tốt đẹp đang mở ra.

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ khủng hoảng kinh tế - tài chính 2008, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với những thành quả ấn tượng cùng triển vọng tốt đẹp đang mở ra.

Điểm sáng hiếm hoi

Trong một bản báo cáo công bố vào tháng 11-2015, Ngân hàng ANZ cho rằng kinh tế Việt Nam là ánh sáng hiếm hoi của châu Á. “Trong năm 2016-2017, xét nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại, Hoa Kỳ cũng tăng trưởng chậm hơn so với mong đợi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 quốc gia châu Á hứa hẹn về tăng trưởng, bên cạnh Ấn Độ và Philippines” - ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ, nói. Có được điều này do Việt Nam đã đa dạng hóa các ngành hàng xuất khẩu, trong đó dệt may, dầu thô, thủy hải sản là chủ lực, cùng với các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn và hàm lượng công nghệ cao hơn (điện thoại di động, máy tính…). Trang kinh tế-tài chính Hoa Kỳ CNBC cũng có bài viết nhận định trong khi các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm chạp, kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới ở mức thấp, là tín hiệu tích cực.

Trước đó, hồi tháng 9, báo Anh Financial Times (FT) trích số liệu của bộ phận nghiên cứu Capital Economics, cho thấy từ năm 2010 đến nay Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình. Điều này cho thấy thành công trong việc thu hút đầu tư dựa trên chi phí nhân công rẻ của Việt Nam. “Việt Nam giống trường hợp của Trung Quốc 15-20 năm trước. Điều này tạo sức hút cho các hãng lớn đặt thêm nhà máy tại Việt Nam nhằm tận dụng nguồn lao động rẻ” - FT viết.

Cũng trong tháng 9, trang tin về công nghệ Hoa Kỳ PCMag có bài viết so sánh Việt Nam là thung lũng Silicon của khu vực Đông Nam Á. Theo PCMag, với dân số hơn 93,5 triệu người và độ tuổi trung bình vào khoảng 30,3, nền kinh tế Việt Nam được định hình bởi đội ngũ lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân và sinh viên trẻ tuổi. “Tại các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, các trường đại học đã đào tạo hàng ngàn kỹ sư công nghệ thông tin mỗi năm. Nhiều trong số họ công tác tại các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Cisco, Fujitsu, HP, IBM, Intel, LG, Samsung, Sony hay Toshiba. Một số khác được các quỹ đầu tư mạo hiểm ưu ái tài trợ khởi nghiệp” - PCMag viết.

Nhiều hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế nâng tầm Việt Nam lên khi tham gia TPP.

Nhiều hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế nâng tầm Việt Nam lên khi tham gia TPP.

Ngôi sao thu hút đầu tư

Một bài phân tích hồi tháng 11 của Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Công) dẫn kết quả một cuộc khảo sát của Standard Chartered, cho biết hơn 30% các nhà sản xuất có nhà máy ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) nói Việt Nam là sự lựa chọn ưa thích của họ trong việc di dời. Dickson Ho, chuyên gia kinh tế về châu Á và thị trường mới nổi của Ủy ban Xúc tiến Thương mại Hồng Công, cho biết ngày càng nhiều công ty toàn cầu dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. SCMP cho biết Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư vì những lý do có nền chính trị, xã hội ổn định; đang đẩy mạnh các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; có nguồn nhân lực giá rẻ, trẻ trung và được đào tạo, cùng một thị trường nội địa hơn 90 triệu dân.

 Ngoài ra, việc tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo sức hấp dẫn cho dòng vốn FDI, giúp Việt Nam đạt mức điểm cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi, khi thu hút hơn 100 dự án FDI đầu tư mới trong năm 2014. Triển vọng hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam còn giúp thu hút dòng vốn gián tiếp qua kênh chứng khoán, đặc biệt giá cổ phiếu ở Việt Nam rẻ hơn 18% so với giá cổ phiếu trong khu vực.

Đáng chú ý, trong số báo ngày 10-10, Bloomberg có bài viết cho rằng Indonesia cần học tập kinh tế Việt Nam. Theo Bloomberg, cách đây 20 năm, xuất khẩu nguyên liệu thô, năng lượng, ngũ cốc và kim loại của Việt Nam chiếm khoảng 50% tỷ trọng xuất khẩu. Đến năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm tỷ lệ này xuống 30%. Thay vào đó, Việt Nam thúc đẩy các mặt hàng như thiết bị điện tử, điện thoại, may mặc và giày dép, nhờ đó gia tăng doanh số của ngành sản xuất. Quyết định này của Chính phủ Việt Nam đã được chứng minh là đúng đắn khi kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại làm suy giảm nhu cầu và giá các loại hàng hóa như dầu thô, đồng hay than.

 Triển vọng và thách thức

Vào đầu tháng 12, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6% năm 2016. Cụ thể, ông Sebastian, chuyên gia kinh tế của WB, đánh giá về cơ bản triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực. GDP dự báo sẽ tăng 6,5% trong cả năm 2015 và củng cố trong năm 2016 nhờ cầu trong nước tiếp tục phục hồi nhờ tăng tiêu dùng cá nhân và đầu tư. Trong khi đó, ANZ nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,8% cho năm 2015 và 6,9% cho năm 2016 (dự báo trước đó là 6,5% và 6,5%). GDP năm 2017 của Việt Nam được dự báo có thể tăng ở mức 7%, thậm chí 7,5%, và có thể cao hơn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 1% trong năm 2015. Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vượt 6% trong các năm tiếp theo, mức tăng mạnh nhất tại Đông Nam Á.

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo dự báo thương mại toàn cầu, trong đó đánh giá hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang phát triển bền vững nhờ sự đa dạng về thị trường và sản phẩm, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong dài hạn. Trong báo cáo công bố ngày 9-12, HSBC cho biết Chỉ số tin cậy thương mại (TCS) của Việt Nam tăng lên tới 127 điểm trong nửa sau của năm 2015, cao hơn so với mức 120 điểm của 1 năm trước, đứng gần mức cao nhất kể từ năm 2010. Trong giai đoạn 2016-2020, HSBC dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 11%/năm, đạt 1.437 tỷ USD vào năm 2050, gấp gần 10 lần hiện nay.

Việc Việt Nam tham gia TPP được chú ý. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá trong 12 quốc gia tham gia TPP, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi về kinh tế nhiều nhất. Nhiều mô hình ước tính TPP có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam 37% trong 10 năm tới. Tuy nhiên, Fitch cảnh báo các tác động tích cực từ TPP có thể bị áp chế phần nào bởi thâm hụt tài khóa giãn rộng và nợ công cao. Fitch ước tính thâm hụt ngân sách có thể cán mốc 6,9% trong năm 2015, tăng từ 6,1% trong năm 2014; thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ giảm từ 5% trong 2014 xuống còn 1% trong 2015.

Khu công nghệ cao TPHCM, nơi thu hút nhiều nhà đầu tư tên tuổi toàn cầu.

Khu công nghệ cao TPHCM, nơi thu hút nhiều nhà đầu tư tên tuổi toàn cầu.

Theo FT, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những bất ổn trong quản lý kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng… sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn và Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bánh xe” khủng hoảng như trước đây. Còn theo ANZ, bối cảnh giá dầu và giá hàng hóa tiếp tục giảm có thể gây bất lợi do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu mỏ và một số hàng hóa khác như nông sản, cao su... Đặc biệt, công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn còn yếu kém, cần phải có sự cải thiện mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Việt Nam đang hấp dẫn đối với cả dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lẫn gián tiếp, nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, như giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 22% và cải tổ hệ thống thông tin tín dụng. Giai đoạn 2003-2014 Việt Nam đã thu hút hơn 2.000 dự án FDI, trong đó chủ yếu tập trung các ngành sản xuất có lợi thế về nhân lực và chi phí rẻ như công nghiệp nhẹ, điện tử, sản xuất nông thủy sản xuất khẩu…

Báo Financial Times

Các tin khác