Báo cáo đặc biệt có tựa đề “From Crisis to Endemic: Stumbling or Pressing Ahead?” (Từ khủng hoảng tới bệnh đặc hữu: Lưỡng lự hay tiếp tục tiến về phía trước?) ra ngày 26-10, Viện Nghiên cứu quốc tế Singapore (SIIA) đã nhận định.
Giới chuyên gia tại SIIA đã đánh giá về các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN, hiện chiếm 70% tổng sản phẩm của khối này, gồm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Theo báo cáo này, do ảnh hưởng của đại dịch, hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhất là đối với các tập đoàn sản xuất đồ may mặc và điện tử tại Việt Nam. Dù vậy, ở tầm vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam cho thấy sức bật đáng kể. Thương mại vẫn tăng trưởng mạnh với tổng giá trị thương mại hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có được một phần là nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở các thị trường lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo nhận định, những thách thức và tác động đối với hoạt động của các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trong năm 2021 có thể còn kéo dài. Một số công ty nước ngoài đã và đang tìm kiếm thêm các điểm sản xuất bên ngoài Việt Nam để đáp ứng nhu cầu đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo Việt Nam vẫn có thể thu hút khoảng 30 tỷ USD vốn FDI trong năm nay, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam về dài hạn vẫn có điểm mạnh vượt trội so với các nền kinh tế chủ chốt còn lại của ASEAN ở sự ổn định chính trị. Ngoài ra, sự hấp dẫn của Việt Nam còn đến từ các chính sách riêng của nước này về sản xuất và công nghệ.
Ở cấp độ khu vực, giới chuyên gia SIIA khuyến nghị khi các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN hướng tới việc nối lại hoạt động kinh doanh và du lịch, việc mở cửa trở lại ở cấp độ khu vực sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc khởi động lại kết nối nội khối ASEAN, tạo thuận lợi cho các luồng hàng hóa, dịch vụ và việc đi lại của con người.