Việt Nam: Vẫn là điểm đến đầu tư

(ĐTTCO) - Dù trong năm 2021, Việt Nam đã hứng chịu sự bùng phát nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam.
Quang cảnh nhà máy SamSung tại Việt nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quang cảnh nhà máy SamSung tại Việt nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
Lạc quan môi trường đầu tư
Trong cơn bão đại dịch Covid-19 toàn cầu, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng GDP dương vào năm 2020, ở mức 2,91%, trong khi nhiều quốc gia khác bị suy giảm. Vì vậy, tính đến hết quý I-2021, Việt Nam đã nổi lên là điểm đến đầu tư của 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút 33.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 394 tỷ USD.
Làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát kể từ tháng 4-2021 đã khiến Việt Nam rơi vào khó khăn, với nhiều lệnh khóa cửa được ban hành liên tiếp trên cả nước và các địa phương, nặng nề nhất tại TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Thế nhưng, bất chấp đại dịch các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tháng 9-2021, Japan Times của Nhật Bản đã có bài viết khẳng định Việt Nam là điểm đến FDI phổ biến nhất trong khu vực ASEAN. “Đối với các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản, Việt Nam hiện là điểm đến phổ biến nhất khu vực Đông Nam Á của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đó là do chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng được cải thiện và sự ổn định chính trị” - Japan Times cho biết.
Trong báo cáo ngày 26-10, Viện nghiên cứu quốc tế Singapore (SIIA), cho rằng dù dịch Covid-19 tác động mạnh tới hoạt động sản xuất và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng Việt Nam vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn. Trong báo cáo đặc biệt có tựa đề “From Crisis to Endemic: Stumbling or Pressing Ahead?”, giới chuyên gia tại SIIA cho biết ở tầm vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sức bật đáng kể. Thương mại vẫn tăng trưởng mạnh với tổng giá trị hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Và Việt Nam vẫn có thể thu hút khoảng 30 tỷ USD vốn FDI trong năm 2021, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. 
Tháng 11-2021, tờ The Star của Malaysia cho biết Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư Mỹ. Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam nói các doanh nghiệp FDI vẫn xem Việt Nam là điểm đến lý tưởng trong tương lai. Một khảo sát của AmCham Vietnam cho thấy gần 80% doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung lẫn dài hạn ở Việt Nam. Trong đó gần 30% công ty Mỹ đánh giá rất khả quan về triển vọng trung và dài hạn, đồng thời có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, gần 50% đánh giá khả quan, dự định ở lại hoặc có thể đầu tư thêm.

5 lý do để đến Việt Nam
Rikvin, một công ty hỗ trợ đầu tư của Singapore, nêu 5 lý do nổi bật để nhà đầu tư nên chọn Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước như Hàn Quốc (2015), Nhật Bản (2009), Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand, Úc và Nga. Các FTA đáng chú ý gần đây là EVFTA, FTA ASEAN-Hồng Kông, Trung Quốc (AHKFTA), CPTPP… “Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh thông qua các FTA” - Rikvin viết. 
Thứ hai, Việt Nam ngày càng có nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư. Theo báo cáo của WB, Việt Nam xếp hạng 70/190 nền kinh tế, với số điểm 69,8 về mức độ dễ dàng kinh doanh vào năm 2021. “Việt Nam không yêu cầu mức góp vốn tối thiểu trong hầu hết lĩnh vực kinh doanh. Điều này dẫn đến các rào cản gia nhập thấp hơn và các khoản đầu tư linh hoạt, hiệu quả” - Rikvin viết.
Thứ ba, có nhiều ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Bắt đầu từ tháng 1-2021, có nhiều ngành hoặc lĩnh vực được ưu đãi thuế theo quy định của Luật Đầu tư 2020, chẳng hạn như giáo dục đại học, sản xuất trang thiết bị y tế, sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp trong các lĩnh vực nói trên có thể được giảm thuế suất.
 Thứ tư, dân số trẻ là chi phí lao động cạnh tranh. Hiện Việt Nam có dân số hơn 97 triệu người. Dân số đông đồng nghĩa với sức mua mạnh mẽ, khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tuyệt vời cho các doanh nghiệp để sinh lời, đặc biệt là khi tầng lớp trung lưu cũng đang gia tăng. 
Thứ năm, cơ sở hạ tầng như sân bay, bến cảng, đường cao tốc… đang được nâng cấp trên diện rộng. Hiện tại, Việt Nam có các sân bay quốc tế như Tân Sơn Nhất ở TPHCM, Nội Bài ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh. Về cảng, một số cảng nổi tiếng và sầm uất như cảng Sài Gòn, Lạch Huyện và Vũng Tàu. Ngoài ra, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng đang được triển khai, như cầu Mỹ Thủy 3 dài 124m ở TPHCM, đường cao tốc Bắc Nam… 
 Trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, nhiều ý kiến lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời khỏi Việt Nam, nhưng việc các tập đoàn đa quốc gia quyết định mở rộng đầu tư, là minh chứng sống động cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn.

Các tin khác