Tranh cãi trách nhiệm
Vụ việc mất 170 tỷ đồng tại VietABank dù đã được khởi tố, nhưng bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường (ngụ phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vừa có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan báo chí.
Trong đơn, bà Trinh và ông Cường cho biết có gửi 6 cuốn sổ tiết kiệm có kỳ hạn theo 6 hợp đồng với tổng số tiền 170 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank. 2 khách hàng này đã cung cấp các bản sao hợp đồng tiền gửi, trong đó có nhiều hợp đồng đứng tên đồng sở hữu với bà Nguyễn Thị Hà Thành (đã bị Công an Hà Nội bắt giữ).
Hiện có nhiều cách thức giao dịch tiền gửi NHNN không cấm, nhưng các NHTM nên rà soát lại xem chặt chẽ chưa. Chẳng hạn NHNN dù đã có dự thảo các giao dịch phải được thực hiện tại quầy của các TCTD, không giao dịch tại tư gia, nhưng dự thảo này chưa được ban hành. Tuy nhiên, NH phải xem xét việc đó có tạo ra sơ hở cho kẻ gian lợi dụng hay không, có nên duy trì hay không. Ngoài ra, siết chặt kiểm toán nội bộ về các quy trình nghiệp vụ và kiểm soát hoạt động kho quỹ để bịt những sơ hở để cán bộ NH không thể lợi dụng ngăn chặn sai phạm đến từ cán bộ NH là cần thiết. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH |
Lý do mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu vì bà Thành giới thiệu mình là khách hàng VIP của VietABank, nên được các ưu đãi chi trả lãi suất thực tế cao hơn lãi suất danh nghĩa trên hợp đồng. Tất cả đều có chữ ký của giám đốc VietABank Chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch Đông Đô ký và có đóng dấu đỏ của NH này.
Đến ngày 8-12-2018, các khách hàng này đến Phòng giao dịch Đông Đô để rút tiền thì nhận được thông báo số tiền gửi đã được rút, trong khi bản thân chưa tất toán sổ, chưa rút tiền và không ủy quyền cho ai. Trong đơn tố cáo, khách hàng cho biết thông qua cán bộ VietABank có tên là Nguyễn Thanh Tùng, nên được biết số tiền gửi đã bị giả mạo chữ ký để chiếm đoạt.
Trong khi đó, VietABank cũng đưa ra thông cáo báo chí, cho biết giữa năm 2018 nhóm khách hàng này bắt đầu giao dịch tại NH, mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu. Ngay sau đó, các khách hàng này thực hiện vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên (trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay 95-98,5% giá trị sổ).
Việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng. Với cách gửi rồi vay, doanh số giao dịch mở sổ tiết kiệm lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng số tiền thực tế gửi tại NH còn lại rất ít; đồng thời chuyển tiền qua lại lẫn nhau trong đó có chuyển và nhận tiền với Nguyễn Thị Hà Thành trên hệ thống VietABank, tại các chi nhánh khác nhau.
Ông Cường, bà Trinh yêu cầu NH trả 170 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm nhưng không xuất trình được sổ tiết kiệm hoặc các chứng từ chứng minh việc nộp tiền vào NH. Các khách hàng này chỉ đưa ra giấy tờ ghi hợp đồng tiền gửi, trong khi theo quy định, khách hàng cá nhân chỉ được NH phát hành sổ tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi.
Khách hàng giao dịch tại PGD Đông Đô, VietABank.
Đáng chú ý, vài ngày qua có thêm 2 trường hợp mất tiền gửi tiết kiệm với hình thức tương tự tại VietABank. Theo phản ánh trên báo chí, bà P.T.T (Hà Nội) cho biết được tư vấn đứng tên đồng sở hữu gửi 100 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank.
Đến ngày 27-12-2018, các khoản tiền gửi đã quá hạn, bà T. đến NH rút tiền nhưng không rút được, do NH thông báo toàn bộ số tiền gửi trên đã được chuyển sang tiết kiệm làm tài sản đảm bảo để vay với số tiền tương đương và được NH tất toán, trong khi bà T. hoàn toàn không biết việc này.
Trường hợp thứ 2 là ông Nguyễn Giang H. (Hà Nội) cũng gửi tiền tại Phòng Giao dịch Đông Đô của VietABank chi nhánh Hà Nội vào tháng 3-2018 số tiền 10 tỷ đồng, được nhân viên NH tư vấn làm hợp đồng đứng tên đồng sở hữu với bà Nguyễn Thị Hà Thành để được lãi suất tiền gửi cao hơn.
Ngày 7-9-2018, ông rút tiền lãi sau khi đến hạn được hơn 300 triệu đồng và gia hạn gửi thêm 6 tháng, nhưng khi vụ việc “bốc hơi” tiền xảy ra, khách hàng đến VietABank làm việc nhận được câu trả lời đợi công an điều tra kết luận.
Cần làm rõ nhiều vấn đề
Cần làm rõ nhiều vấn đề
Về vụ việc mất 170 tỷ đồng tại VietABank, NHNN cho biết đã có văn bản gửi Bộ Công an để điều tra và sẽ có kết luận chính thức. Khi đó trách nhiệm của NH, đối tượng liên quan đến đâu, như thế nào sẽ xử theo quy định của pháp luật. Dù việc đúng sai cần phải chờ kết luận của cơ quan điều tra và xét xử tòa án, song theo nhiều chuyên gia tài chính cần phải làm rõ một số điểm trong vụ việc.
Bởi hiện nay, việc nhân viên NH tìm những lỗ hổng trong quy trình thực hiện nghiệp vụ của NH và đã tận dụng những kẽ hở đó để gian lận, lừa đảo đã xuất hiện tại nhiều NH.
Thông thường, những món tiết kiệm của khách hàng cá nhân chỉ có sổ tiết kiệm, không có hợp đồng tiền gửi, chỉ doanh nghiệp mới được cung cấp hợp đồng tiền gửi. Cần phải làm rõ hợp đồng tiền gửi có ký tên, đóng dấu xuất phát từ đâu, cũng như các vấn đề khác có liên quan để xác định trách nhiệm của các bên.
Vì nếu tồn tại một tài khoản đồng sở hữu, bất cứ giao dịch nào liên quan đến tài khoản đó cũng phải có chữ ký của 2 người. Nếu dùng tài khoản sở hữu chung để cầm cố vay vốn, hợp đồng thế chấp cầm cố đó cũng phải có 2 người ký mới có hiệu lực. Trường hợp nếu xác định chi nhánh của NH thực hiện sai quy định nội bộ trong vụ việc này, trách nhiệm sẽ thuộc về NH đó.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc quản lý kho quỹ của các NHTM có phần lơi là, kiểm toán nội bộ về các quy trình nghiệp vụ chưa thật chặt chẽ, là lý do dẫn đến nhiều gian lận trong gửi tiết kiệm. Dù NHNN quy định nghiêm ngặt về quản lý kho quỹ như mở kho phải có 3 người, nhưng tại các chi nhánh vẫn xảy ra trường hợp giám đốc chi nhánh đi vắng, nhân viên tự ý làm.
Bên cạnh đó, người gửi tiền đừng vì ham lãi suất cao mà quên những thủ tục sở hữu sổ tiết kiệm hợp pháp. Bởi hiện nay việc làm giả hợp đồng tiền gửi hay sổ tiết kiệm không phải là chuyện khó, người ngoài có thể tự làm giả hoặc mua chuộc, cấu kết với cán bộ nhân viên NH lấy mẫu đem ra ngoài sử dụng. Những giấy tờ không hợp lệ hay sổ tiết kiệm giả sẽ không thể giao dịch để rút tiền, gia hạn sổ hay thế chấp.
Ngược lại, các NH cũng phải rà soát lại quy trình của mình thật sự chặt chẽ chưa hay còn có lỗ hổng, phải đào tạo cán bộ để họ hiểu quy trình và tuân thủ quy trình và phải có giám sát kiểm soát các giao dịch có đúng quy trình nội bộ hay không. Đó là những bước NH phải làm để giảm thiểu rủi ro. Song song đó, các NH cần thông tin rộng rãi cho khách hàng biết về quy trình thủ tục và giấy tờ hợp pháp khi mở sổ tiết kiệm, hay hợp đồng tiền gửi có hiệu lực để rút tiền, tránh rủi ro.