Là một trong những ngành chịu sức ép mạnh nhất khi thị trường BĐS đóng băng, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) đang đứng trước cơ hội khởi sắc khi BĐS bắt đầu có những tiến triển khả quan.
Xuất khẩu tăng, tiêu thụ trong nước thấp
Sau 2 năm ế ẩm, tiêu thụ VLXD đã có phần ấm lên vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, tình hình xuất khẩu của ngành đã có những thông số đầy khả quan. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 11 tháng của năm 2013, toàn ngành xi măng tiêu thụ được 55,2 triệu tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Trong đó, xi măng xuất khẩu được gần 12,5 triệu tấn, tăng 63% so với cùng kỳ, đi các thị trường khu vực Đông Nam Á, Trung Đông...
Doanh nghiệp VLXD bị thua lỗ là chuyện không ngạc nhiên. Đây cũng là cuộc thanh lọc cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp VLXD cần sự hỗ trợ từ Chính phủ như yêu cầu các công trình có vốn nhà nước, nhà ở xã hội phải sử dụng VLXD trong nước sản xuất, có hàng rào kỹ thuật để chống VLXD nhập ngoại kém chất lượng… TS. Trần Văn Huynh, |
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê 11 tháng năm 2013, cả nước xuất khẩu được 2 triệu tấn sắt thép, tăng 17% so với cùng kỳ với tổng giá trị 1,61 tỷ USD. Một số mặt hàng khác như gạch ốp lát và sứ vệ sinh cũng có tỷ lệ xuất khẩu rất khả quan.
Trong khi đó, tình hình tiêu thụ trong nước của ngành VLXD vẫn chưa cho thấy những diễn biến lạc quan hơn so với trước. Theo Bộ Công Thương, thông thường nhu cầu tiêu thụ thép tăng trong mùa xây dựng cuối năm do thời tiết khô ráo, nhưng hiện nay nguồn cung đang vượt xa cầu nên giá thép giảm nhẹ.
Còn với ngành xi măng, mặc dù tăng trưởng hơn so với năm ngoái nhưng tỷ lệ xuất khẩu tăng đến 63%, cho thấy thị trường trong nước vẫn vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp VLXD đang vấp phải tình cảnh “nhịn miệng đãi khách” khi sản lượng sản xuất dư thừa phải tìm hướng đi xuất khẩu nhưng lại bị cạnh tranh quyết liệt bởi vật liệu nhập ngoại giá rẻ.
Cụ thể, thép xây dựng đang gặp phải tình cảnh nguy khốn bởi sự cạnh tranh của thép giá rẻ từ Trung Quốc. Ngoài ra, trên các lĩnh vực khác như gạch ốp lát, sứ vệ sinh, gạch trang trí, hàng Trung Quốc cũng tràn ngập các cửa hàng VLXD. Tình cảnh này khiến dù lượng VLXD xuất khẩu có tiến triển đáng kể, khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành vẫn chất chồng. Chưa kể sản phẩm vật liệu xuất khẩu chưa đa dạng và phần lớn đều qua trung gian nên phải gánh thêm khoản chi phí môi giới, làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh so với các nước khác.
Kỳ vọng BĐS ấm lên
Thực tế cũng cho thấy, dù sản lượng tiêu thụ chưa được như ý và đường đi của các doanh nghiệp vẫn còn rất gập ghềnh nhưng đã có những dấu hiệu khả quan. Cũng giống như thị trường BĐS, thị trường VLXD đang có một cuộc tái cấu trúc, thanh lọc để tìm ra hướng đi mới.
Đã có hàng loạt thương vụ mua bán diễn ra trên thị trường như Viettel mua lại 70% vốn cổ phần của Xi măng Cẩm Phả từ Tổng công ty Vinaconex; Semen Gresik mua 70% cổ phần Xi măng Thăng Long; The Vissai mua lại Xi măng Đồng Bành, Đô Lương…
![]() |
Các DN sản xuất thép kỳ vọng vào thị trường BĐS ấm lên. |
Nhiều nhà máy sản xuất thép không chịu được khó khăn cũng bắt buộc đóng cửa. Nhiều chuyên gia VLXD đã nhận định, trong bối cảnh hiện nay, những nhà máy không chịu khó đầu tư kỹ thuật hiện đại để tiết giảm nhân công, chi phí, vật liệu chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phá sản và đó cũng là quy luật tất yếu của thị trường.
Bên cạnh đó, với mối tác động tương hỗ, thị trường VLXD sẽ đón nhận những tác động có lợi từ thị trường BĐS đang ấm trở lại. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp thị trường VLXD tạo nên sức bật trong thời gian tới. Những dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp liên tục được khởi công, các dự án nhà ở thương mại cũng được xây dựng và hoàn thiện… sẽ giúp khơi thông sức mua trong nước.
Bên cạnh đó, xu hướng chọn mua các sản phẩm VLXD có chất lượng cao cho ngôi nhà của mình của người dân cũng đang giúp nhiều doanh nghiệp trong nước mở ra được hướng đi mới, có thể thắng các loại VLXD giá rẻ nhập ngoại. Và như thế, trong tháng cuối cùng của năm 2013 cũng như triển vọng năm 2014, cùng với sự ấm dần của thị trường BĐS, thị trường VLXD sẽ “dễ thở” hơn, nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội vượt thoát khó khăn sau 2 năm dài thị trường trầm lắng.