Vốn đầu tư tài chính: Khoảng trống pháp lý, giám sát

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý; sở hữu chéo không minh bạch nhưng thiếu chế tài (ĐTTC đã có bài phản ánh trên số báo ra ngày 10-9); đầu tư tài chính còn nhập nhằng trong các luật, thực ra đã xuất hiện vài năm gần đây. Việc ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố bắt tạm giam với hành vi “kinh doanh trái phép” từ 3 công ty do ông thành lập chỈ LÀ “giọt nước tràn ly”.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý; sở hữu chéo không minh bạch nhưng thiếu chế tài (ĐTTC đã có bài phản ánh trên số báo ra ngày 10-9); đầu tư tài chính còn nhập nhằng trong các luật, thực ra đã xuất hiện vài năm gần đây. Việc ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố bắt tạm giam với hành vi “kinh doanh trái phép” từ 3 công ty do ông thành lập chỈ LÀ “giọt nước tràn ly”.

Lỏng lẻo giám sát phát hành TPDN

Doanh nghiệp (DN) phát hành TPDN không nằm ngoài mục đích huy động nguồn vốn để đầu tư một dự án đã được thẩm định hiệu quả nhưng thiếu vốn đầu tư lại không thể vay ngân hàng. Theo Nghị định mới nhất của Chính phủ (số 90/2011/NĐ-CP) ngày 14-10-2011 về phát hành TPDN, Điều 13 đã quy định rất rõ: “DN có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm; có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước; được hội đồng quản trị và hội đồng thành viên thông qua; phương án phát hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…”.

Theo quy định ở Nghị định 58, DN khi phát hành TPDN phải báo cáo việc sử dụng vốn với UBCKNN, không phân biệt công ty đại chúng hay không đại chúng, hành vi phát hành ra công chúng hay phát hành riêng lẻ. Riêng với hướng dẫn cho Nghị định 90 về phát hành TPDN phải báo cáo Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hiện Vụ Tài chính các ngân hàng và các Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đang xây dựng thông tư hướng dẫn cho Nghị định 90.

Ông BÙI HOÀNG HẢI,
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Phát hành chứng khoán (UBCKNN)

Luật quy định rõ là vậy, nhưng thông tư hướng dẫn trách nhiệm cơ quan giám sát là ai gần như buông lỏng. Bằng chứng là dù nghị định ra đời gần 1 năm, nhưng ĐTTC tìm mãi vẫn không thể dò ra được thông tư hướng dẫn, chỉ duy nhất trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính có Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 90, nhưng chỉ là dự thảo.

Theo đó, đơn vị phát hành TPDN phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nhưng không nói là cơ quan nào); cơ quan có ý kiến về việc phát hành là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN - đối với công ty đại chúng).

Tìm trong Luật Chứng khoán cũng thấy những điểm chung chung về điều kiện chào bán trái phiếu: “DN  có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng trở lên; có phương án phát hành, phương án sử dụng vốn và trả nợ được hội đồng quản trị hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; cam kết nghĩa vụ với tổ chức phát hành và nhà đầu tư…”.

Theo TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, DN phát hành TPDN tạo ra hồ sơ, đưa ra dự án A, B, C trên giấy, cơ quan giám sát không tìm hiểu thực tế, chỉ cần đúng thủ tục và có đơn vị bảo lãnh phát hành là cấp phép.

Theo đó cơ quan giám sát này sẽ thẩm tra trên các hồ sơ và ban hành văn bản đưa ra điều kiện DN đạt được vốn chủ sở hữu bao nhiêu, có được lợi nhuận thối thiểu trong vòng mấy năm, sẽ được phát hành bao nhiêu khối lượng TPDN, kèm theo đó là hàng loạt các điều kiện phát hành trái phiếu.

Điều này cho thấy đơn vị muốn phát hành TPDN nếu đã “móc” được đầu ra xem như đã thành công, thủ tục để được phát hành là “chuyện nhỏ”. Khi phát hành xong cũng không thấy cơ quan nào có trách nhiệm giám sát tình hình sử dụng dòng vốn này. Chính sự giám sát lỏng lẻo này đã tạo ra kẽ hở, đơn vị phát hành thay vì đầu tư vốn huy động TPDN vào dự án như cam kết, đã sử dụng vốn vào việc khác.

Vấn đề được đặt ra là vì sao đơn vị huy động vốn bằng việc phát hành TPDN không đầu tư đúng mục đích, nhưng đơn vị bảo lãnh phát hành hoặc mua TPDN quá dễ dàng? Ở đây có phần liên quan đến việc sở hữu chéo, tức đơn vị phát hành TPDN cũng là cổ đông lớn của tổ chức bảo lãnh phát hành, hoặc “móc” được tổ chức nào đó mua nên dễ dàng thực hiện hành vi này, mà trường hợp 3 công ty của ông Kiên là minh chứng.

Theo công bố ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an, 3 công ty này (CTCP Đầu tư ACB Hà Nội, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng; CTCP Đầu tư thương mại B&B, có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng) ông Nguyễn Đức Kiên đều có vốn chiếm tỷ lệ lớn. Sau khi xây dựng hình ảnh uy tín của các công ty này, năm 2008 và 2010 ông Kiên cho phát hành TPDN, sau đó bán cho ngân hàng thu về hàng trăm tỷ đồng.

Số tiền này thay vì đầu tư vào dự án huy động trái phiếu, ông Kiên sử dụng vào các hoạt động như giao cho người thân đứng tên mua cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác. Khi có cổ phiếu các ngân hàng này, ông Kiên tiếp tục cho người thân đem thế chấp ở ngân hàng mà trước đó mua trái phiếu để vay tiền, số tiền này được ông Kiên đem hoàn trả lại cho ngân hàng mà ông bán trái phiếu và sử dụng vào mục đích khác.

Nhập nhằng lĩnh vực đầu tư tài chính

Không bàn đến việc lợi dụng kẽ hở trong giám sát dòng vốn nên ông Kiên dễ dàng huy động vốn từ phát hành TPDN, mấu chốt vấn đề là 3 công ty của ông Kiên “kinh doanh trái phép”, tức đem vốn đi đầu tư tài chính trong khi 3 công ty này không có chức năng. Theo tìm hiểu của ĐTTC, Điều 29 của Luật Đầu tư: Khi đăng ký thành lập DN, nếu lĩnh vực kinh doanh có đầu tư tài chính phải đăng ký luật chuyên ngành mới được cấp phép, bởi đây là ngành kinh doanh có điều kiện.

Tại các nước có thị trường chứng khoán phát triển như Hoa Kỳ, đối tượng đầu tư tài chính được chi phối bởi Luật Chứng khoán, nhưng ở nước ta Luật Chứng khoán lại không điều chỉnh đối tượng này. Trong khi đó lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khi đăng ký thành lập DN tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, phải đăng ký và chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh Bất động sản, với các điều kiện như chứng chỉ hành nghề, số lượng người hành nghề… Hay như muốn đăng ký thành lập NHTM, phải có sự phê chuẩn của NHNN và chịu sự chi phối của Luật Các tổ chức tín dụng.

TS. LÊ ĐẠT CHÍ,
Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Thế nhưng, 3 luật chuyên ngành hiện nay liên quan đến lĩnh vực đầu tư tài chính (gồm Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán và Luật Bảo hiểm) lại không có điều khoản nào điều chỉnh đối tượng này. Điều này cũng có thể hiểu lĩnh vực này cấm hoạt động, hoặc cũng có thể hiểu luật không cấm là được phép.

Chính vì vậy mà hiện nay có rất nhiều công ty hoạt động công khai trong lĩnh vực đầu tư tài chính, chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ có không dưới 20 DN có tên Công ty đầu tư tài chính A, B, C… Tuy nhiên, đầu tư tài chính chỉ là tên gọi, trên giấy phép hoàn toàn không đăng ký lĩnh vực kinh doanh này, nếu có chỉ lách bằng cách ghi lĩnh vực kinh doanh: “Mua bán các dự án bất động sản, mua bán cổ phần các công ty”.

Trong khi đó mua bán cổ phần các công ty thực tế là mua cổ phần, cổ phiếu, mua trên thị trường chứng khoán và không cần phải báo cáo với UBCKNN. Và chỉ bị xử phạt khi mua bán cổ phần quá 5%. UBCKNN cho rằng trong Luật Chứng khoán không có đối tượng này nên không quản. Nhưng nghịch lý ở chỗ trong khi công ty quản lý quỹ cũng mua bán cổ phần, cổ phiếu thì phải báo cáo UBCKNN.

Với các ngân hàng thương mại (NHTM), do không thể trực tiếp cho vay hoặc đầu tư vì bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế quy định hạn mức tăng trưởng tín dụng; nếu ủy thác vốn qua công ty con trực thuộc ngân hàng để những công ty con này đầu tư hoặc cho vay  cũng không được, vì phải thể hiện trên báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất, NHNN sẽ phát hiện. Cách duy nhất để “né” là các NHTM ủy thác đầu tư vốn cho một công ty có chức năng đầu tư, đó là công ty liên kết (CTLK), nhưng cổ đông lớn của ngân hàng cũng là cổ đông lớn của CTLK.

Dòng vốn đầu tư tài chính còn nhiều khoảng trống pháp lý và giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Dòng vốn đầu tư tài chính còn nhiều khoảng trống pháp lý và giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Hợp đồng ủy thác vốn cho CTLK thường trên BCTC sẽ không hạch toán vào tiền gửi hoặc cho vay, mà hạch toán vào “tài sản có khác” hoặc “các khoản phải thu khác”. Nhưng để tránh bị phát hiện, hầu hết tài khoản có giá trị lớn được hạch toán ở khoản này đều không được thuyết minh trong BCTC, nếu có thuyết minh cũng rất hời hợt và không chi tiết.

 Do vậy, nhà đầu tư và cơ quan quản lý khó có thể biết được nguồn gốc rõ ràng của các “khoản phải thu khác” và “tài sản có khác” này. Thông thường nhận vốn ủy thác từ NHTM, CTLK tiêu vốn qua nhiều cửa, trong đó chủ yếu đưa vào các DN nằm trong “group” các công ty có mối quan hệ “anh em” với cổ đông lớn của CTLK. Dòng vốn này đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản, TPDN…

Việc đẩy mạnh đầu tư vào CTLK thực tế đang tiềm ẩn một nguy cơ rủi ro lớn cho hệ thống NHTM. Không ai dám chắc quá trình giám sát khi bơm vốn đầu tư thông qua CTLK là an toàn, không xảy ra tình trạng khách hàng vay vốn đầu tư thua lỗ, không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Lợi ích thông qua CTLK, nếu có, khó đem về hết cho NHTM để cổ đông được hưởng, mà chủ yếu rơi vào túi riêng của nhóm lợi ích, trong khi NHTM thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư phải chịu rủi ro về vốn.

Thanh tra NHNN đã từng phát hiện nhiều NHTM đẩy mạnh mua TPDN, đầu tư vào các “tài sản có khác” chiếm một giá trị lớn và đã cảnh báo đây là những khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro lớn. Theo một chuyên gia tài chính, để ngăn chặn rủi ro từ hoạt động ủy thác đầu tư, Thanh tra NHNN nên thường xuyên kiểm tra các khoản tài sản đi ngoài chính thống, theo đó yêu cầu các NHTM phải thuyết minh rõ ràng để nhà đầu tư và NHNN giám sát.

Thực tế ở nước ngoài khi kiểm toán các định chế tài chính, hoạt động kiểm toán rất khắt khe với nội dung này. Các đơn vị kiểm toán độc lập khi phát hiện có khoản ủy thác vốn không chính thống sẽ ghi ra cụ thể, nếu là nguy cơ sẽ cảnh báo rủi ro. 

Các tin khác