Vốn ngoại đổ mạnh vào ngân hàng thông qua M&A

(ĐTTCO) - Giá trị và số lượng thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong 6 tháng đầu năm 2023 chứng kiến làn sóng thâu tóm của nhà đầu tư ngoại.
VPBank bán vốn cho Sumimoto Mitsui Banking Corp.
VPBank bán vốn cho Sumimoto Mitsui Banking Corp.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực ngân hàng (NH), hàng tỷ USD đã và đang đổ vào thông qua các thương vụ M&A và thỏa thuận vay vốn từ nhiều định chế tài chính quốc tế. Bên cạnh những chỉ dấu tích cực, cũng dấy lên những lo ngại về manh nha yếu tố tập trung kinh tế, gây méo mó thị trường.

Vốn ngoại đổ mạnh qua kênh M&A vào NH

Theo số liệu thống kê và phân tích từ FiinGroup công bố mới đây, rõ nhất là lĩnh vực NH - được xem là “miếng bánh” giới đầu tư ngoại quan tâm nhất. Đơn cử, VPBank vừa phát đi thông báo việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ. Đây là bước cuối cùng để nhà băng này hoàn tất phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC). Với giá trị 1,5 tỷ USD, đây là thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành NH Việt Nam.

Khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương 1,5 tỷ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Và trong tháng 4 vừa qua VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, hơn 3.590 tỷ đồng. Tại buổi gặp gỡ cổ đông ngày 18-5, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc Thường trực VPBank, cho biết trong quý III, NH sẽ hoàn tất các thủ tục và nhận tiếp 90% số tiền còn lại.

Hồi giữa tháng 5, SHB cũng đã hoàn thành việc hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Chính Krungsri từng tiết lộ NH này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái (tương đương 156 triệu USD cho thương vụ), tức hơn 3.500 tỷ đồng.

SHB không công bố số tiền nhận được trong đợt chuyển nhượng vừa qua, song báo cáo tài chính quý II của SHB cho thấy NH ghi nhận khoản thu đột biến hơn 675 tỷ đồng từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng thể hiện SHB đã thực nhận hơn 675 tỷ đồng tiền thu cổ tức và lợi nhuận từ các khoản đầu tư, góp vốn dài hạn. Đồng thời, SHBFinance được SHB đề cập đến với vai trò là công ty liên kết do NH sở hữu 50% vốn, thay vì mức 100% vốn hồi cuối quý I.

Bên cạnh hoạt động M&A, ngành NH cũng vừa đón nhận thêm nhiều khoản vay bằng ngoại tệ từ các định chế tài chính nước ngoài. Đơn cử, OCB đã nhận khoản vay 55 triệu USD từ định chế tài chính Phát triển thuộc NH Tái thiết KFW của Đức (DEG). Trước đó, NH này cũng đã nhận khoản vay 100 triệu USD, từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Hay trong tháng 6, VIB đã ký nhận khoản vay 100 triệu USD từ IFC nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà ở, và thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho các khoản vay mua nhà có giá trị thấp.

Tương tự, SHB và IFC cũng ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 120 triệu USD vào trung tuần tháng 3. Hay gần đây nhất, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đã ký cam kết cấp khoản vay trị giá 300 triệu USD và 100 triệu USD với kỳ hạn 7 năm cho VPBank và TPBank, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho DN SME, đặc biệt là DN SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

Xuất hiện dấu hiệu tập trung kinh tế

Bước sang năm 2023, khó khăn của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng nhiều, thêm các gánh nặng chồng chất, nên DN nước ngoài vươn lên trong hoạt động M&A, đặc biệt những DN có tiềm lực kinh tế lớn.

Vì vậy, số lượng giao dịch được thực hiện bởi nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong thời gian 6 tháng qua. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm dù chỉ có khoảng 10 giao dịch đạt ngưỡng trên 1.000 tỷ đồng trở lên, nhưng tổng giá trị lên tới 2,3 tỷ USD. Với giá trị của mỗi thương vụ lớn như vậy của nhà đầu tư nước ngoài, cần phải xem xét tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Theo ông Lê Thanh Sơn, đại diện Ban Giám sát cạnh tranh (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - VCC), trong bối cảnh cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn sau mấy năm đại dịch Covid-19, cùng những bất ổn, suy thoái kinh tế trên thế giới, M&A giúp DN khó khăn về tài chính có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư; giảm thiểu nguy cơ thua lỗ, phá sản.

M&A cũng tạo điều kiện giúp DN tiếp cận, chuyển giao kinh nghiệm về quản trị điều hành, quản lý và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Song ở góc độ quản lý, có những vụ mua bán, sáp nhập lại kiểm soát, chi phối DN khác, hay còn gọi là tập trung kinh tế. Điều này có thể làm thay đổi đáng kể cấu trúc thị trường của hàng hóa, dịch vụ nhất định, dẫn đến hình thành các DN có vị trí thống lĩnh, gây nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm hạn chế cạnh tranh.

Theo quy định của pháp luật cạnh tranh hiện hành, các DN tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến VCC trước khi tiến hành tập trung kinh tế, nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.

Đối với cơ quan cạnh tranh, việc xem xét, thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế là công cụ giúp sàng lọc những thương vụ tập trung kinh tế tiềm ẩn nguy cơ gây hạn chế cạnh tranh nhằm ngăn ngừa, kiểm soát. Đối với DN, đây là thủ tục hành chính bắt buộc phải thực hiện khi thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.

Theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup, hiện tại Việt Nam có nhiều quy định liên quan xử lý vi phạm về tập trung kinh tế. Chẳng hạn, hành vi không thông báo khi tập trung kinh tế bị phạt tiền từ 1-5% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của DN tham gia tập trung kinh tế.

DN thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam, ngoài bị phạt tiền còn chịu hình phạt bổ sung và phải đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả...

Hiện nay số lượng thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài phải thẩm định chính thức ở Việt Nam rất ít, thường chỉ dưới 3%. Điều này vô hình trung vẫn tạo ra những kẽ hở.

Các tin khác