Trong năm nay, câu chuyện này được chú ý nhiều hơn khi Chính phủ đã liên tục đốc thúc NHNN nghiên cứu thực hiện giải pháp huy động vàng, ngoại tệ trong dân song đến nay phía NHNN vẫn “án binh bất động” đối với yêu cầu này.
Vàng trong dân còn rất lớn
Hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng hay kinh doanh vàng tài khoản kể cả nước ngoài cũng thuộc loại hạn chế kinh doanh. Chính phủ cũng chưa cấp phép cho sàn vàng, kinh doanh vàng tài khoản nên về pháp lý nhà đầu tư tham gia sẽ là đầu tư không hợp pháp và rủi ro rất lớn. |
Cuối tháng 8-2017, giá vàng quốc tế đã nhanh chóng tăng giá và bứt phá khỏi mốc 1.300USD/ounce, đạt đến 1.325USD/ounce sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản. Hiện tại giá vàng thế giới vẫn đang ở mức cao đến 1.298,1USD/ounce, tăng 12,8% so với mức giá giao dịch vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, suốt thời gian qua thị trường vàng trong nước không có biến động nào đáng kể, có một vài thời điểm giá vàng vượt 37 triệu đồng/lượng nhưng cũng nhanh chóng hạ khỏi mốc này. Theo đó, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng được rút ngắn, hiện chỉ dao động từ 700.000-800.000 đồng/lượng.
Mới đây, Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết từ đầu năm đến nay giao dịch vàng miếng trên thị trường ở mức thấp, quy mô giao dịch vàng miếng mỗi ngày thời gian gần đây bình quân khoảng 10.000 lượng, giảm 75% so với đầu năm 2013.
Cũng theo Vụ Quản lý ngoại hối, tổng hợp từ báo cáo của các TCTD, lượng vàng gửi dưới dạng giữ hộ nói trên đã giảm rất mạnh kể từ đầu 2013 đến nay. Cụ thể, số dư vàng giữ hộ trong hệ thống các TCTD vào cuối 2013 ở mức 32 tấn, đến năm 2014 chỉ còn 21 tấn, năm 2015 còn 10 tấn, năm 2016 giảm xuống còn 3 tấn và đến ngày 31-6-2017 chỉ còn 2,89 tấn.
Nguyên nhân sụt giảm vàng giữ hộ tại các TCTD được nêu do vốn vàng trong dân cư đã chuyển hóa mạnh thành VNĐ để đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Huy động vàng trong dân để nguồn vốn từ vàng chuyển sang VNĐ là một mục tiêu lớn trong hoạt động quản lý thị trường vàng. Vì vậy, thông tin được đưa ra cho thấy một tín hiệu tích cực, bởi thay vì tích trữ vàng, người dân đã có xu hướng chuyển hoá vàng thành tiền như mong muốn của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, theo một số ước tính, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 400-500 tấn, thậm chí Hội đồng vàng Thế giới (WGC) còn ước tính lượng vàng trong dân tại Việt Nam khoảng hơn 1.000 tấn. Như vậy, số vàng gửi tại các NH được chuyển hóa thành VNĐ cũng chưa phải là con số đáng kể và để nguồn lực này chuyển thành VNĐ vẫn là một bài toán lớn.
Ảnh minh họa: P.LONG |
Sàn giao dịch vàng vẫn là đề án
Tại Nghị quyết 01 ban hành ngày 1-1-2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Chính phủ đã yêu cầu NHNN nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động nguồn vàng trong dân phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Sau đó, kết luận tại phiên họp Chính phủ tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ lại yêu cầu NHNN bên cạnh bảo đảm tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch với cơ cấu hợp lý, cần xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân. Tiếp theo, tại buổi làm việc của Tổ công tác Chính phủ với NHNN, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, đã nhắc NHNN vấn đề này và nhấn mạnh: "Thủ tướng đã 3 lần nhắc nghiên cứu giải pháp huy động vàng, ngoại tệ trong dân".
Trả lời vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết hiện đã không phải mất ngoại tệ để nhập vàng trong những năm qua, người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước nữa, qua đó để chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế NHNN sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động như thế nào bảo đảm ổn định.
Song yêu cầu huy động ngoại tệ, vàng trong dân sau đó vẫn tiếp tục được Chính phủ đề cập thông qua văn bản khi Văn phòng Chính phủ gửi văn bản tới Thống đốc NHNN truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017. Song đến nay, NHNN vẫn chưa có thông tin mới về vấn đề này.
Đối với việc huy động vàng trong dân, cho đến nay giải pháp được đề xuất chủ yếu là thành lập sàn giao dịch vàng vật chất do NHNN quản lý. Sàn vàng sẽ giao dịch bằng vàng ghi sổ, vàng bút toán và được quy đổi thành giá trị trên sàn, chủ sàn vàng hay NHNN thu được bằng tiền tươi thóc thật. Theo đó, vàng sẽ chuyển hóa thành thành VNĐ để đưa vào sản xuất kinh doanh và người dân cũng có một “sân chơi” hợp pháp.
Theo một luật sư thuộc đoàn luật sư TPHCM, mặc dù thị trường vàng trong nước trầm lắng, giao dịch mua bán vàng giảm, song mức độ quan tâm đầu tư đối với kênh này vẫn sôi động “ngầm” khi có nhiều nhà đầu tư vẫn tìm hiểu và nhờ tư vấn rủi ro pháp lý khi tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại các sàn vàng quốc tế.
Hiện NHNN vẫn chưa tính đến việc thành lập sàn giao dịch vàng mà chủ yếu huy động vàng thông qua quan hệ mua bán, vì việc huy động vàng trong dân luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro do giá vàng biến động khó lường. Việt Nam đã từng có sàn giao dịch vàng nhưng không hiệu quả, bây giờ nếu có sàn vàng nhưng quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.