Chặn cửa vay, mở cửa TP
Tổng lượng TPDN phát hành trong 9 tháng 2021 là 443.100 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020. Quán quân phát hành là các DN BĐS với 201.900 tỷ đồng, chiếm 45,5%; sau đó đến nhóm NH với 136.400 tỷ đồng, chiếm 30,8%.
Vị trí quán quân này không chỉ trong 9 tháng năm nay mà duy trì liên tiếp vài năm gần đây. DN BĐS đã lao vào cuộc đua phát hành TPDN kể từ khi NHNN áp dụng các quy định siết lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các NHTM, nâng hệ số rủi ro đối với tín dụng BĐS, để hạn chế vốn chảy vào lĩnh vực này. Để tìm vốn chỉ còn cách chuyển hướng huy động vốn trên thị trường TPDN.
Thực tế, DN BĐS huy động vốn ở kênh nào cũng có bóng dáng của các NHTM. Theo Finn Group, trong 9 tháng năm 2021, hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS dân cư phát hành thuộc về các DN chưa niêm yết. Các DN này hầu hết phát hành riêng lẻ cho các bên mua chính là NH và công ty chứng khoán.
Bởi phía sau lượng TPDN BĐS tăng khủng là chiêu để NH lách cho vay BĐS không lo thể hiện tín dụng trên sổ sách, các tỷ lệ về an toàn vốn vẫn được đảm bảo, không cần trích lập dự phòng và có lợi nhuận cao.
Hiện các NHTM và công ty chứng khoán đang nắm giữ gần 60% lượng TPDN phát hành. Trong 9 tháng các NHTM đã mua vào 124.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,3%, trong đó chủ yếu từ các DN BĐS. Điều này lý giải vì sao tín dụng đi vào lĩnh vực kinh doanh BĐS thấp, nhưng nguồn vốn hoạt động của các DN vẫn dồi dào.
Đưa “vòng kim cô” vào
Tới đây có thể xuất hiện sự đổi ngôi trên thị trường TPDN, sau khi NHNN ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN siết lại việc các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài mua, bán TPDN.
Một diễn biến đáng chú ý, sau khi quy định mới được ban hành, ngày 22-11, cổ phiếu của hàng loạt DN BĐS lớn rớt giá mạnh; đồng thời, nhóm cổ phiếu BĐS nhỏ và vừa cũng bị bán mạnh ở mức giá sàn. Điều này được cho xuất phát từ phản ứng với Thông tư 16.
Thứ nhất, lượng TPDN BĐS không ngừng tăng, trong khi năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành BĐS chưa niêm yết rất yếu. Chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy của nhóm BĐS này đang ở mức đáng báo động. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) tính đến tháng 6 của DN BĐS chưa niêm yết ở mức 8,1 lần, các DN niêm yết ở mức 2,5 lần.
Nếu tính tại thời điểm cuối tháng 9, mức độ đòn bẩy có thể còn cao hơn khi giá trị TP phát hành mới của các DN BĐS chưa niêm yết đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương 38% tổng tài sản của họ tại thời điểm cuối năm 2020.
Theo đánh giá, tỷ lệ đòn bẩy lý tưởng nhất là 1/1, tức 1 đồng nợ trên 1 đồng vốn. Mức 2/1 có thể chấp nhận, 3/1 là khá cao, 4/1 là nguy cơ rất cao và mức 5/1 nguy cơ phá sản rất lớn.
Thứ hai, ngoài nhóm BĐS, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc phát hành TPDN để cơ cấu nợ có thể trở thành “chiêu” được áp dụng nhiều. Vì với TPDN, ngoài nguyên nhân “danh chính ngôn thuận” là phát hành để đầu tư mở rộng hoạt động, DN có thể phát hành mới để trả cho các khoản nợ của TPDN cũ, hoặc phát hành mới để trả những khoản nợ đang vay tại TCTD đó, hay trả nợ tại các TCTD khác.
Nếu rơi vào các trường hợp này, bảng cân đối kế toán của các NH sẽ không đúng sự thật, NHNN không quản lý được hoạt động tín dụng của các NH. Nhà băng mua TPDN cũng không cần trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu đó theo Thông tư 02 và Thông tư 09 để không ảnh hưởng đến lợi nhuận. Điều này sẽ làm nợ xấu bị che lấp.
Liệu có chặn được?
Thực tế, việc siết TCTD mua TPDN không phải mới. Năm 2018, NHNN đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2016 liên quan đến việc TCTD mua TPDN. Quy định này siết lại NH mua TPDN trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đồng thời yêu cầu TCTD không được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của DN.
Ở thời điểm đó, nợ xấu của DN khá phức tạp và xuất hiện hiện tượng chuyển nợ xấu thành TPDN để cấn nợ cũng như để NH kéo giảm tỷ lệ nợ xấu. Khoản nợ xấu được thay bằng TPDN còn được cơ cấu cả thời hạn trả nợ do TPDN được phát hành lên đến 5 năm, 10 năm thậm chí 15 năm.
Sau khi hồi chuông cảnh báo được gióng lên, cơ quan điều hành ban hành quy định nói trên. Nay NHNN một lần nữa quy định lại các vấn đề tương tự, cho thấy sự tuân thủ của các nhà băng và DN nói chung cũng như DN BĐS nói riêng vẫn chưa nghiêm túc.
Lâu nay, NHTM là kênh trung gian tài chính cung cấp trên 70% vốn cho nền kinh tế nhưng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Do đó, thị trường TPDN được kỳ vọng phát triển để thay thế gánh nặng cung ứng vốn cho kênh NH.
Thế nhưng thực tế lại không như mong đợi. NHTM khi được gỡ bớt gánh nặng cho vay trung và dài hạn đã nhanh chóng nhảy sang mua TP để rót vốn vào nhiều DN bao gồm DN BĐS. Đây là điều trái với mong muốn của các cơ quan quản lý, và ẩn sau đó là nhiều rủi ro khó lường đối với thị trường tài chính và nền kinh tế.
Việc lách quy định để rót vốn vào DN của các nhà băng vẫn tồn tại nhiều năm nay. Liệu quy định mới này có thể là “vòng kim cô” để nắn lại dòng vốn vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, khi các NH đang đi theo xu hướng liên kết thành những tổ hợp hệ sinh thái bao gồm kết nối công ty chứng khoán - DN và NH.
Theo đó, NH sẽ không trực tiếp mua để đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN, nhưng vẫn có khả năng có thể ủy quyền cho các đơn vị trong hệ sinh thái của mình mua bán TPDN.
Phía sau lượng TPDN BĐS tăng khủng là chiêu để NH lách cho vay BĐS không lo thể hiện trên sổ sách, các tỷ lệ về an toàn vốn vẫn được đảm bảo, không cần trích lập dự phòng và có lợi nhuận cao. |