Đến thời điểm này, xác định có bao nhiêu CTCK chấp hành đúng những quy định của Thông tư 226, bao nhiêu CTCK chưa đạt chỉ tiêu an toàn tài chính (ATTC) vẫn còn khá mơ hồ.
Bán tài sản có độ rủi ro cao: Không dễ
Có thể xem 12 tháng kể từ ngày 1-4-2011 là quãng thời gian để các CTCK làm quen với Thông tư 226, với công việc đơn thuần là báo cáo chỉ tiêu ATTC cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Nhưng kể từ ngày 1-4-2012, UBCKNN bắt đầu có biện pháp kiểm soát đối với những CTCK có chỉ tiêu ATTC, cụ thể là tỷ lệ vốn khả dụng không đạt quy định.
Theo đó, những CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục chỉ phải báo cáo định kỳ mỗi tháng. Trường hợp xấu nhất là tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới 120% (kiểm soát đặc biệt) sẽ phải báo cáo hàng ngày cho UBCKNN; từ 120% đến mức dưới 150% sẽ phải báo cáo mỗi tuần 1 lần và từ 150-180% mỗi tháng báo cáo 2 lần.
Do CTCK báo cáo trực tiếp với UBCKNN và những con số không công khai nên rất khó biết CTCK nào bị xếp vào nhóm kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn trong thời gian qua, việc nhiều CTCK bị kiểm soát, thậm chí kiểm soát đặc biệt không phải là điều ngạc nhiên.
Thông tư 226 chỉ ra 7 biện pháp để CTCK khắc phục kiểm soát và kiểm soát đặc biệt như bán các tài sản có độ rủi ro cao, thu hồi nợ, tăng vốn, giảm chi phí, hợp nhất, sáp nhập với các CTCK khác. Trong số này, động thái bán ra danh mục tự doanh (tài sản có độ rủi ro cao) và thu hồi nợ được xem là chìa khóa để giải quyết vấn đề.
Nhưng với diễn biến thị trường thuận lợi trong ngắn hạn như hiện nay sẽ là vội vàng nếu cho rằng CTCK gặp thuận lợi trong việc bán ra danh mục đầu tư của mình. Lý do nhiều CP sau khi giảm mạnh đang hồi phục, liệu CTCK có sẵn sàng bán ra cắt lỗ hay đợi CP tăng thêm?
Trừ trường hợp CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, nếu không khắc phục được và có lỗ gộp vượt mức 50% vốn điều lệ sẽ bị đình chỉ hoạt động, còn lại vẫn có thể xảy ra khả năng CTCK chấp nhận rơi vào diện kiểm soát để chờ CP tăng giá.
Từ đây có thể dẫn đến những xung đột về mặt chiến lược hoặc làm sạch, hoặc lại lệ thuộc vào thị trường và trong một chừng mực nào đó sẽ dẫn đến việc không tuân thủ các quy định của UBCKNN. Còn một trường hợp khác, nếu danh mục tự doanh của nhiều CTCK còn tồn tại những CP “lởm”, hoặc những CP thanh khoản thấp, việc bán ra và bán như thế nào không dễ dàng.
Ranh giới 120%?
Bên cạnh đó, việc thu hồi nợ hiện nay không đơn giản khi NĐT đã “bắt thóp” được các hợp đồng margins trước khi Thông tư 74 ra đời có tính pháp lý không cao nên sẽ chây ì trong việc trả nợ. Không phải CTCK nào cũng đủ lực để sẵn sàng bán lỗ các tài khoản sử dụng margins âm vào vốn của mình để sau đó tiếp tục đòi nợ và hạch toán vào doanh thu bất thường.
Thay vào đó, CTCK sẽ chờ các tài khoản này tăng giá trở lại nhờ vào thị trường tăng, sau khi đợi hòa vốn mới tiến hành bán ra. Tuy nhiên, chờ thị trường cũng giống như “đánh bạc với số phận”, đặt hy vọng vào một điều không chắc chắn. Bởi thị trường có thể tăng nhưng không phải CP nào cũng tăng.
Chưa kể, nếu một CP nào đó được sử dụng margins để mua vào từ các năm trước gây ra thua lỗ, khiến một loạt tài khoản bị “đóng băng”, chỉ cần giá tăng lên đôi chút sẽ có CTCK tiến hành bán ra. Vì thế việc chờ đợi để tăng mạnh hay chí ít hòa vốn là điều không dễ xảy ra.
![]() |
NĐT cần biết rõ bao nhiêu CTCK đạt và chưa đạt chỉ tiêu ATTC. Ảnh: LÃ ANH |
Một vấn đề cần đặt ra ở đây là tỷ lệ vốn khả dụng ở mức dưới 120% đang được xem là diện kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, nhờ thị trường hồi phục, danh mục đầu tư tăng giá và CTCK có thể thu được một phần nợ, giảm rủi ro nên việc CTCK lách để không có tỷ lệ vốn khả dụng ở dưới 120% sẽ dễ hơn so với cách đây 6 tháng hoặc 1 năm.
Như vậy, liệu UBCKNN có dựa vào diễn biến thị trường để tiếp tục áp thêm những quy định mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn? Và nếu UBCKNN thực hiện điều này, quá trình tái cấu trúc, làm sạch tình hình tài chính của CTCK sẽ bị đình trệ, hoặc lại diễn ra tình trạng CTCK ăn đong theo thị trường, sống cầm chừng chờ thời.
ATTC của CTCK là an toàn cho đồng vốn của NĐT. Nhưng thực tế CTCK đạt chuẩn về ATTC không có nghĩa là đồng vốn của NĐT đặt tại CTCK đó đã an toàn, bởi còn phụ thuộc vào nghiệp vụ quản lý tiền của các CTCK. Đó là việc CTCK tách bạch tài khoản với ngân hàng hay vẫn sử dụng cơ chế tài khoản tổng.
Một số quan điểm cho rằng việc tách bạch tài khoản sẽ bảo vệ tiền của NĐT tốt hơn sử dụng cơ chế tài khoản tổng. Nhưng tại nhiều TTCK lớn trên thế giới hiện nay cơ chế tài khoản tổng vẫn còn hiện diện.
Điểm khác biệt ở đây là cách thức giám sát như thế nào để đảm bảo CTCK không trục lợi tiền của NĐT. Những cơ chế này do các cơ quan quản lý ban hành và kèm theo đó là nội bộ các CTCK xây dựng.
Như vậy, để giải quyết được vấn đề này, ngoài ý thức của CTCK, UBCKNN cũng cần quyết đoán hơn nữa trong việc chọn giải pháp: hoặc chỉ có 1 giải pháp hay vẫn cho sử dụng nhiều giải pháp và kèm theo đó là các cơ chế được siết chặt.