Vua bếp ngự trị giữa tro trấu

Tôi không nói về chương trình “Vua bếp” chơi trò nấu nướng trên truyền hình, mà là vua trong góc bếp. Vua nào chả là vua, cho dù Ngài chỉ ngự giữa cung đình tro trấu và nồi niêu xoong chảo và trông mặt mũi Ngài lúc nào cũng đen nhẻm.

Tôi không nói về chương trình “Vua bếp” chơi trò nấu nướng trên truyền hình, mà là vua trong góc bếp. Vua nào chả là vua, cho dù Ngài chỉ ngự giữa cung đình tro trấu và nồi niêu xoong chảo và trông mặt mũi Ngài lúc nào cũng đen nhẻm.

Thuở tôi còn bé, mẹ tôi cứ dặn: "Chớ vội tin cái mẽ bên ngoài. Có người tàn tật, xấu xí, nhưng ẩn trong cái hình dáng méo mó ấy có khi lại là bà Tiên, ông Phật. Còn khối kẻ trông cứ sáng choang, nhưng biết đâu lại là những tên đồ tể trá hình". Nhà tôi ở thôn quê. Những căn bếp quê quanh năm thường đen đúa màu bồ hóng, nhưng nó lại là đời sống thật của một gia đình. Người ta bảo muốn hiểu chủ nhà ra sao, muốn biết họ hạnh phúc hay bất hạnh, sung túc hay nghèo đói, chỉ cần bước vào căn bếp của họ.

Đối với người Việt, cái bếp rất quan trọng. Vì thế bếp cũng có vua đấy. Vua bếp không ngự trị một cách vô hình. Như thế có khác gì con ma xó. Chẳng đàng hoàng chút nào. Vương triều của Ngài đã thật thà hiện hình ngay trong cái đám đầu rau. Mà đầu rau giống nhau lắm. Ông nào cũng gù lưng và đen nhẻm vì cả đời đội nồi, đội xoong chảo và chịu lửa than. Đấy là các ông quan trong triều đình tro trấu. Trông các ngài lủn đủn thế mà thiêng lắm đấy. Chớ có sàm sỡ. Mẹ tôi còn cấm tôi khi nấu cơm, không được lấy que cời gõ lên tấm lưng còng của Ngài, kẻo Ngài vật chết.

Vua cũng chung số phận với các quần thần. Ngài gù gù ngồi giữa đám tro trấu, trông xù xì như một con cóc già, nhưng hồn vía lại gửi hết vào hạt cơm, miếng rau, khúc cá, nên bữa cơm quê ngon đến lạ lùng, dù chẳng có sơn hào hải vị gì cả. Vì thế mà người đời luôn nhớ đến Ngài, luôn tôn thờ Ngài. Có lẽ cũng vì vậy mà mỗi năm, Ngài có cả một ngày Tết riêng. Đó là ngày 23 tháng Chạp. Ngày ấy Ngài diện mũ áo, cưỡi cá lên Thiên đình. Nhưng số Ngài vất vả, làm đến vua mà vẫn nhem nhuốc.

Bởi thế, ngay trong ngày Tết Ông Táo của mình, Ngài vẫn còn phải đội xoong chảo, đội cả nồi cám lợn. Rồi Ngài cưỡi cá thăng thiên. Người đời sắm cho Ngài cả cá sống lẫn cá chết. Cá sống bơi trong bát nước, đặt trên bàn thờ. Còn cá chết là những con cá giấy, được nhuộm phẩm vàng. Cúng xong rồi hóa. Thế là chúng thành phương tiện, thành Xa giá đưa Ngài đi. Vua mà. Người đời kể cúng khéo kén chọn. Để Ngài lên Thiên đình mà cưỡi trâu, cưỡi bò hay cưỡi lợn thô tục quá. Cưỡi cá vẫn là trang nhã nhất, sang trọng nhất. Bởi cá có thể vượt Vũ môn mà hóa rồng.

Người Việt Nam ta khi rời Tổ quốc, ra sinh sống hoặc kinh doanh ở nước ngoài mang theo trăm thứ hành trang, thế nào cũng có bàn thờ để cúng tổ tiên và ông Vua bếp. Vua bếp khi xuất ngoại cũng siêu thoát lắm. Ngài không hiện hình một cách phàm tục mà nương náu trong tâm trí, khẩu vị những người ra đi. Chỉ tiếc những căn bếp nước ngoài chẳng có tro trấu cho Ngài trị vì. Thế là Ngài hóa thân vào các món ăn. Bởi thế, người Việt xuất hiện ở đâu, ở đấy sẽ có những cửa hàng bán thức ăn Việt, chẳng thiếu thứ gì, từ gạo tám Hải Hậu, cốm Làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, bưởi Năm roi… đến bún, bánh cuốn, rau muống, húng láng, rau thơm…

Thời thị trường quả là hay thật. Bữa cơm Việt vẫn tỏa hương vị quê nhà. Ông bạn Nga Ivan, người ở cùng buồng với tôi cứ tròn mắt kinh ngạc: "Sao các cậu cầu kỳ thế. Chỉ có mỗi bữa ăn mà rục rịch chuẩn bị đến hàng tiếng đồng hồ". Tôi chẳng biết nói sao với ông bạn vàng mắt xanh mũi lõ?

Mà có giải thích cặn kẽ thế nào ông bạn ấy cũng không thể hiểu được. Người nước ngoài ăn uống đơn giản. Trừ súp, còn hầu hết là món ăn nguội. Những thức ăn gói giấy, mua sẵn ở các cửa hiệu. Dọc đường, còn có những những quán ăn nhanh buffet, chỉ có bàn ăn, không có ghế. Khách có thể đứng ăn trong chớp nhoáng.

Đối với người nước ngoài, ăn uống chỉ đơn giản nạp thêm năng lượng để có sức làm việc. Còn với người Việt ăn uống có khi còn như một nghi lễ. Người ta nhấm nháp món ăn, khoái cảm như thưởng thức nghệ thuật. Chả thế, những học giả từng bỏ ra bao nhiêu tâm sức nghiên cứu, rồi viết những cuốn sách rất dày về các món ăn. Họ gọi đó là nghệ thuật ẩm thực. Khi miếng ăn, cái uống đã trở thành nghệ thuật thì món ăn không còn là vật chất thô tục nữa. Nó đã hóa vẻ đẹp cao khiết của cõi tinh thần rồi.

Ivan nhờ tôi bày cho cậu ta cách cầm đũa. Loắng ngoắng thế nào mà thức ăn tung tóe đầy bàn. Thế nhưng chỉ hơn tháng sau, cậu ta đã bỏ dao, nĩa. Thay vào đó là đôi đũa gỗ to xù do cậu ta tự chế. Rồi Ivan lần mò đến siêu thị Đông Nam Á. Cậu lễ mễ khuân về bao nhiêu món ăn Việt bắt tôi nấu. Rồi chính cậu xông vào bếp. "Món ăn Việt rất ngon. Bây giờ, tớ không ăn được món ăn của Nga nữa. Nhạt lắm. Sau này tớ sẽ mở cửa hàng, bán toàn thức ăn Việt”. Khi tôi trở về nước, trong bữa cơm thuần Việt chia tay, Ivan ngậm ngùi bảo: "Ngày mai mày về rồi. Mày về, nhưng vẫn còn một thằng Việt Nam ở lại". Nói rồi, Ivan chọc một ngón tay cái vào bộ ngực của mình, còn một tay cậu khua đôi đũa lên không khí.

Thế mới biết Vua bếp ghê thật. Bờ cõi của Ngài thật rộng lớn. Thần dân của Ngài còn có cả những ông Tây, bà đầm mắt xanh mũi lõ. Ai dám bảo Ngài chỉ ngự trong tro trấu và triều đình của Ngài toàn những tro trấu?

Các tin khác