Tuy nhiên, không phải người Việt Nam nào đang sinh sống và làm ăn ở nước ngoài đều có thu nhập khá giả. Rất nhiều người Việt đang mưu sinh ở các quốc gia lân cận lại chủ yếu là lao động phổ thông và phải chắt chiu dành dụm mới có đủ tiền về quê ăn Tết hàng năm.
Do đó, việc quyết định không thu phí cách ly tập trung đối với những trường hợp nhập cảnh qua đường bộ, là giải pháp nhân văn Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã đưa ra đúng lúc. Bởi lẽ, thời điểm cận Tết càng có nhiều người Việt tha hương sốt ruột tìm đường trở lại quê nhà. Nếu phải trả phí cách ly tập trung, có thể khiến họ sẽ nhập cảnh chui theo sự dẫn dắt của những đối tượng nguy hiểm.
Hiện nay, các đơn vị sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trong nước đang đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu, tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó có 2 vaccine ngừa Covid-19 của CTCP Công nghệ sinh học dược Nanogen và Viện Vaccine và sinh phẩm y tế. Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sẽ thúc đẩy chương trình thử nghiệm vaccine, có cơ chế phù hợp để khi vaccine trong nước được thử nghiệm thành công, có thể được sản xuất, cung cấp.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cho biết, đã có 46 quốc gia triển khai tiêm vaccine nhưng để tiêm được hết cho người dân và tạo ra miễn dịch cộng đồng cũng còn lâu dài, trong khi biến thể mới của virus corona đã xuất hiện ở nhiều nước, lây lan nhanh hơn.
Bởi vậy, những nước đã triển khai tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trong dịp Tết Tân Sửu, trước làn sóng người Việt ở nước ngoài về quê ăn Tết, nước ta vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới, tăng cường lực lượng cho bộ đội biên phòng, hỗ trợ kịp thời cho các chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường biên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cần tuyên truyền, vận động những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về phải theo đường hợp pháp, tuân thủ các quy định về cách ly, giám sát y tế. Đối với người Việt đang làm việc ở các quốc gia khác, động viên bà con tuân thủ các quy định phòng chống dịch, pháp luật nước sở tại, việc không về nước thời điểm này cũng là đóng góp cho công tác phòng chống dịch ở trong nước.
Đối với những trường hợp người dân muốn về nước theo nguyện vọng, đặc biệt là lao động hết hạn hoặc bị kẹt lại, đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, sẽ có cơ chế tổ chức các chuyến bay trên tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn, đảm bảo đúng năng lực cách ly trong nước”.
Ngay trước thềm Tết Tân Sửu, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Thông tin - Truyền thông đã phối hợp hoàn thiện và cập nhật hệ thống quản lý thông tin về dịch Covid-19 và thông tin về những người nhập cảnh. Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin ngay khi công dân, chuyên gia đăng ký với cơ quan ngoại giao Việt Nam và hàng không để về nước.
Tất cả trường hợp này phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó phải nêu rõ sau khi cách ly về sẽ ở đâu. Từ đó, lực lượng phòng chống dịch bệnh trong nước sẽ chủ động chuẩn bị phương án đón-đưa người nhập cảnh đến khu cách ly tập trung, sau khi hoàn thành cách ly phải có bàn giao chi tiết giữa cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly với địa phương đón người về.
Ngoài công tác xử lý người dân nhập cảnh bằng đường bộ, một vấn đề khác đáng quan tâm là gần đây xuất hiện nguy cơ nhập cảnh trái phép từ đường biển, đường thủy. Do đó, bên cạnh tăng cường lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, công an, chính quyền cơ sở cũng phải tích cực tuyên truyền, vận động để những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về nước thì động viên những người này thực hiện khai báo y tế đầy đủ và chấp hành cách ly.
Mùa xuân Tân Sửu 2021 là khoảng thời gian tương đối đặc biệt đối với người Việt Nam, vì tất cả vừa đón Tết vừa chống dịch. Ngày Tết đoàn viên và ấm áp, nhưng không thể mất cảnh giác với Covid-19.