Hiện nay nền kinh tế nước ta tiếp tục phải xử lý những vấn đề tồn tại từ nhiều năm trước để lại, gây bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài. Hệ quả này cần tìm lời giải kép cho bài toán ổn định kinh tế, phục hồi tăng trưởng.
Những thách thức trước mắt
Về ngắn hạn, hầu hết các chính sách kinh tế vĩ mô đều mang tính chất tình thế nhằm xử lý nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, tập trung nhất là chống lạm phát. Sự thay đổi chính sách liên tục (lúc thắt chặt, lúc nới lỏng, nhất là chính sách tiền tệ) làm thị trường mất phương hướng dài hạn.
Không phủ nhận sự tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự bất cập của cơ cấu nền kinh tế và tác động tính 2 mặt của các giải pháp về tài khóa và tiền tệ. Nếu năm 2012, sức mua chung của nền kinh tế suy giảm mạnh đã tạo nên vòng lẩn quẩn: sức mua giảm - tồn kho tăng - sản xuất giảm - nợ xấu tăng - tín dụng giảm…
Năng suất tổng hợp giảm là chỉ báo quan trọng thể hiện sự sử dụng các yếu tố sản xuất (tài nguyên, nhân lực và vốn) kém hiệu quả. Sự giảm tuyệt đối năng suất tổng hợp trong việc đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP trong 10 năm gần đây, đồng thời tăng nhanh yếu tố vốn đã lý giải nguyên nhân nền kinh tế kém cạnh tranh và sự tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Hệ số ICOR tăng cao, gây mất cân đối nghiêm trọng giữa tích lũy và đầu tư. Đây là nguyên nhân sâu xa của lạm phát… |
Bước vào năm 2013, tình hình có cải thiện hơn, nhưng về cơ bản kinh tế đang đối diện với 4 thách thức ngắn hạn.
Thứ nhất, nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn thêm. CPI 2 tháng đầu năm 2013 đã tăng 2,59%.
Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa cải thiện nên dòng vốn tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, khó đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp do hoạt động kém hiệu quả của hệ thống NHTM. Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm là 7-8% thì lãi suất vay thực dương theo lãi suất vay phổ biến hiện nay là quá cao. Với mức lãi suất như vậy sẽ không kích thích được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng và làm tăng nợ xấu.
Thứ tư, những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản khó được cải thiện, dẫn đến việc xử lý nợ xấu của NHTM khó khăn.
Vấn đề trung-dài hạn của nền kinh tế liên quan đến sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng. Quan điểm tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đặt ra trong chiến lược 10 năm 2011-2020 và trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 nhưng cho đến nay chưa có chính sách căn cơ đi vào cuộc sống.
![]() |
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại VPBank. Ảnh: LONG THANH |
Thực trạng hiện nay là nền công nghiệp nước ta vẫn chủ yếu gia công dựa vào lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp, đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu. Năm 2012, sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI (cũ và mới), còn doanh nghiệp trong nước hoàn toàn không có khả năng tăng trưởng xuất khẩu (thậm chỉ tổng thể là âm).
Trong khi đó, giá cả lao động phải tăng liên tục để bù đắp lạm phát và yêu cầu cải thiện đời sống, nên chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh giảm.
Công nghiệp hỗ trợ - yếu tố then chốt để nâng tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm, giảm giá thành - cho đến nay vẫn thiếu chính sách phát triển.
Một nền nông nghiệp có nhiều lợi thế, nhưng dựa vào xuất thô với giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đặt vào khuôn khổ cạnh tranh toàn cầu, nên không thể cải thiện được thị trường của 70% dân số sống ở nông thôn.
Xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, với doanh thu 3,5 tỷ USD nhưng lợi nhuận đạt 30% cũng không thể cải thiện đời sống cho người dân trồng lúa. Thị trường nông thôn, thị trường có số lượng người tiêu dùng chiếm gần 70% dân số, nhưng không thể mở rộng với cơ cấu sản xuất nông nghiệp, có giá trị gia tăng thấp như hiện nay.
Cơ hội cho doanh nghiệp?
Trong năm 2013, tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến thất thường sẽ có tác động bất lợi đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh vào năm 2014.
Với lạm phát kỳ vọng 6-7% và tỷ giá VNĐ/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013 là những cơ hội, điều kiện quan trọng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn. Trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo Đề án của Chính phủ đến năm 2020, doanh nghiệp có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của mình. |
Đối với tình hình trong nước, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội (khóa XIII), đã xác định mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2013: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...”, với tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và kiểm soát CPI dưới 8% (Chính phủ đề ra khoảng 6%).
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để tạo niềm tin cho thị trường thông qua một “gói giải pháp hỗ trợ thị trường” nhằm giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. 3 vấn đề này có quan hệ nhân quả với nhau, nên không thể giải quyết riêng rẽ.
Ngày 7-1-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất của chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay là lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường.
Hệ thống chính sách và giải pháp Chính phủ đề ra là những nỗ lực cần thiết và đúng đắn để lấy lại niềm tin cho thị trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020, trong đó đã phân kỳ cho giai đoạn 2013-2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống NHTM và tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trong năm 2013 và 2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp khỏe (không còn cơ hội cho những doanh nghiệp yếu kém) phát triển nguồn nhân lực, thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bởi với chính sách của Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp tái cấu trúc chứ không bao cấp thị trường, không bao cấp yếu kém. Qua thực tiễn cho thấy những doanh nghiệp nào trong những năm vừa qua kinh doanh tăng trưởng dựa vào nợ sẽ khó phục hồi.
Thực tế, các doanh nghiệp cơ cấu tài chính tốt đều có cơ hội để phát triển. Năm 2013, tất cả các chính sách đề ra để xử lý các bất cập đã có, vấn đề còn lại là triển khai đúng với lộ trình nhanh nhất. Nếu chỉ giải quyết vấn đề nợ xấu, lãi suất mà không giải quyết các vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế thì không thể giải quyết bài toán phát triển.