Vực dậy làng nghề guốc mộc

Đã có lúc tưởng chừng làng nghề guốc mộc Bình Nhâm (xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) tồn tại cả trăm năm và nổi tiếng một thời sẽ mãi chỉ còn trong ký ức, bởi đã không còn đủ sức sống để cạnh tranh được với sản phẩm dép nhựa. Vậy mà doanh nhân Thái Văn Anh Hùng (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Hùng Thái, đã làm sống lại làng nghề. Hàng trăm ngàn đôi guốc mộc được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… mỗi năm. Giờ đây, đến Bình Nhâm âm thanh đục đẽo trong các xưởng guốc mộc lại vang lên hối hả.

Đã có lúc tưởng chừng làng nghề guốc mộc Bình Nhâm (xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) tồn tại cả trăm năm và nổi tiếng một thời sẽ mãi chỉ còn trong ký ức, bởi đã không còn đủ sức sống để cạnh tranh được với sản phẩm dép nhựa. Vậy mà doanh nhân Thái Văn Anh Hùng (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Hùng Thái, đã làm sống lại làng nghề. Hàng trăm ngàn đôi guốc mộc được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… mỗi năm. Giờ đây, đến Bình Nhâm âm thanh đục đẽo trong các xưởng guốc mộc lại vang lên hối hả.

Lặng dần nghề guốc mộc

 

Từ thuở xa xưa, những nghệ nhân Bình Nhâm với đôi bàn tay khéo léo đã làm nên những đôi guốc mộc cung cấp cho người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước. Những năm 50, 60 của thế kỷ trước, ngày nào cũng tấp nập những chuyến xe của thương lái tìm đến Bình Nhâm lấy hàng.

Từ người già, thanh niên đến cả trẻ con trong làng đều tham gia làm guốc mộc. Mỗi người một việc, người mạnh khỏe lo việc khuân vác, cưa xẻ gỗ; người khéo tay lo việc chạm trổ, sơn phết trang trí… 

Anh Thái Văn Anh Hùng kể: “Từ nhỏ tôi đã học nghề làm guốc, nối nghiệp nhà. Từng chứng kiến cảnh nhộn nhịp thời cực thịnh của làng nghề Bình Nhâm, nên đến khi nghề guốc tàn lụi tôi rất xót xa. Hàng làm ra chẳng có thương lái đến mua, nhìn cảnh dân làng lấy dao chẻ hàng ngàn đôi guốc mộc ra làm củi, lòng tôi quặn thắt!”.

Trong cuộc sống năng động, hiện đại và đòi hỏi tính tiện dụng cao hơn, guốc mộc đã không thích nghi được. Với sự phát triển mạnh của ngành nhựa, các sản phẩm dép nhựa bền, đẹp, giá rẻ, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc đã nhanh chóng thay thế, chiếm lĩnh thị trường của guốc mộc.

Như một cơn bão đổ bộ vào làng nghề, những con người chỉ quen với việc làm ra sản phẩm guốc mộc, không mấy quan tâm đến việc cung cầu, phân phối, quảng bá sản phẩm, lâm vào cảnh khốn đốn, mất việc làm, cuộc sống túng quẫn.

Cũng có những người nuối tiếc, gắng vùng vẫy để cứu làng nghề, Hợp tác xã sản xuất guốc mộc Bình Nhâm được lập ra để tìm lối thoát, song cũng làm ăn trầy trật, không hiệu quả, cuối cùng đã tan đàn sẻ nghé.

Từ hàng trăm hộ sống bằng nghề làm guốc, làng nghề Bình Nhâm chỉ còn vài cơ sở sản xuất cầm chừng. Tiếng cưa, đẽo, xẻ gỗ rộn ràng một thời nhà nhà làm guốc, người người làm guốc mỗi ngày một lặng dần.

Bỏ nghề y, theo nghề guốc

Ông Thái Văn Siêm - cha anh Thái Văn Anh Hùng - đã học nghề làm guốc từ năm 1950 và lập Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân từ năm 1960. Do vậy từ khi mới 10 tuổi, Thái Văn Anh Hùng đã rành nghề đóng guốc. Nhưng vì thấy trước nguy cơ mai một của nghề này, ông Thái Văn Siêm quyết không cho con theo nghiệp.

Nghe lời cha, anh Hùng theo học ngành y, đến khi ra trường có công việc ổn định tại một cơ sở y tế ở tỉnh Bình Dương. Nhưng từ sau năm 1980, làng guốc Bình Nhâm mai một, hơn một nửa hộ dân làm guốc phải bỏ nghề. Trước tình cảnh ấy, anh Hùng quyết định thôi việc, trở về thay cha quản lý cơ sở Ba Thân.

Anh tâm sự: “Dân làng Bình Nhâm đã bao thế hệ gắn bó với nghề làm guốc mộc. Là người con của làng, lớn lên ở Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân, tôi thấy mình có trách nhiệm giữ cho làng nghề không bị lụi tàn rồi biến mất”. Năm 1995, Thái Văn Anh Hùng được cha giao điều hành Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân.

Trước đây các hộ làm guốc mạnh ai nấy làm, không ai chịu trách nhiệm liên đới khi sản phẩm bị lỗi, hơn nữa giá thành cao không ai kiểm soát, mỹ thuật và kỹ thuật lại hạn chế. Đó là chưa kể mọi công đoạn đều làm thủ công, năng suất thấp, mẫu mã ít nên guốc mộc cứ loay hoay trong nước.

Từ ý thức nghề guốc mộc phải đổi mới để tồn tại và phát triển, anh Hùng dành thời gian lân la khắp các chợ để tham khảo ý kiến người tiêu dùng và tìm đọc các tạp chí thời trang trong nước và thế giới. Qua tìm hiểu anh nhận thấy nhu cầu sử dụng guốc mộc trên thị trường thời trang vẫn rất lớn, sản phẩm này có giá trị cao.

Do vậy, anh gom vốn đầu tư công nghệ, máy móc thay cho cách làm thủ công, chuyển hướng thiết kế mẫu mã phù hợp với thị hiếu, trào lưu thời trang từng giai đoạn.

Công ty TNHH Hùng Thái thực hiện đơn hàng 300.000 đôi guốc/năm xuất khẩu.

 Công ty TNHH Hùng Thái thực hiện đơn hàng 300.000 đôi guốc/năm xuất khẩu.

Anh Hùng nhớ lại: “Ngày trước nhà tôi làm khâu đầu, tức mua gỗ về cưa xẻ thành phôi và đóng quai guốc, sau đó bán cho những cơ sở khác chuyên thực hiện đánh bóng, sơn vẽ. Nhưng thời bây giờ, phải sản xuất lớn, làm ăn bài bản hơn”.

Thế là anh thực hiện ý tưởng đó bằng cách cho sản xuất tập trung nhằm giảm giá thành, kiểm soát chặt chẽ đồng loạt về mặt kỹ thuật, mỹ thuật. Qua mấy năm đầu thể nghiệm, cũng có lúc anh cảm thấy nản chí vì sức tiêu thụ sản phẩm chậm, giá trị không cao.

Nhưng duyên may cũng đến khi một khách hàng Nhật Bản thấy sản phẩm của Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân đạt chất lượng cao, nên tìm đến tham quan và đặt mua hàng với số lượng lớn bất ngờ: 30.000 đôi. Cũng từ đó, anh liên tục nhận được nhiều đơn hàng, không chỉ đến từ châu Á mà còn tận các nước châu Âu như Đức, Pháp, Italia, Hà Lan…

Năm 2002, Cơ sở sản xuất guốc Ba Thân phát triển thành Công ty TNHH Hùng Thái, chuyên sản xuất các sản phẩm guốc gỗ xuất khẩu và trực tiếp mở kênh giao dịch với các đối tác nước ngoài. Không dừng lại ở các loại guốc thông thường, công ty làm những loại guốc sơn mài, chạm trổ tinh vi.

Anh Hùng nhập khẩu quai, đế guốc mẫu mã mới, kết kim tuyến, đính cườm để tạo dáng, làm mỹ thuật cho guốc. Sự khác biệt và những cải tiến mới giúp sản phẩm của anh được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa thích.

Gầy dựng thương hiệu

Vực dậy làng nghề guốc mộc ảnh 3Trước kia, người làm guốc ít quan tâm đến yếu tố thời trang nên không chú trọng việc cách tân sản phẩm. Một mẫu sản phẩm được sử dụng lặp lại qua các năm. Như vậy làm sao có thể đáp ứng được sự thay đổi chóng mặt của thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay Công ty TNHH Hùng Thái có hàng ngàn mẫu mã, thường xuyên được thay đổi để đáp ứng thị hiếu thời trang ở các nước. Vận hành theo guồng quay khắc nghiệt, nếu không chịu cải tiến chúng tôi sẽõ bị đào thải. Một mẫu hàng xài không quá 4-5 đợt hàng cho 2-3 lượt khách, sau đó phải bắt tay ngay vào việc sáng chế những mẫu mã độc đáo, mới lạ hơn.
Vực dậy làng nghề guốc mộc ảnh 4

Ông THÁI VĂN ANH HÙNG,
Giám đốc Công ty TNHH Hùng Thái

Hàng năm, Công ty TNHH Hùng Thái xuất khẩu khoảng 300.000 đôi guốc mộc sang thị trường châu Âu (Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch), châu Á (Nhật Bản, Thái Lan…).

Vào giai đoạn cao điểm từ tháng 10 đến tháng 4, hơn 300 công nhân làm việc hết công suất. Bên cạnh đó công ty còn liên kết với các cơ sở sản xuất khác trong làng nghề để đảm bảo việc giao hàng cho đối tác đúng hẹn.

Trong cơn bão của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng anh Hùng vẫn liên tiếp nhận được những đơn hàng lớn, số lượng ổn định từ nhiều nước.

Công việc làm ăn đã khá ổn định, tuy vậy anh luôn trăn trở: Làm sao để sản phẩm guốc mộc có thể góp phần đánh bật các sản phẩm giày dép kém chất lượng của Trung Quốc đang làm mưa làm gió ở thị trường trong nước? Và lời giải của anh là phải tạo dựng thương hiệu để nâng cao giá trị cho sản phẩm guốc mộc Bình Nhâm.

“Sản phẩm của mình đẹp, chất lượng mà vẫn phải chấp nhận bán với giá rẻ mạt, chỉ vài USD, nhưng khi sang xứ người, nhà nhập khẩu gắn mác của họ rồi bán ra với giá gấp cả chục lần! Do xuất khẩu FOB (giao hàng tại cảng bên bán), sản phẩm không tạo được thương hiệu, đại lý phân phối, phòng trưng bày ở nước ngoài nên đành phải chịu thiệt thòi” - anh Hùng tiếc rẻ.

Chưa quen làm thương mại, mọi việc anh Hùng đều phải học hỏi, tiếp thu từ đầu, do đó để thực hiện ước muốn này là việc không đơn giản chút nào. Anh cũng lên kế hoạch, phương án lâu dài để thực hiện. Với thị trường nước ngoài, công ty tìm cách liên kết để tạo các phòng trưng bày nhằm tạo thương hiệu của chính mình chứ không chỉ bán đứt, nương nhờ các đối tác lớn.

Đối với thị trường trong nước, công ty tiếp tục thăm dò thị hiếu khách hàng, tập trung cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng kênh phân phối trực tiếp để sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước với giá phù hợp.

Thái Văn Anh Hùng cho biết với niềm vui và tự tin ánh lên trong mắt: “Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Brazil... đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam về xuất khẩu guốc mộc. Nhưng guốc mộc Việt Nam vẫn được ưa chuộng do mẫu mã phong phú, chất lượng tốt, giá lại rất rẻ. Do vậy đã có nhiều nhà nhập khẩu chuyển sang mua guốc mộc Việt Nam”.

Các tin khác