PHÓNG VIÊN: - Tại thời điểm này, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra các chương trình hỗ trợ, kích cầu du lịch. Ông nhận định thế nào về việc này?
Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH: - Trên cơ sở các chương trình kích cầu du lịch do TCDL, Bộ VH-TT-DL phát động năm 2020, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, kích cầu du lịch với nhiều chương trình sôi động, sản phẩm mới hấp dẫn, mức giá hợp lý mời gọi du khách quay lại.
Nhiều chương trình liên kết đã ra đời, trong đó tiêu biểu là Hà Nội và TPHCM đã gắn kết với các cụm địa phương như Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc bộ, ĐBSCL, Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Sự liên kết giữa ngành du lịch và hàng không cũng chặt chẽ hơn, giữa các hãng hàng không và các điểm đến, khu du lịch, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp (DN) lữ hành… triển khai các gói kích cầu hấp dẫn và bảo đảm quyền lợi các bên.
TCDL đánh giá cao sự chủ động của các địa phương, đồng thời liên tục đồng hành với các địa phương để đẩy mạnh liên kết, triển khai các chương trình kích cầu.
Điều đáng mừng là thị trường đã có nhiều phản hồi tích cực, niềm tin về sự an toàn và nhu cầu du lịch của người dân vẫn cao, nhất là dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới. TCDL đã làm việc với nhiều địa phương, biểu dương sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo các địa phương trong việc chung tay phục hồi ngành du lịch.
Hy vọng trong thời gian tới, khi dịch bệnh dần được khống chế, ngành du lịch sẽ có nhiều thuận lợi để nhanh chóng phục hồi và phát triển.
- TCDL có đứng ra với vai trò “nhạc trưởng” để kết nối, phát động chương trình kích cầu rộng khắp, thưa ông?
- Tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền xúc tiến du lịch nội địa, ngay từ đầu năm TCDL đã đồng hành cùng các địa phương tại các chương trình, hội nghị, như hội nghị phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trạng thái bình thường mới (ngày 20-3).
Họp báo công bố Chương trình kích cầu “Miền Trung - Miền di sản diệu kỳ” tại Đà Nẵng (26-3); hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau (26-3); phối hợp với TPHCM chuẩn bị tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh vùng Bắc Trung bộ mở rộng; phối hợp với Ninh Bình chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021 (20-4)...
Đặc biệt, chuẩn bị đón mùa cao điểm du lịch nội địa, TCDL phối hợp cùng Phòng Công nghiệp - Thương mại (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ... tổ chức tọa đàm “Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ” vào ngày 3-4 vừa qua.
Tại tọa đàm, lãnh đạo TCDL đã trao đổi với các địa phương, DN lữ hành, khách sạn, hàng không và truyền thông về định hướng kích cầu du lịch nội địa, cũng như công tác chuẩn bị mở cửa thị trường du lịch quốc tế.
Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà Hill - điểm đến thu hút du khách của TP Đà Nẵng.
- Du lịch là ngành tổng hợp, do đó vực dậy ngành cần có sự chung tay. Dưới góc độ của người làm du lịch, tại thời điểm này theo ông cần làm gì để phục hồi?
- Dưới góc độ là cơ quan tham mưu Bộ VH-TT-DL trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, TCDL cho rằng liên kết là vấn đề mấu chốt trong việc sự thành công của ngành du lịch.
Theo đó, cần tăng cường sự gắn kết giữa ngành du lịch và các ngành như ngoại giao, an ninh, quốc phòng, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, y tế… nhằm tạo điều kiện thông thoáng hơn, đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển sản phẩm mới, tăng cường thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Ngoài ra còn rất cần sự liên kết giữa các địa phương, điểm đến với DN du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những gói sản phẩm du lịch hấp dẫn cho khách du lịch.
Cụ thể cùng đồng hành trong xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ DN du lịch và ngành du lịch vượt qua giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh; đồng hành trong công tác chuẩn bị các phương án cần thiết từng bước mở cửa trở lại với thị trường khách du lịch quốc tế; đồng hành liên kết, phối hợp liên ngành, kết nối DN và địa phương triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa.
Đồng hành đẩy mạnh công tác truyền thông thông tin, tuyên truyền xúc tiến du lịch nội địa, với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”; đồng hành triển khai các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, duy trì quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, hướng tới các thị trường mục tiêu.
- Dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. TCDL có phương án gì vừa đảm bảo an toàn, vừa giảm thiểu thiệt hại của DN và du khách khi tình huống xấu xảy ra, thưa ông?
- Nỗ lực phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới cần tính toán đa phương diện, phù hợp xu hướng và có cơ sở thực tiễn để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó yếu tố an toàn là ưu tiên hàng đầu.
Vì thế, ngành du lịch luôn cần chuẩn bị quy trình phục vụ khách đáp ứng chặt chẽ các yêu cầu về an toàn sức khỏe cộng đồng, chống lây lan, đồng thời có kịch bản ứng phó kịp thời, kích hoạt ngay trong các tình huống khẩn cấp.
DN du lịch và điểm đến cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch, triển khai quy trình phòng, chống dịch trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL và TCDL.
Với các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; yêu cầu thực hiện 5K tại các điểm du lịch; xây dựng, thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Với khách du lịch quốc tế, TCDL đang nghiên cứu đề xuất kế hoạch mở cửa thị trường khách quốc tế, với định hướng mở cửa từng bước một với quy trình chặt chẽ đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
- Cùng việc vực dậy thị trường nội địa, đề án mở cửa thí điểm đón khách quốc tế đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ VH-TT-DL nghiên cứu một số biện pháp kiểm soát để mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh, TCDL đang xây dựng phương án, tham mưu lãnh đạo Bộ VH-TT-DL trình Chính phủ, trong đó sẽ mở cửa từng bước thị trường quốc tế, tiến hành thí điểm trên nhiều phương diện từ lựa chọn thị trường khách, quy trình đón khách, điểm đến an toàn, cũng như lựa chọn DN đón khách quốc tế, dự kiến thí điểm mở cửa trở lại từ tháng 7 tới.
Thị trường khách du lịch được nhắm tới là Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể thêm vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc. Quyết định thí điểm này đều dựa vào tiêu chí chống dịch tốt ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, thỏa thuận song phương và chấp nhận kết quả chống dịch, tiêm vaccine từ 2 phía.
Các chuyến bay chở khách quốc tế đều thuộc hình thức thuê bao trọn gói đảm bảo toàn bộ khách du lịch cùng đến một điểm để đảm bảo an toàn. TCDL chọn thí điểm ở địa phương nào sẵn sàng ủng hộ chính sách mở cửa trở lại, bên cạnh đó phải đáp ứng tiêu chí du lịch hấp dẫn và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
TCDL cũng đề xuất áp dụng hộ chiếu vaccine trình lãnh đạo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, việc liên tục cung cấp các thông tin kịp thời về tình hình kiểm soát Covid-19 tại Việt Nam, điểm đến, sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái, du lịch xanh... là tiền đề để TCDL triển khai nhanh chóng và hiệu quả các hoạt động xúc tiến quảng bá về các chính sách và chương trình đón khách quốc tế tới cộng đồng quốc tế ngay sau khi du lịch Việt Nam mở cửa.
- Xin cảm ơn ông.