(ĐTTCO) - Kể từ mùa thu năm Canh Tuất cách đây hơn 10 thế kỷ, khi vua Lý Công Uẩn chọn mảnh đất Thăng Long (Rồng bay lên) làm kinh đô, dù phải trải qua bao biến cố lớn lao, những năm tháng chìm ngập trong khói lửa các cuộc chiến tranh giữ nước, nhưng Hà Nội vẫn luôn là trái tim của cả nước. Và tầm vóc phát triển mạnh mẽ của Hà Nội - thủ đô nước Việt Nam thống nhất - 40 năm qua là niềm tự hào của người dân cả nước.
Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh
Lịch sử 1.000 năm hình thành và phát triển của Thăng Long Hà Nội đã trải nhiều thăng trầm, có lúc rực rỡ huy hoàng, có lúc trầm lắng đau thương. Mảnh đất bên sông Hồng này, khi mang tên Thăng Long, khi Đông Đô, Đông Quan. Năm 1831, Minh Mạng (nhà Nguyễn) khi lên ngôi đã đổi tên Thăng Long thành Hà Nội (thành phố trong sông). Thời Pháp thuộc, người Pháp coi Hà Nội là một trong những trung tâm đầu não chỉ huy của chính quyền bảo hộ, đã tiến hành xây dựng một số khu vực ở Hà Nội. Và kể từ thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội càng khẳng định vai trò lịch sử trong tiến trình phát triển của dân tộc.
Tiếp theo, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quốc hội khóa 1, kỳ họp thứ 2, tháng 10-1946 đã quyết định Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi, tháng 7-1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI nhất trí thông qua Nghị quyết lấy tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Hiến pháp 1992, Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị đã tiếp tục khẳng định Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và ngoại giao của cả nước. Kể từ thời điểm này Hà Nội không còn giới hạn bởi 3 vòng thành, vỏn vẹn "36 phố phường", hay chỉ là "thành phố trong sông", mà đã không ngừng phát triển về mọi mặt: không gian mở rộng hơn, dân số đông đúc hơn; kinh tế - văn hóa - xã hội... đều khởi sắc. Qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008, Hà Nội hôm nay có diện tích tăng gấp 18 lần, dân số tăng gần 17 lần so với thời điểm năm 1954, và là một trong 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Hà Nội luôn là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa và sức mạnh của đất nước và dân tộc Việt Nam. Và 40 năm trong lịch sử hơn 1.000 năm tuổi là khoảng thời gian không dài nhưng rất đặc biệt đối với Hà Nội khi đã chứng kiến một trong các giai đoạn phát triển hào hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Chuyển mình mạnh mẽ
Có thể nói Hà Nội hiện nay như một đại công trường để hướng tới tầm cao phát triển mới, hướng tới mục tiêu văn minh, hiện đại. Chỉ trong khoảng từ cuối năm 2011 - tức thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 - đến cuối năm 2015, thành phố đã phê duyệt hơn 420 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị... Một số đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng đã hoàn thành như Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, quy hoạch chi tiết 2 bên đường Nhật Tân - Nội Bài... nhanh chóng được triển khai. Một số đồ án quy hoạch chi tiết đối với khu vực quan trọng tiếp tục được tập trung hoàn thiện, như đường Vành đai 3, đoạn Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Phạm Văn Đồng, đường Phạm Hùng, đường Vành đai 2,5, hai bên sông Tô Lịch…
Không ngạc nhiên khi bạn bè quốc tế và những ai xa Hà Nội, dù chỉ một khoảng thời gian ngắn cũng không khỏi trầm trồ, kinh ngạc trước những đổi thay. Trên thực tế, Hà Nội đã giành được những thành tựu to lớn, toàn diện. Hàng năm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước; đóng góp cho đất nước khoảng 10% tổng sản phẩm quốc gia; 20% ngân sách; 20% giá trị hàng hóa xuất khẩu... Những con số đó là minh chứng cho mồ hôi, công sức và sự nỗ lực của những lớp người đầy nhiệt huyết, khát vọng và tình yêu thủ đô, biết trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống mà ông cha để lại. Từ đó, một Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn đang hình thành cho hôm nay và mai sau.
Hà Nội những ngày này như đang được khoác trên mình chiếc áo mới không chỉ với cờ, hoa đón Tết Bính Thân 2016, mà còn đang mang trên mình cả diện mạo mới với thế và lực mới của một thủ đô hiện đại, năng động của nước Việt Nam thống nhất sau 40 năm xây dựng và phát triển. Hà Nội đã thay đổi không ngừng, mà đổi thay dễ cảm nhận được chính là bộ mặt đô thị. Có lẽ không khó để nhận ra rằng Hà Nội ngày nay đang ngày càng hiện đại hơn với những cơ sở hạ tầng mới được hoàn thành. Nhiều khu vực trước kia là nông thôn hẻo lánh, giờ trở thành khu đô thị hiện đại. Những công trình giao thông như Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 trên cao, hay những cây cầu bắc qua sông Hồng như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, tuyến đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, 2 hầm chui tại nút giao Thanh Xuân và Trung Hòa hiện đại và lớn nhất nước… phần nào khẳng định thêm điều đó. Cùng với đó, những công trình như tuyến đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh, cầu Đông Trù… đang được hoàn thiện sẽ làm diện mạo của thủ đô thay đổi và mang giá trị biểu tượng cho sự phát triển của đất nước.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: LONG THANH |
Vững thế vươn xa
Hà Nội ngày nay không chỉ đẹp hơn, hiện đại hơn, mà đang cho thấy là một đô thị ngày càng năng động trong kinh doanh. Từ nửa cuối năm 2006, đặc biệt từ đầu năm 2007, Hà Nội thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn, công ty lớn từ nhiều nước, cũng như khơi dậy tiềm năng đầu tư dân doanh trong nước. Những tòa nhà chọc trời đã có mặt tại thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh đổi thay về diện mạo, quy mô, Hà Nội cũng đối mặt với những vấn đề phức tạp, bức xúc đang nảy sinh trong quá trình phát triển. Theo đánh giá chung, kinh tế Hà Nội phát triển vẫn chưa toàn diện; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt. Kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám làm nên giá trị gia tăng cao của ngành kinh tế chủ lực chưa thể hiện rõ nét. Sức lan tỏa của một trung tâm kinh tế lớn, một động lực kinh tế trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước còn hạn chế. Cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần sớm giải quyết, như quá tải về dịch vụ y tế, cơ sở giáo dục, ô nhiễm môi trường, giao thông ùn tắc...
Bên cạnh đó, với nhu cầu phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, bài toán vốn cũng đang được đặt ra đối với Hà Nội trong việc thực hiện quy hoạch thủ đô giai đoạn 2006-2020, tầm nhìn 2030. Để giải quyết vấn đề này, về nguyên tắc, nguồn vốn thực hiện quy hoạch cần được đa dạng hóa và huy động tổng hợp các nguồn lực, kết hợp hài hòa giữa các cơ chế thị trường với hỗ trợ trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với đặc điểm tính chất mỗi dự án cần đầu tư.