Ngày mai 13-10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là thời điểm đặc biệt sau 70 năm Bác Hồ gửi thư cho giới công thương, 11 năm kể từ khi giới doanh nhân có ngày của riêng mình, nhất là thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế, hội nhập sâu rộng. Cơ hội và thách thức đan xen đã đặt giới doanh nhân trước sức ép về sự thay đổi. Nhân sự kiện này, ĐTTC đã trao đổi với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông VŨ TIẾN LỘC (ảnh).
Năm hội nhập sâu, rộng
PHÓNG VIÊN: - Nhận định của ông về những cơ hội lẫn thách thức trong bối cảnh kinh tế đang chuyển động mạnh mẽ?
Ông VŨ TIẾN LỘC: - Thời gian tới sẽ là giai đoạn rất gian nan, vất vả với doanh nhân, vì đó là những năm chúng ta tham gia hội nhập sâu rộng nhất, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ phải chấp nhận cuộc chơi, cạnh tranh sòng phẳng với các đối tác hàng đầu trên thế giới, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), nền kinh tế còn tương đối thấp. Hơn lúc nào hết, bản lĩnh doanh nhân cần được củng cố và có cố gắng nỗ lực vượt bậc.
Ngày Doanh nhân năm nay khá đặc biệt. Bởi lẽ, sau 30 năm Đổi mới nền kinh tế Việt Nam đang cần một giai đoạn đột phá mới, để bắt kịp các nước. Điều đó giống như tuyên ngôn của Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 19 về đẩy mạnh năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh để bắt kịp các nước ASEAN+4. Và 2015 là năm hội nhập kinh tế sâu rộng nhất từ trước đến nay với việc hoàn tất đàm phán TPP, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với EU, Hàn Quốc… Một giai đoạn mới hội nhập sâu rộng, cao hơn rất nhiều, cạnh tranh gay gắt hơn rất nhiều.
Tôi tin rằng với sức sống của DN Việt Nam khi đã trải qua các khó khăn trước đây về thể chế, nay đã có sự cải cách mạnh mẽ DN sẽ vượt qua được. Khi cải cách thể chế được Nhà nước đẩy mạnh, DN sẽ có cơ hội tập trung vào chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác… tạo cơ hội cho DN toàn tâm toàn ý tập trung giải quyết khó khăn của thị trường thay vì giải quyết thách thức của cơ chế. |
Các DN Việt Nam vừa trải qua giai đoạn rất khó khăn của tình hình kinh tế trong nước, do khủng hoảng kinh tế thế giới và đang có sự bắt đầu phục hồi. Sự phục hồi này trùng khớp với thời điểm chúng ta bắt đầu bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt hơn, cũng như việc Chính phủ đẩy nhanh cải cách thể chế với sự ra đời của Nghị quyết 19 (về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia), Luật DN, Luật Đầu tư mới.
Tất cả bối cảnh đó đặt DN Việt Nam vào một bối cảnh khác so với trước đây, một môi trường kinh doanh mới với đặc trưng là bình đẳng, sòng phẳng. Điều đó cũng đặt DN phải có một tâm thế mới - tâm thế sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng, không chỉ với các đối thủ trong nước mà với cả nước ngoài.
Phải thay đổi mạnh mẽ
- Nhiều ý kiến cho rằng với việc tham gia TPP, đây là thời điểm rất quan trọng để DN tăng mối liên kết, gia nhập chuỗi giá trị mới. Quan điểm của ông ra sao?
- Đứng trước bối cảnh hội nhập mới, trước hết DN phải nắm bắt đầy đủ thông tin hội nhập. Trên cơ sở thông tin đó, phân tích các tác động đến DN, ngành nghề kinh doanh của mình. Từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị với các DN khác. Đây không còn là thời điểm DN làm ăn riêng lẻ nữa, nhất là trong cơ cấu DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa. DN sẽ không thể tồn tại được nếu không có sự liên kết với nhau trong chuỗi giá trị. DN cũng phải hành động ngay, không thể chậm trễ được nữa trong việc chuẩn bị cho mình hành trang để hội nhập. Đặc biệt trong hơn 1 năm nữa, TPP sẽ đi vào thực thi.
Sự chuẩn bị của DN trong việc tận dụng cơ hội từ TPP, theo tôi phải thể hiện ở mấy điểm. Thứ nhất, cấu trúc lại thị trường, tập trung vào thị trường có ưu đãi thuế quan, bởi DN sẽ có lợi nhất trong việc thâm nhập. Thứ hai, chuẩn bị đối tác, bạn hàng tại các thị trường có ưu đãi thuế để thiết lập quan hệ kinh doanh. Thứ ba, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh vì những thị trường DN hướng tới dù có hay không là thành viên TPP đều quan tâm đến vấn đề xuất xứ, các rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ...
Trong đó, đặc biệt lưu ý vấn đề về xuất xứ. Thí dụ, hiện nay ngành dệt may sử dụng phần lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc - những nước không thuộc đối tác TPP. Nếu DN không chuyển hướng, tìm ra nguồn cung mới sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ của TPP để được hưởng ưu đãi. Những thị trường trong TPP rất tiềm năng nhưng cũng rất khó tính. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh DN đã đến lúc phải có những thay đổi mạnh mẽ về chất trong hoạt động kinh doanh để đạt tới các chuẩn mực quốc tế mới có thể hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng được.
- Khi hoàn tất đàm phán TPP, cơ hội được nói đến rất nhiều. Còn theo ông thách thức lớn nhất với các DN khi tham gia TPP là gì?
- Đó chính là làm sao để vươn tới các chuẩn mực quốc tế để không chỉ cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà còn cả trên thị trường nội địa vốn được dự báo là sẽ diễn ra gay gắt. Bởi lẽ, trước đây do các hàng rào thuế quan vẫn có sự ưu ái dành cho DN nội địa, nhưng hiện nay khi tham gia các FTA, hàng rào thuế quan các nước giảm chúng ta cũng phải mở cửa cho họ. Trong trường hợp như vậy cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ ngày càng gay gắt và sẽ không còn khái niệm thị trường trong nước, thị trường quốc tế nữa, mà tất cả sẽ cạnh tranh trên một chuẩn mực quốc tế chung. Do đó, với DN phải có sức cạnh tranh ngang tầm quốc tế mới tồn tại được và đó là sức ép rất lớn.
Hơn 1.000 doanh nhân trẻ tại diễn đàn CEO Việt Nam 2015. Ảnh: LONG THANH |
Đó là về mặt chung. Còn xét theo từng lĩnh vực, một số ngành có lợi thế, nhất là lĩnh vực có định hướng xuất khẩu như dệt may, giày da, chế biến nông sản... Nhưng đặc biệt những ngành như chăn nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi nhất và cần sự đổi mới căn bản, chuyển đổi về cơ cấu, công nghệ. Tất nhiên chúng ta có thời gian khoảng 10 năm để hàng rào thuế quan xuống 0%. Điều đó đòi hỏi chúng ta hoặc là chuyển hướng sản xuất hoặc phải đổi mới về công nghệ để có thể thích ứng, cạnh tranh được.
- Thưa ông, năm 2007 Việt Nam hồ hởi khi gia nhập WTO với những kỳ vọng nền kinh tế sẽ cất cánh. Thế nhưng 8 năm sau gia nhập, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do chưa tận dụng tốt cơ hội. TPP cũng đang đặt ra nhiều kỳ vọng. Theo ông, liệu chúng ta có đang quá hào hứng vào TPP như WTO không?
- Thực sự trong những năm qua các nền kinh tế trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn, biến động. Bên cạnh đó, việc cải cách thể chế của chúng ta cũng chưa thay đổi kịp, còn chậm trễ. Điều đó đã khiến việc nắm bắt các cơ hội từ WTO còn hạn chế. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới, trong nước đã bớt khó khăn, đang hồi phục và đặc biệt là ở trong nước việc cải cách thể chế đã được gia tốc. Cộng với sự nỗ lực tự thân tôi tin giai đoạn mới DN Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội một cách tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông.