Nằm cách thành phố Mỹ Tho về phía Tây khoảng 9km, trại rắn Đồng Tâm thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là một trung tâm nuôi rắn và bảo tồn các loài rắn quý. Đến đây du khách như lạc vào một thế giới rắn muôn hình muôn vẻ.
Trại rắn Đồng Tâm rộng 12ha với bạt ngàn cây xanh, các chuồng nuôi rắn lẫn với các đảo nhỏ tự nhiên có hào nước xung quanh, nơi cư trú của các loài rắn hiền lành như rắn nước, rắn ráo, rắn bông súng đến các loài rắn độc như rắn hổ, rắn lục...
Những chú rắn độc được nuôi trong chuồng có lưới sắt bảo vệ, nằm bất động, nhưng hễ nghe tiếng động là chúng vọt cao đầu, phùng mang phun phì phì. Đặc biệt hổ mang chúa, loại rắn cực độc, là “vua” của các loài rắn. Chúng có màu nâu hoặc ngà, có các dải hoa văn màu sáng nằm ngang, bò lướt nhanh như mây gặp gió, nên còn được gọi là rắn hổ mây.
Ai chẳng may bị nó cắn, trong chốc lát sẽ bị liệt chi, suy thở, hôn mê, phải đến ngay các cơ sở y tế để dùng thuốc giải độc. Nếu giãy dụa khi di chuyển, nọc độc sẽ theo máu vào tim, tăng nhanh khả năng nhiễm độc, khiến tim ngừng đập và chết ngay tức khắc.
Con hổ mang chúa lớn nhất hiện nay ở Trại rắn Đồng Tâm nặng 12kg, dài 4,1m, mỗi lần lấy được 2ml nọc, mỗi tháng ăn 12kg thức ăn. Trại rắn Đồng Tâm hiện có trên 200 con hổ mang chúa bố mẹ, còn rắn con nhiều vô số. Tại Bảo tàng rắn Đồng Tâm còn lưu giữ tiêu bản con rắn hổ mang chúa kỷ lục nặng 21kg, dài 4,2m, nó sống được 17 năm.
Rắn hổ mèo, nuôi theo mô hình tự nhiên. |
Ngoài hổ mang chúa còn có hổ mèo, hổ lãi, hổ ngựa, hổ hành, hổ hèo, hổ mang (hổ đất), hổ lửa (hổ hồng), hổ lác (rắn lác)... Về rắn lục có lục dây cương, lục cườm, lục dồ, lục mỏ dọ...
Hổ mang đất là loài rắn cực độc, sinh sống ở vùng đồng bằng, một gram nọc rắn này có thể giết chết 160 người nặng 60kg. Khi nó phùng mang, sau gáy có hình mặt trăng hay mắt kính, hai con mắt sáng lạ lùng như muốn thôi miên con mồi. Hổ mèo chủ yếu sống ở miền núi, trung du cũng là loài rắn độc. Nó có thể phun nọc độc xa 1-1,2m.
Rắn hổ ngựa khi di chuyển đầu và 2/3 cơ thể cất cao khỏi mặt đất giống như ngựa phi. Hổ lửa mình đen mốc, cổ có khoang đỏ da cam, trông rất dữ. Các loài rắn lục được nuôi tự nhiên ở trại rắn Đồng Tâm, nằm lẩn khuất sau những chiếc lá, có vẻ hiền lành nhưng khi có động chúng mổ nhanh như chớp.
Rắn lục đầu dồ, đuôi đỏ hoặc rắn lục cườm thường sống trên cây rậm, loài này cắn trúng chỗ nào, thịt sẽ bị hoại tử chỗ đó. Rắn ri voi không độc nhưng rất nhanh và dữ, nó cắn ai rồi thì bỏ nguyên hàm răng giống như những hạt tấm.
Rắn râu đen sống trong rong rêu dưới ao, đìa; ai bị nó cắn sẽ buồn ngủ li bì, nếu không đánh thức sẽ “ngủ” luôn. Có tên gọi đầy đủ là Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9. Trại rắn Đồng Tâm chỉ là tên thường gọi, nhưng đã phổ biến, ngay cả trên những sản phẩm của đơn vị.
Đây là trung tâm do quân đội quản lý, được thành lập từ năm 1979, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nuôi trồng, bảo tồn các loại rắn quý và cây con làm thuốc, chế biến thuốc y học dân tộc, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho cán bộ và nhân dân các tỉnh phía Nam.
Ban đầu chỉ là tổ điều trị rắn độc cắn với nhiệm vụ cấp cứu, điều trị bộ đội bị rắn độc cắn. Đến năm 1998, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập cơ sở cấp cứu và điều trị rắn độc cắn. Điểm độc đáo là "bệnh viện" chỉ có khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn, với hơn 20 giường bệnh.
Từ năm 2008 trở về trước, trung bình hàng năm điều trị 800 ca bị rắn độc cắn. Từ năm 2009 đến nay, trung bình chữa trị 1.000 ca/năm. Hàng chục năm qua, Trung tâm đã cứu sống hàng chục ngàn bệnh nhân bị rắn độc cắn từ các nơi về điều trị.
Hiện nay, Trại rắn Đồng Tâm còn là điểm tham quan đặc sắc, nằm trong tour du lịch sinh thái Mỹ Tho - cù lao Thới Sơn - trại rắn Đồng Tâm. Hàng năm, Trại rắn Đồng Tâm đón khoảng 130.000 lượt khách tham quan, trong đó có 1/3 là du khách nước ngoài.
Không chỉ có rắn, nơi đây còn nuôi và bảo tồn các loài động vật quý hiếm khác như gấu, trăn, cá sấu, ba ba, các loài chim quý. Và hơn hết, đến trại rắn Đồng Tâm, bạn sẽ được tận hưởng không khí mát lành của những vườn cây ăn trái, đắm mình trong thiên nhiên yên bình của dải đất thơ mộng ven sông Tiền.