Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra mới đây, các kết quả dự báo cho thấy kết thúc năm 2022 tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt khoảng 8%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Qua đó, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhiều điểm sáng như lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra, xuất khẩu trong 11 tháng tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ 2021…
Đánh giá về kết quả tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đạt được kết quả này nhờ 4 động lực. Thứ nhất, xuất khẩu - vốn rất mạnh trong quá khứ - là động lực chính của tăng trưởng GDP.
Thứ hai, nhu cầu trong nước thể hiện qua sự phục hồi mạnh mẽ của doanh số bán lẻ, tăng 17%/năm vào tháng 10, so với mức 0,4%/năm vào tháng 1.
Thứ ba, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 11 tháng năm 2022 đã giải ngân tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2021, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Thứ tư, kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp năm 2021 do tác động của dịch Covid-19.
Nhưng, khi nhìn vào bức tranh chung của kinh tế giai đoạn 2021-2022 sẽ thấy kinh tế tăng trưởng bình quân chỉ xấp xỉ 5,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 là 6,5%. Nguyên nhân do sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước.
Hệ lụy ở một số lĩnh vực người lao động mất việc làm; cán cân thương mại dịch vụ mất cân đối ngày càng lớn; tỷ giá và lãi suất tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng; giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch… Những điều này đang tạo ra áp lực rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những năm còn lại.
Nói về thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, cho rằng có ít nhất 2 rủi ro. Thứ nhất, lạm phát sẽ tiếp tục tăng, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng hơn.
Thứ hai, tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang đòi hỏi Việt Nam trong điều hành chính sách phải xuyên suốt, linh hoạt và hài hòa để quản lý rủi ro, tối ưu hiệu quả chính sách giữa tăng trưởng và lạm phát, giảm thiểu ảnh hưởng của sự giảm tốc.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và những ngân hàng trung ương khác khiến nền kinh tế thế giới bị thắt chặt, sẽ là rủi ro lớn cho Việt Nam.
Dẫn chứng, trong tháng 11 chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam giảm còn xấp xỉ 47-48%, Giám đốc ADB cho rằng con số dưới 50% là dấu hiệu đầu tiên của sự suy thoái trong sản xuất, và cho biết ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ mức 6,7% xuống 6,3%. Đại diện ADB cũng cảnh báo Việt Nam cảnh giác lạm phát trong năm 2023.
Nhưng thách thức cũng luôn đồng hành cơ hội. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6-6,5%.
Do vậy, Việt Nam ứng phó ra sao với những “cơn gió nghịch”, phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực chung của các cơ quan quản lý và điều hành, trong đó tính đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt của chính sách cần được đề cao hơn lúc nào hết.