WB: 4 nguyên tắc vàng cho ĐBSCL

(ĐTTCO) – Dưới góc nhìn của đại diện một định chế tài chính quốc tế lớn, đối tác quan trọng của Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã nêu ra những khuyến nghị để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) một cách bền vững.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam trao đổi ý kiến với các đại biểu. Ảnh: WB
Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam trao đổi ý kiến với các đại biểu. Ảnh: WB
ĐTTC xin trích đăng ý kiến của ông Ousmane Dione tại Hội nghị Phát triển Bền vững ĐBSCL thích ứng với Biến đổi Khí hậu 2017 vừa qua.
Chính phủ quy về một mối 
Là một khu vực trọng yếu của Việt Nam, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong các thành công kinh tế - xã hội của đất nước. Với dân số 18 triệu người, khu vực này hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn để giúp Việt Nam thành công hơn trên con đường phát triển của mình, đồng thời cũng sẽ đi đầu trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế của toàn khu vực theo hướng tăng năng suất, đẩy mạnh đổi mới, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. 
Tuy vậy, ĐBSCL cũng đang ngày càng chứng kiến nhiều hiện tượng biến đổi khí hậu. Chỉ trong vòng 2 năm qua, sinh kế của người dân vùng ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, ngập mặn. Chỉ riêng năm nay, ngập úng nặng nề tại khu vực ven biển và xói lở ven sông đã ảnh hưởng đến cuộc sống của những cộng đồng gặp nhiều nguy cơ trên khắp khu vực ĐBSCL. 
Do vậy, để phát triển ĐBSCL cần có sự thay đổi cơ bản về mô hình. Từ cách nhìn bó hẹp trong phạm vi đồng ruộng, địa phương sang tầm nhìn bao quát được nhiều địa phương, toàn khu vực, vượt qua ranh giới địa lý. Từ cách làm ngắn hạn, hạn chế trong ngành nghề sang mô hình dài hạn, đa ngành, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. 
Để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, thích ứng với biến đổi khí hậu và đầu tư hạ tầng cho khu vực cần áp dụng cách tiếp cận “Chính phủ quy về một mối”. Có nghĩa là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương tại vùng ĐBSCL, trung ương và kinh tế tư nhân để sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài chính, tài nguyên thiên nhiên có được. 
4 nguyên tắc nền tảng
Hơn nữa, đây thực sự sẽ là một bước ngoặt quan trọng vì xu hướng tăng trưởng của Việt Nam tại vùng ĐBSCL, theo tôi sẽ cần áp dụng 4 nguyên tắc sau: 
Thứ nhất, yếu tố nguy cơ, bất định. Do ĐBSCL nằm ở cao độ thấp nên biến đổi khí hậu cùng các ảnh hưởng của nó (thừa nước, thiếu nước, nước không bảo đảm vệ sinh và các hậu quả đi kèm) sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm những vấn đề về sử dụng nguồn nước và đất đai. Tính đến các yếu tố bất định, từ các ảnh hưởng ở thượng nguồn và hạ nguồn, cũng như yếu tố bất định do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu giờ đây sẽ không còn chỉ là cần thiết nữa, mà là một đòi hỏi bắt buộc. 
Một số yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, địa phương cũng cần được lên mô hình theo các tình huống cụ thể để phục vụ công tác quy hoạch dài hạn, xây dựng lộ trình ứng phó, đưa ra các phương án đầu tư. 
Thứ hai, nâng cao hiệu quả, hiệu suất. Việt Nam đã có những cam kết chắc chắn về nâng cao hiệu quả xử lý các vướng mắc về tài chính, do vậy tăng cường hiệu quả, hiệu suất sử dụng các nguồn tài chính sẽ càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Tình trạng phân tán ngân sách, đầu tư hiện nay cũng như sự thiếu hiệu quả trong việc xây dựng những môi trường thuận lợi đang cản trở tiềm năng tăng trưởng chung của ĐBSCL. 
Vì vậy cần phải có những giải pháp táo bạo để tận dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khan hiếm, ban hành những chính sách để định hướng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, chiến lược định vị nơi cần đầu tư hạ tầng, và đưa ra được những phương án đầu tư tối ưu. 
Đề án An ninh Nguồn nước khu vực ĐBSCL của Bộ Xây dựng, trong đó đề xuất tập hợp một số địa phương lại để xây dựng nguồn nước bền vững, chống ngập mặn và khắc phục khan hiếm nguồn nước, cũng như Đề án Vận tải đường thủy khu vực miền Nam của Bộ Giao thông-Vận tải là những bước đi đúng hướng sẽ tạo tiền đề để tăng cường hợp tác hiệu quả nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức chung. Tất cả những đề án này đều đang được xây dựng theo mô hình bao quát, lồng ghép, trên phạm vi toàn vùng. 
Thứ ba, coi trọng liên kết vùng. Để tận dụng đầy đủ tiềm năng phát triển của khu vực ĐBSCL, cần tối ưu hóa mối liên kết giữa các địa phương rõ ràng là cần thiết, đặc biệt trong quản lý đất đai, sử dụng nguồn nước, kết nối hạ tầng. Nếu không có sự phối hợp tốt, các quyết định, phương án đầu tư của địa phương này có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực ngoài dự tính đối với tiềm năng phát triển của các địa phương khác.
Tìm ra những phương án cùng có lợi và phối hợp trong đầu tư có thể mang lại những lợi ích lan tỏa vượt ngoài ranh giới địa lý. Một mô hình có thể học tập là những chương trình gần đây của Đồng Tháp Mười hợp tác với các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang trong xây dựng quy hoạch chung, thực hiện đầu tư chiến lược về cơ sở hạ tầng. 
Thứ tư, tận dụng tốt các lợi thế so sánh. Với nhiều tiểu vùng thủy sinh và được thiên nhiên ưu đãi những vốn tự nhiên đa dạng, các khu vực tiểu vùng của ĐBSCL đang đứng trước những thách thức đặc thù, phát sinh từ các yếu tố không gian, lịch sử, nguy cơ riêng. Phần phía trên của khu vực dịch chuyển theo hướng thâm canh lúa nhưng đổi lại là thiệt thòi khi mất đi nguồn lợi do diện tích cánh đồng thu hẹp, trong khi đó, các khu vực ở ven biển lại đang đối mặt với tình trạng ngập mặn, sạt lở ngày càng tăng. 
Để tạo chuyển biến về sinh kế và đáp ứng nhu cầu về hạ tầng ở vùng thượng ĐBSCL cần phải chú trọng vào phát triển nông nghiệp lúa nước và hạn chế ngập úng. Mặt khác, các khu vực ven biển cần phát triển sản xuất, kinh doanh ở những địa bàn nước lợ để thích ứng với tình hình ngập mặn ngày càng tăng. 
Nếu tận dụng được yếu tố lợi thế nhờ quy mô, các tiểu vùng của khu vực sẽ nâng cao được sức cạnh tranh, tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu, để từ đó tăng thu nhập, tìm được cơ hội phát triển các nguồn sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Dự án Tăng cường thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đang triển khai hiện cũng đã có những hoạt động hỗ trợ theo hướng này.
4 yếu tố để đạt được phát triển bền vững
Trước tiên, về thể chế. Chính phủ đã có những bước đi đầu tiên khi thực hiện thí điểm các chương trình hợp tác trong vùng, theo Quyết định 593 của Thủ tướng Chính phủ. Sự hợp tác trong khu vực này là cần thiết để thoát khỏi lề lối quy hoạch cũ theo kiểu địa phương, đơn lẻ và hướng tới cách tiếp cận có sự phối hợp, bao quát hơn về không gian, lồng ghép. Nhờ đó, các bên sẽ nâng cao hiệu quả, khắc phục các vấn đề về sự chồng chéo quyền hạn giữa các ban ngành… 
Việt Nam cân nhắc chuyển đổi mô hình quản lý hiện nay sang cơ chế mới hiệu quả hơn, có nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí đầy đủ để nắm vai trò lãnh đạo quá trình phát triển của khu vực ĐBSCL.
Thứ hai, hệ thống thông tin. Là một trong những khu vực đồng bằng được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới, ĐBSCL phải có một cơ sở dữ liệu tổng hợp, đáng tin cậy, với những quy trình chia sẻ hiệu quả, thống nhất. Những thông tin này cần được tích hợp vào trong quá trình quy hoạch, trong đó chú trọng vào phát triển không gian, lồng ghép, liên địa phương. Cần áp dụng cách tiếp cận dựa trên bằng chứng trong thiết kế, lựa chọn địa điểm, quy mô ưu tiên đầu tư, để thông tin hiệu quả cho Chính phủ ra quyết định. Luật Quy hoạch sắp ban hành sẽ tạo thuận lợi để xử lý những hạn chế, những sự chồng chéo trong quy hoạch phát triển tổng thể ở các cấp, giữa các lĩnh vực.
WB sẵn sàng hỗ trợ quá trình lập Quy hoạch tổng thể lồng ghép, nhằm phối hợp công tác đầu tư, kết nối hạ tầng, tập trung nguồn lực cho quản lý sử dụng đất, chính sách phát triển ngành, thống nhất hài hòa chiến lược phát triển sản xuất, chuỗi giá trị, huy động kinh tế tư nhân.
Thứ ba, về nguồn vốn. Do nhu cầu đầu tư lớn nên vùng này cần tuân thủ chặt chẽ các bước xác định, lập chương trình, sắp xếp ưu tiên đầu tư để đảm bảo hiệu quả, hiệu suất đầu tư, có tính đến các yếu tố bất định, những sự đánh đổi, lồng ghép vào quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Công tác này sẽ phát sinh những chi phí và đòi hỏi phải huy động nguồn lực. Vì thế câu hỏi căn bản ở đây là lấy nguồn tiền ở đâu. Từ bài học của các nước khác, Việt Nam có thể cân nhắc thành lập một Quỹ Phát triển ĐBSCL, có cơ chế quản lý hoạt động rõ ràng, để huy động những nguồn vốn cấp bách, dành riêng cho từng mục đích, phù hợp với các nguyên tắc chung về quản lý bền vững, thích ứng khu vực.
Mô hình quỹ này có thể có các nguồn huy động vốn gồm: Huy động vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng – dành riêng cho các dự án liên địa phương, có sự liên hệ tương tác hiệu quả, đem lại các lợi ích chung; huy động vốn tư nhân; huy động vốn thông qua đổi mới, nghiên cứu; cơ chế giảm nghèo, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế.
Cuối cùng, thực hiện. Chỉ số thành công trong việc đổi mới mô hình phát triển cho ĐBSCL sẽ không chỉ xác định được dựa trên thiết kế mô hình, mà sẽ được xác định cụ thể hơn từ những hoạt động thực tế với các kết quả cụ thể.
Chuẩn bị là yếu tố then chốt, nhưng điều còn quan trọng hơn là phải có cách làm thực tế để “không để sự hoàn thiện trở thành kẻ thù của cái tốt”. Thay vào đó, hãy “cứ bắt tay vào làm ngay”. Sự đổi mới cần thiết cho ĐBSCL sẽ là cả một chặng đường nhưng có một điều rõ ràng là càng chờ đợi lâu trước khi thực hiện những đổi mới đó thì cái giá phải trả vì không có hành động cần thiết sẽ càng cao. 

Các tin khác